Thoái vốn: Đề phòng nguy cơ thất thoát

Nếu quản lý không chặt chẽ, thiếu kiểm tra, giám sát quá trình thoái vốn, sẽ có nguy cơ xuất hiện lỗ hổng làm thất thoát tài sản nhà nước.

Tiềm ẩn nguy cơ thất thoát

Nghị quyết 15/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) được ban hành cho thấy quyết tâm rất lớn của cơ quan quản lý trong việc giải quyết những hậu quả do một thời gian dài, các tập đoàn, tổng công ty đầu tư tràn lan gây ra.

Để thực hiện Nghị quyết 15/NQ-CP của Chính phủ, được biết Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo quyết định về đẩy mạnh thoái vốn nhà nước tại DN giai đoạn 2013 - 2015 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành. Trong khi cơ quan quản lý đang hoàn chỉnh văn bản pháp lý để chính thức hóa việc triển khai thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá, nhiều chuyên gia nhận định, nếu văn bản pháp lý này không quy định chặt chẽ quy trình thoái vốn, trách nhiệm của lãnh đạo DN bán vốn, các đơn vị tổ chức định giá, bán đấu giá cổ phần, cũng như không tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thoái vốn, sẽ có nguy cơ xuất hiện lỗ hổng làm thất thoát tài sản Nhà nước.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc tổ chức thoái vốn ngoài ngành dưới mệnh giá phải minh bạch từ khâu phê duyệt kế hoạch, tổ chức đấu giá, đến công khai thông tin về giá bán, bán cho ai, ai đăng ký mua, mua với khối lượng bao nhiêu… nếu không minh bạch, không tuân thủ nguyên tắc thị trường, quá trình triển khai thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá rất có nguy cơ khiến tài sản nhà nước lại thêm một lần thất thoát.

5 giải pháp tránh thất thoát

Thứ nhất, về việc DN được phép thoái vốn dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, về cơ bản nội dung này phù hợp với quy định tại Nghị định số 71/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có bổ sung quy định DN được phép thoái vốn dưới mệnh giá.

Về nguyên tắc, DN có trách nhiệm bảo toàn vốn đầu tư, trường hợp thoái vốn dưới giá trị sổ sách (kể cả dưới mệnh giá) thì cũng cần bảo toàn vốn đầu tư ở mức cao nhất, hạn chế số lỗ phát sinh khi thoái vốn dưới giá trị sổ sách. Vì vậy, khi thoái vốn dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách, nếu trừ cả “các lợi ích thu được từ đầu tư vốn” thì có thể dẫn tới tăng thêm số lỗ phát sinh, như vậy cũng chưa đảm bảo hạn chế tổn thất vốn đầu tư ở mức cao nhất. Mặt khác, đối với các trường hợp có thời gian đầu tư dài tính đến thời điểm thoái vốn thì việc xác định các lợi ích thu được cũng phát sinh bất cập do phải rà soát, đối chiếu, như vậy sẽ làm kéo dài thời gian thoái vốn.

Thứ hai, DNNN được chào bán ra công chúng số cổ phần đã đầu tư tại các công ty đại chúng có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định. Giải pháp bổ sung này nhằm tháo gỡ vướng mắc quy định tại Nghị định số 58/2012/NĐ-CP của Chính phủ vì thời gian qua Bộ Tài chính nhận được nhiều ý kiến phản ánh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là không thực hiện được việc thoái vốn theo lộ trình được duyệt vì một số DN có vốn góp là công ty đại chúng có kết quả kinh doanh thua lỗ. Thực hiện giải pháp này cũng sẽ hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thoái vốn của các DN.

Thứ ba, để tạo nguồn lực triển khai các dự án trọng điểm cũng như hỗ trợ tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đến năm 2015 trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn khó khăn thì phương án thoái vốn Nhà nước sẽ theo nguyên tắc sau: Duy trì tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ ở mức không thấp hơn 65% vốn điều lệ đối với các ngân hàng thương mại cổ phần và tập đoàn Bảo Việt; Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DN nhà nước khác (trừ các DN trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng) căn cứ vào tiêu chí phân loại DN Nhà nước và vai trò đối với phát triển kinh tế ngành để xác định tỷ lệ cần duy trì nắm giữ vốn Nhà nước nhưng tối đa không quá 65% vốn điều lệ.

Thứ tư, Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định để thể chế hóa Nghị quyết về đẩy mạnh sắp xếp, CPH và thoái vốn nhà nước đến năm 2015. Đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DN nhà nước không thực hiện được tiến độ sắp xếp, CPH và thoái vốn nhà nước theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì Ban lãnh đạo DN được xác định là không hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chậm hoàn thành kế hoạch đã được phê duyệt theo quy định.

Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế để thúc đẩy thị trường chứng khoán, thị trường tài chính phát triển, qua đó góp phần đẩy mạnh quá trình sắp xếp, CPH DN nhà nước.

Hoàng Quân