Thuyền quyên chốn Tây Nguyên

Tôi lên Tây Nguyên lần nữa vào đầu mùa mưa. Những cơn mưa đầu mùa xứ này thật đặc biệt, ào đến nhanh chưa kịp mặc áo mưa hoặc trú nấp thì đã tắt ngấm ngay tự bao giờ. Mặt đất đỏ bazan như một miếng xố

Vẫn không thể ngờ họ hàng lại quần tụ ở Tây Nguyên nhiều đến như vậy. Huyện Đắck Đoa nằm về phía bắc tỉnh Gia Lai, Tây Nguyên, cũng được xem là một trong những thủ phủ của cây cà phê, tiêu, bơ và chanh leo. Dân Bắc di cư vào đây theo tiếng gọi kinh tế mới bây giờ cũng đã sống đến thế hệ thứ 3, sinh hoạt cùng người dân tộc và hầu như đều là chủ của bạt ngàn các dãy cây trồng nông sản. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm, người dân Bắc không quản ngại khó khăn, vất vả đã dùng trí và lực, sự am hiểu về nông nghiệp đã rủ anh em họ hàng bạn bè thân hữu lên đây và đã cùng nhau làm thành một Tây Nguyên mới - Tây Nguyên của đồng bằng bắc bộ đất đỏ trù phú, hiếu khách. Những người nông dân ngụ cư dắt díu nhau càng ngày càng đông vì nơi đây đã cho họ những cơ hội thay đổi cuộc đời, cho họ niềm vui sung túc sau cả mùa vụ tưới tiền và mồ hôi đẫm trên những bạt ngàn dãy cà, dãy tiêu. Sau mỗi mùa vụ, họ có thể kiếm được một khoản tiền tương đối lớn, cỡ một vài trăm triệu để gửi vào ngân hàng, điều mà ở chốn quê hương ngọt ngào với hàng trăm mối quan hệ, hàng vạn lý do tiêu tiền khiến họ không thể tích cóp, mà cứ nghèo xác xơ, chẳng để ra nổi vài ba triệu mỗi năm. Chỉ cần chăm chỉ sẽ có của ăn của để, Tây Nguyên rộng lượng như thế đó.

Nhưng chỉ với điều kiện khỏe mạnh, không ốm đau thuốc thang bệnh tật gì. Chứ rừng thiêng nước độc luôn không ngừng thử thách lòng người. Năm trước, cậu em họ phải bỏ lại vợ con và mấy héc ta cà và tiêu để ăn trực nằm chờ đến gần nửa năm ở Bệnh viện huyết học ở Hà Nội vì chứng bệnh mãi mới tìm ra là suy giảm tiểu cầu vô căn. Khánh kiệt rồi mới về lại với 3 hec ta café, 700 cọc tiêu, người vợ trẻ, đứa con gái học lớp 5 và thằng con trai bốn tuổi và lời dặn phải kiêng lao động nặng của bác sĩ. Trời, làm nông mà kiêng lao động nặng thì cầm chắc treo niêu thế nên tháng trước tháng sau đã thấy cậu lên rẫy dù mặt còn xanh rớt. Lan, tên cô vợ thương chồng chạy đuổi theo tất tả giằng lấy cái gùi trông đến tội… Rồi chẳng rõ nội tình nhưng từ đó mọi người ít thấy chồng lên rẫy hơn, thay vào đó là Lan, khuôn mặt của một thời xuân sắc cứ đỏ rực lẫn vào mầu của đất bazan…

Họ hàng nhà tôi ngót nghét có đến gần hai chục nóc nhà ở Gia Lai. Dù vào đây đã lâu, có người đến mười mấy hai mươi năm rồi mà giọng Bắc vẫn không thay đổi, chỉ có pha hơi đớt đớt một chút. Không hiểu bằng cách nào mà mọi người đã bê gần như nguyên xi tập tục sinh hoạt ở quê hương vào trong đây. Tiếp đãi bạn bè anh em ngoài Bắc lên vẫn là ngả một con chó to có khác chăng thì gọi nó là con cày mà thôi. Rồi vẫn tay dao tay thớt các ông bếp trưởng bếp phó xoay trần với hấp, nướng, xáo, nhựa mận… Phụ nữ vẫn luôn đóng vai phụ khi ở trong bếp, đó là nhặt rau, vo gạo và chạy lăng xăng phụ việc. Mâm cỗ hay có thêm vài ba con gà tộc- thứ gà người dân tộc nuôi đậu trên cây thoăn thoắt bay nhảy muốn bắt chỉ có chờ đến giờ quáng gà là tranh thủ được. Thịt gà dẻo thơm, mầu nâu thẫm chấm với tiêu muối ngon không thể tả. Giá lại còn rất rẻ nữa chứ. Người dân tộc thật thà và kính trọng người Kinh lạ thường, còn người Kinh thì coi họ như những đối tác làm ăn không thể thiếu, là cánh tay nối dài khi thu hoạch nông sản bởi họ hiền lắm, chẳng biết cò kè giá cả ngày công mà sức làm việc trên nương rẫy, sự dẻo dai, chịu nắng gió lại bền bỉ hơn cả.

Lần này là anh chị Bùi Phương lấy vợ cho con. Anh Bùi là trưởng công an xã Đăck Đoa cũng gia trưởng nề nếp có tiếng oai phong vậy mà nể vợ ghê. Chị quán xuyến việc nhà cửa vườn tược nương rẫy một tay. Đảm đang, tháo vát, có tài chính lại được anh chồng công an nên chị Phương mạnh mẽ lắm. Lần này là chị chọn vợ cho con trai - một chàng trai hiền lành, ngoan ngoãn được mẹ chọn cho cô vợ làng bên xinh như hoa với đôi hàm răng trắng đều tăm tắp. Chị đã nhờ bác Sơn được từ trước đó một tháng đến ngày thì rải chiếu cho đôi uyên ương mong được cái vía nhanh nhẹn, mau mắn, có cả nếp cả tẻ của bác.

Người Bắc hay thật, đi xa thế rồi mà vẫn “xách tay” theo cả hàng loạt tập tục của quê hương lên áp dụng giữa đại ngàn nắng gió. Lâu lắm rồi mới lại đi một đám cưới cà dịch cà tang linh đình đến 4-5 ngày như thế này. Nhà trai và nhà gái mỗi nhà ăn một hôm nhưng vẫn mời các đại diện phía họ bên kia đến dự bữa cơm thân mật mà việc này được gọi long trọng là “ngồi bàn họ”, họ nọ mời họ kia mời đi mời lại thế là mất hai hôm, rồi hôm thứ ba là tiệc chung hai họ, ngày hôm sau lại là lễ lại mặt, đó là chưa kể mấy hôm trước đã có cỗ rựng rạp. Ngoảnh đi ngoảnh lại hết trọn một tuần nhưng làm nông nghiệp thì có gì phải vội vã đâu. Mùa mưa cũng là mùa nhàn hạ nhất, không phải lo tưới tắm cho cây cối, công việc chủ yếu chỉ là làm cỏ và thu hoạch. Cây café một năm thu hoạch một lần vào dịp cuối năm còn chanh leo hay bơ thì vài tháng một lần nên nhàn tản lắm. 

Chả thế mà trong “tuần lễ đám cưới” ngày nào cũng vậy, các gia đình trong họ cứ dậy ăn sáng xong là vợ chồng con cái chở nhau vào nhà đám rồi cứ thế rôm rả ăn cỗ uống rượu cho đến khuya lại bồng bế nhau về nhanh để mai còn… tiếp tục. Tôi cố gắng tìm những ánh mắt mệt mỏi của vợ, của chồng, của cả những đứa trẻ đang trưởng thành chỉ thích chơi nhiều với bạn bè cùng lứa mà không còn thích cùng bố mẹ đi thăm họ hàng, nhưng tuyệt nhiên không thấy. Có một sợi dây vô hình nối họ lại với nhau, đó là tổng hợp của nhiều thứ tình cảm: họ hàng, đồng hương, tha hương… cùng nương tựa vào nhau để sống, để lao động và cùng vun vén cho tương lai của chính họ trên đại ngàn bazan yêu thương.

Nên khi có người mất đi, nỗi buồn cứ ở lại mãi không thôi. Lên Tây Nguyên lần này trống trải quá, bởi thiếu vắng thím Hương và mất đi chị Nguyệt.

Chị Nguyệt gầy nhỏ như một đứa trẻ, chắc chỉ ngoài ba mươi cân thôi. Chị hiền lắm, hiền đến phát tức. Chị có hai đứa con một trai một gái. Chị bị tai nạn giao thông trước tết . Ai cũng nhìn thấy chị quá khổ vì hai thằng đàn ông, một là thằng con, hai là thằng chồng. Nghiện game bỏ nhà đi chơi hàng tuần mẹ đến tìm nhận về một thằng người như cái xác ve và đôi mắt đờ dại. Chồng thì ham chơi hơn làm, nhà có mấy hecta café và tiêu mà hắn ta chẳng ngó ngàng gì. Mỗi chị là không. Giận chị nhưng thương chị nhiều hơn, nhất là hôm thấy các em vào chị cuống cả lên tỷ tê “cậu nói với cháu mấy câu để cháu thôi chơi game, tu chí làm ăn, nhà cửa nương rẫy đầy ra đấy lo gì nghèo đói”. Buồn quá. Liệu một lời nói của một thằng cậu họ xa lắc xa lơ cả đời may gặp được vài lần có tác dụng gì không? Thương chị nên tôi vẫn cố mà nghe lòng buồn tê tái. Rồi chị đi qua đời như một cơn gió. Chồng chị đã trở thành một tay chơi khét tiếng. Thằng con lớn đi bộ đội không biết đã tỉnh ngộ ra chưa. Chỉ còn cô con gái hiền y hệt mẹ hàng ngày đi học về tha thẩn hái quả trong vườn, chiều chiều ra mộ chơi với mẹ, khi về luôn nói: “Mẹ ở đây nhé, mai con lại ra” nghe thương ứa nước mắt.

Thím Hương thì khác hẳn. Quá nửa đời người thím sinh sống ở Hà Nam, cách đây hơn chục năm, thím sớm nhìn ra cơ hội đổi đời ở chốn cao nguyên xa xôi nên đã quyết định cùng hai trong số ba cậu con trai vào Gia Lai lập nghiệp cùng bầu đoàn thê tử của bọn chúng. Dốc hết tiền tiết kiệm của cả đời người lam lũ thím mua đất, mua rẫy, mua cây giống, dựng nhà dựng cửa cho hai cậu con trai. Bặt đi mất mấy năm rồi cuối cùng trời cũng chiều lòng người, hai đôi vợ chồng con trai của thím đã bắt kịp nhịp sống cao nguyên, ổn định cuộc sống và bắt đầu thu hoạch trên mảnh đất mà mẹ chúng đã gieo hạt. Ngoài trồng tiêu và café, Minh mua cát sỏi sắt thép nhận đúc cọc tiêu - một thứ cọc bê tông cốt sắt dùng để làm trụ cho cây hạt tiêu lên giàn, còn Chiến mở cơ sở làm bún khô. Hạt tiêu và bún khô là hai thứ không thể thiếu của Tây Nguyên. Diện tích trồng tiêu ngày càng được mở rộng, còn món phở khô Gia Lai ăn theo chiến lược quảng cáo du lịch Tây Nguyên nên càng ngày càng được nhiều thực khách tìm đến thưởng thức. Nên Minh và Chiến làm không hết việc. Tạm “bình định” Tây Nguyên, thím Hương lại “tập kết” ra Bắc hỗ trợ cậu con trai cả trông cháu để vợ chồng chúng nó ngược xuôi buôn bán nuôi ba đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn.

Nhớ lần trước vào Tây Nguyên gặp thím, nhìn thím tươi cười, nhăn nheo mà dẻo dai không lạng mỡ thừa nào ngồi làm khán thính giả bất đắt dĩ giữa bầy con cháu đang say sưa hát karaoke tại gia, nghe một hồi rồi thím bảo: “Thằng Hà hát cái bài này thím nghe thấy được này”. Là thím khen bài tủ của tôi- Một đời người một rừng cây, tôi chợt phá lên cười trước một bà thím Việt Nam anh hùng có vẻ ngoài quê kệch mà bên trong lại là cả một rừng nội tâm. Một cảm thức dễ chịu xen lẫn kính phục cứ lắng đọng mãi trong tôi về những người phụ nữ tha phương đã chọn Tây Nguyên làm quê hương thứ hai.

Phút tranh thủ thu hoạch chanh leo của chị Nguyễn Thị Nhàn - Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Đăck Đoa, Gia Lai, cháu gái họ của tôi 
Đám cưới tưng bừng trên Tây Nguyên

Thoắt cái trời lại mưa mọi người "sơ tán" hết
"Chân dung" một cây tiêu khỏe mạnh
Ngây người xem thu hoạch chanh leo
Ngất ngây thưởng thức món phở khô Gia LaiAnh em tranh thủ nâng cốc ngày ăn cỗ rựng rạp