Thực hiện thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong hoạt động tiêu chuẩn

Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) là một trong những công cụ để loại bỏ các rào cản thương mại phi thuế quan và tạo điều kiện cho dòng chảy tự do của hàng hóa trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Qu

Điều 19 của AEC Blueprint kêu gọi các nước thành viên ASEAN (AMS) "Hài hoà tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hoạt động đánh giá sự phù hợp theo các thông lệ quốc tế". Chương 7 trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đòi hỏi AMS thúc đẩy các MRA và hài hòa các tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế như là một phương tiện loại bỏ các rào cản thương mại không cần thiết. Hướng dẫn ASEAN về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hoạt động đánh giá sự phù hợp (AG-STRACAP) cung cấp hướng dẫn cho AMSs việc thực hiện quá trình này. Ủy ban Tư vấn ASEAN về tiêu chuẩn chất lượng (ACCSQ) là cơ quan giúp Ban Thư ký ASEAN (ASEC) thực hiện các hoạt động này. Trong giai đoạn đến năm 2015, căn cứ theo mức độ ưu tiên và tính cấp thiết đối với từng nhóm sản phẩm, các nhóm công tác (WG) thuộc ACCSQ đã thực hiện việc hài hoà tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hoạt động đánh giá sự phù hợp ở từng mức độ khác nhau. Theo cơ chế hoạt động trong ASEAN, nếu như hoạt động hài hoà tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có thể đạt được sự đồng thuận trong các WG giai đoạn đến năm 2015 thì mô hình về thực hiện MRA còn cần tiếp tục được đàm phán và thảo luận trong các WG thuộc ACCSQ giai đoạn sau năm 2015. Quá trình thúc đẩy thực hiện MRA hiện đang nhận được sự trợ giúp của Chương trình ARISE (ASEAN Regional Integration Support from the EU).

Theo mô hình thực hiện MRA trong ASEAN hiện đang được Chương trình ARISE xây dựng, đề xuất, quy trình MRA được thực hiện như sau: AMS bất kỳ hoặc Ban Thư ký ASEAN có thể đề xuất sơ bộ cho một dự thảo MRA đối với một sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm để WG thuộc ACCSQ tiến hành thảo luận, đàm phán và đánh giá tác động tiến tới đạt được sự đồng thuận trong triển khai thực hiện. WG xác định thực hiện MRA, đánh giá tác động và thực hiện điều phối hoạt động này với sự hỗ trợ của ASEC. Các WG có thể yêu cầu một nước thành viên, Ban Thư ký SEAN hoặc bất kỳ một tổ chức bên ngoài chuẩn bị các dự thảo MRA. Dự thảo MRA này sẽ được xây dựng thành dự thảo để lấy ý kiến các nước thành viên. Các "dự thảo để lấy ý kiến" là một bản dự thảo sơ bộ và không ràng buộc các quốc gia thành viên, phải phản ánh các nguyên tắc chung, có thể bao gồm các văn bản thay thế cho nội dung mà không có thoả thuận. Đây là tài liệu để các AMS trong WG tiến hành tham vấn với các bên liên quan tại mỗi nước thành viên. Quá trình tham vấn với các bên liên quan trong mỗi nước thành viên được thực hiện một cách độc lập. Các AMS sẽ sử dụng các kết quả tham vấn để xây dựng MRA và chuẩn bị cho các cuộc thảo luận về MRA với các nước thành viên khác. WG sẽ tiếp tục họp thảo luận, ghi nhận những kết quả tham vấn để hoàn thiện dự thảo MRA. Quá trình đàm phán sẽ tiếp tục cho đến khi các nước thành viên đạt được sự đồng thuận về nội dung và mục tiêu của MRA. Sau khi hoàn thành, dự thảo MRA được trình cho ACCSQ hoặc cơ quan có thẩm quyền quyết định phù hợp đối với WG này. Cơ quan này sẽ rà soát thủ tục pháp lý và phê duyệt theo cơ chế phù hợp trong ASEAN. Quá trình này sẽ được điều phối bởi Ban Thư ký ASEAN, các WG có liên quan sẽ được thông báo về tiến độ thực hiện MRA.

Trong khuôn khổ các hoạt động có liên quan phiên họp lần thứ 20 của Nhóm công tác về sản phẩm cao su (RBPWG) thuộc ACCSQ tại Kuala Lumpur, Malaysia vừa qua, Chương trình ARISE cũng đã tổ chức hội thảo về MRA cho các AMS của RBPWG. Các AMS đã thảo luận một số nội dung liên quan đến thực hiện MRA đối với các sản phẩm cao su để đưa vào kế hoạch hoạt động của RBPWG sau năm 2015. Thông qua thảo luận, các AMS đều nhận thức được một số hạn chế, rào cản của MRA cần vượt qua như: các tiêu chuẩn chưa được hài hòa hết; nhiều cấp thẩm quyền phê chuẩn, sự khác biệt trong khung luật pháp của các AMS. Thực hiện MRA là cần thiết khi các quốc gia thành viên ASEAN quy định hoạt động đánh giá sự phù hợp đối với các sản phẩm được đưa vào thị trường, khung pháp lý của các AMS cho phép việc lựa chọn và thực hiện MRA và khi kim ngạch thương mại nội khối ASEAN đối với sản phẩm là đủ lớn để thực hiện MRA nhằm giảm chi phí và tiết kiệm thời gian. Đối với các sản phẩm cao su, RBPWG thuộc ACCSQ xác nhận có sản phẩm được một số AMS thực hiện quản lý nhà nước bằng quy chuẩn kỹ thuật trong khi một số các AMS khác không thực hiện việc này.

Ngoài việc thực hiện MRA, các AMS còn xem xét những công cụ khác để loại bỏ các rào cản kỹ thuật đó là: Hài hòa hóa các tiêu chuẩn được dẫn chiếu trong các quy chuẩn kỹ thuật của các nước thành viên; Quy định Tuyên bố Tuân thủ của Nhà cung cấp (Suppliers Declaration of Conformity SDoC) có giá trị pháp lý; Hài hòa hóa các quy chuẩn kỹ thuật/quy định pháp lý và các nước thành viên đồng ý áp dụng các quy chuẩn được hài hòa; Thực hiện Công nhận tương đương. Các AMS cũng đã trao đổi, thảo luận về quá trình thực hiện MRA, mức độ và các công cụ thực hiện MRA.

RBPWG thuộc ACCSQ cùng thống nhất rằng thực hiện MRA là mức độ cao trong hoạt động tiêu chuẩn. Quá trình thực hiện MRA trong RBPWG thuộc ACCSQ cần tiếp tục được thảo luận, thống nhất sau năm 2015 đồng bộ với việc xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm tham chiếu trong ASEAN đối với sản phẩm cao su và danh mục mới các tiêu chuẩn được hài hòa trong ASEAN.