Thực trạng sản xuất và tiêu thụ nông sản của Long An

Long An là tỉnh có diện tích tự nhiên đứng thứ 2 trong số các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, nông sản chủ lực của tỉnh gồm lúa với sản lượng trên 2,8 triệu tấn/năm; mía nguyên liệu gần 900.000 tấn

Có thể thấy, Long An đã hình thành, phát triển các vùng sản xuất hàng hoá tập trung như: sản xuất lúa hàng hóa đặc sản ở khu vực phía Nam với khoảng 30.000 ha; vùng lúa cao sản Đồng Tháp Mười 180.000 ha; vùng rau thâm canh Cần Đước - Cần Giuộc 2.400 ha; vùng thanh long tại huyện Châu Thành 6.000 ha; vùng đậu phộng 8.000 ha; vùng mía 12.000 ha; vùng chanh Bến Lức, Đức Hoà, Đức Huệ 5.700 ha; khoai mỡ Thạnh Hóa 3.500 ha; bò sữa, bò thịt Đức Hoà 48.000 con; nuôi trồng thủy sản vùng Hạ 4.000 ha... tất cả đang từng bước phát triển theo định hướng thị trường, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng nông sản.

Trên thực tế, Long An có nhiều điều kiện phát triển các loại nông sản hàng hóa cung cấp cho thị trường; cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước chuyển dịch theo hướng khai thác tiềm năng và lợi thế từng vùng sinh thái; công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng rộng rãi các quy trình sản xuất tiên tiến, áp dụng các biện pháp quản lý sản xuất theo quy trình VietGAP được đẩy mạnh; công tác quy hoạch và triển khai các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại (trang trại nhỏ của gia đình) đối với từng loại nông sản được chú trọng… Hiện nay, lúa gạo được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh, tập trung tại các huyện giáp ranh với vùng Đồng Tháp Mười như Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa, Mộc Hóa (quy mô 49.000 ha) với các giống lúa gạo chất lượng cao rất nổi tiếng như gạo nàng thơm Chợ Đào, lúa nếp, gạo Huyết Rồng.v.v. Thanh Long được sản xuất tập trung trên 15.000 ha ở huyện Châu Thành, sản lượng 78.000 tấn/năm. Thanh long của Long An chất lượng cao, đa dạng chủng loại (ruột trắng, ruột đỏ), đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu. Một số công ty và HTX như Hoàng Huy, Tầm Vu đã nhận được các chứng chỉ quốc tế, đăng ký nhãn hiệu bảo hộ hàng hóa tại Mỹ, Nhật Bản. Cây Chanh được sản xuất với quy mô khá lớn với khoảng 6.000 ha, sản lượng 75.000 tấn/năm, tập trung tại các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ. Giống chanh không hạt được trồng khá phổ biến, năng suất cao, giá trị kinh tế vượt trội, đáp ứng tốt cho các nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu trong và ngoài nước. Vùng sản xuất rau tập trung tại các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Huệ, diện tích xấp xỉ 10.000 ha, sản lượng khoảng 180.000 tấn/năm. Hiện nay, một số HTX trồng rau có quy mô lớn đã đăng ký các tiêu chuẩn sản xuất sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP như HTX Long Khê của huyện Cần Đước... Vùng chăn nuôi heo tập trung tại các huyện Tân Trụ, Thủ Thừa, Cần Đước. Các giống heo truyền thống được nuôi phổ biến, cùng với đó là các giống heo mới cho tỷ lệ nạc cao, tăng trưởng nhanh và có khả năng chống chịu bệnh dịch... Sản lượng thịt heo hơi của Long An ước khoảng 72.000 tấn/năm. Chăn nuôi gà, vịt, trứng cũng là thế mạnh do điều kiện chăn thả, gần vùng nguyên liệu, gần thị trường tiêu thụ, tập trung tại các huyện Tân Trụ, Châu Thành, Cần Đước, Cần Giuộc. Ngoài các giống gà, vịt truyền thống, Long An còn du nhập các giống lai hoặc nhập khẩu từ nước ngoài đã tạo ra động lực mới trong chăn nuôi.

Tuy nhiên, hiện nay sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Long An đang đối mặt với giống cũ đã thoái hóa mà chưa có giống mới chất lượng tốt thay thế; giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đang ở mức cao; tiêu thụ còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu mong muốn. Theo đánh giá, hệ thống phân phối tiêu thụ của Long An vẫn tự phát, bị chi phối bởi thương lái (chiếm tới 87% sản lượng tiêu thụ). Các kênh phân phối tiêu thụ hiện đại như nhà sản xuất ký hợp đồng trực tiếp bán sản phẩm cho các siêu thị, các công ty chế biến hay bán hàng qua internet chiếm tỷ trọng rất nhỏ; người nông dân gần như phó mặc việc tiêu thụ cho thương lái nên tỷ suất lợi nhuận được hưởng rất thấp, thậm chí có khi chấp nhận lỗ. Hầu như bà con có thói quen cứ sản xuất, còn sản phẩm tiêu thụ được hay không chưa được bàn tính kỹ lưỡng. Thế nên mới có chuyện dưa hấu vừa bị phá bỏ, người dân lại tiếp tục trồng dưa hấu vì không biết phải trồng cây gì khác! Do chỉ tập trung vào sản xuất mà không có thông tin về nhu cầu thị trường nên cung đã không gặp được cầu. Có thể thấy, việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản chủ lực của Long An đang thiếu các yếu tố như thông tin về nhu cầu thị trường, khách hàng; thiếu chỉ dẫn địa lý, chưa có sự cam kết tuyệt đối về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của sản phẩm hàng hóa; chưa thương hiệu, bao gói; hoạt động quảng bá, truyền thông, xúc tiến thương mại chưa được quan tâm thích đáng. Hệ thống kênh phân phối tiêu thụ hầu như chưa được đầu tư nhằm gắn chặt sản xuất với tiêu thụ, tạo ra chuỗi giá trị cho hàng hóa nông sản.

Để tiêu thụ được hàng hóa nông sản trong điều kiện thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay đòi hỏi phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố, đó là mối liên kết "4 nhà"; chính sách bổ trợ, tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, tính pháp lý của các hợp đồng trong bao tiêu nông sản phải được thể hiện rõ, ràng buộc chặt chẽ giữa người bán và người mua; đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo mô hình cánh đồng mẫu lớn; thể hiện rõ vai trò của nhà khoa học gắn kết với doanh nghiệp và nông dân trong phát triển giống vật nuôi, cây trồng, quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, chế biến, đóng gói, bao bì, nhãn hiệu, quảng bá, xúc tiến.v.v.

Để gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ, các nhà quản lý và các nhà đầu tư của Long An cần hoạch định chiến lược phát triển dài hạn cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, dựa trên việc xác định nhu cầu thị trường, xu hướng biến động của cung cầu, tình hình cạnh tranh… từ những căn cứ này, chính quyền và các doanh nghiệp định hướng đầu tư sản xuất cũng như áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, Nhà nước sẽ can thiệp gián tiếp bằng các chính sách hỗ trợ, đầu tư kết cấu hạ tầng (điện, thủy lợi, giao thông, trung tâm thu mua nông sản, đóng gói, chế biến.v.v.); hỗ trợ nghiên cứu giống, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tìm kiếm thông tin thị trường và khách hàng. Phân định rõ vai trò của các bên trong mô hình, gắn chặt lợi ích và chia sẻ rủi ro. Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩ, hệ thống nhận diện thương hiệu; hỗ trợ các HTX và các doanh nghiệp đạt các tiêu chí về tiêu chuẩn VietGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Thu hoạch chuối sạch xuất khẩu ở xã Mỹ Bình,  huyện Đức Huệ  - LongAn 

Chỉ có như vậy, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực của Long An mới bám sát các chủ trương, chính sách của tỉnh trong phát triển “tam nông” theo hướng hiện đại, bền vững và hội nhập quốc tế.