Thống nhất xây dựng quy chuẩn thương hiệu cho các doanh nghiệp

Các doanh nghiệp trên thế giới giá trị tài sản có thể lên tới 70%, thậm chí còn lớn hơn, thì ở Việt Nam nhiều doanh nghiệp vẫn chưa xác định được giá trị thương hiệu, hoặc xác định chưa đầy đủ gây nên

Sáng ngày 4/7/2017, tại Hà Nội, Hội thảo “Xây dựng phát triển và định giá thương hiệu doanh nghiệp” đã được tổ chức. Hội thảo xoay quanh câu chuyện Xây dựng - phát triển - định giá thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh chưa có sự thống nhất về phương pháp đánh giá “tài sản vô hình” này của doanh nghiệp.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Đặng Quyết Tiến – Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng “Việt Nam đang trong bối cảnh chưa có sự thống nhất về phương pháp đánh giá thương hiệu. Trong khi thế giới coi thương hiệu là giá trị cốt lõi, là tài sản có giá trị lớn nhất đối với một doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp trên thế giới giá trị tài sản có thể lên tới 70%, thậm chí còn lớn hơn, thì ở Việt Nam nhiều doanh nghiệp vẫn chưa xác định được giá trị thương hiệu, hoặc xác định chưa đầy đủ gây nên những trở ngại không đáng có trong quá trình phát triển. Cụ thể, là việc các doanh nghiệp sẽ thiệt thòi trong quá trình cạnh tranh, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập...

Ông Đặng Quyết Tiến nhận định: Việt Nam cần thiết phải định vị lại cách hiểu về thương hiệu và thống nhất xây dựng quy chuẩn chung cho các doanh nghiệp (ảnh: VNN)

Từ những thực tế trên, ông Đặng Quyết Tiến nhận định, nhiều doanh nghiệp Việt đã sản xuất được những sản phẩm có chất lượng cao, song khi “xuất ngoại” vẫn phải mang tên của các thương hiệu có giá trị trên thế giới. Chính vì vậy, “Việt Nam cần thiết phải định vị lại cách hiểu về thương hiệu, từ đó xây dựng quy chuẩn chung cho thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam, giúp cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp gần nhau hơn”, ông Tiến nhấn mạnh.

Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ cho biết thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải rất nhiều thách thức. Điển hình là việc bị xâm phạm quyền sở hữu mà đôi khi doanh nghiệp quyết định mở rộng thị trường mới phát hiện ra. Một số các doanh nghiệp trong nước khi bước chân vào sân chơi quốc tế mới ngỡ ngàng khi thương hiệu của mình đã bị kẻ khác đăng ký sở hữu từ khi nào.

Ông chia sẻ, trên thế giới từng xảy ra không ít cuộc cạnh tranh về sở hữu trí tuệ, trong đó lớn nhất là cuộc chiến giữa hai gã khổng lồ công nghệ Samsung và Apple diễn ra nhiều năm qua.

Ông Lê Ngọc Lâm: Nhiều thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam bị xâm phạm nghiêm trọng (ảnh: VNN)

Ở Việt Nam, đơn cử như thuốc lá Vinataba đã đăng ký thương hiệu tại Việt Nam và chủ yếu phục vụ thị trường trong nước. Nhưng khi Vinataba có ý định xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài thì nhận ra thương hiệu của mình đã bị công ty P.T. Putra Stabat Industri (của Indonesia) đăng ký độc quyền tại nhiều quốc gia ASEAN và châu Á.

Một câu chuyện khác khiến doanh nghiệp Việt "khóc dở, mếu dở" là bài học từ thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân từ năm 2005 nhưng thương hiệu này đã bị một doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký bảo hộ.

Ngoài ra, các thương hiệu khác như cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre, võng xếp Duy Lợi, nước mắm Phú Quốc... đều mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức để đi tìm lại tên.

Bàn về vấn đề giá trị thương hiệu, ông Samir Dixit - Giám đốc điều hành Brand Finance Châu Á Thái Bình Dương nhấn mạnh, “Thương hiệu là tài sản vô hình mạnh mẽ nhất để tạo ra giá trị cho cổ đông và doanh nghiệp”.

Toàn cảnh Hội thảo “Xây dựng phát triển và định giá thương hiệu doanh nghiệp” 

Theo ông Samir, thương hiệu và các quyết định liên quan đến thương hiệu có thể được quản trị bằng việc sử dụng cách tiếp cận kinh tế hoặc định tính. Tiếp cận định tính chủ yếu tập trung vào vẻ ngoài và cảm nhận, truyền thông, nhận biết thương hiệu, nhận diện thương hiệu, độ yêu thích, độ phù hợp với doanh nghiệp.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cũng đồng tình, để giải quyết vấn đề xây dựng – phát triển và định giá thương hiệu doanh nghiệp, ngoài việc doanh nghiệp tự giác chủ động thì các cơ quan chức năng cũng cần phải thống nhất về phương pháp đánh giá. Đồng thời, tăng cường sự nhận biết của các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Bên cạnh đó, việc xây dựng và định giá thương hiệu cũng thúc đẩy và đóng góp vào thành công chung của doanh nghiệp, cũng như nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.


Hoàng Hòa