Tiếp sức cho nền công nghiệp quốc gia

Ngày 03/11/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 111/2015/NĐ-CP về Phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ngay sau đó, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp đã lên tiếng hưởng ứng mạnh mẽ khi cho rằng Nghị địn

Để đi đến Nghị định này, trong năm 2014, Bộ Công Thương đã chủ trì và triển khai việc nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, các ngành, địa phương, doanh nghiệp thông qua nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo.

Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại Hội trường ngày 11/6 năm nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, trong khi chờ ban hành Nghị định, Bộ đã đưa ra nhiều giải pháp cho vấn đề này.

Thứ nhất, là tận dụng tốt những quy định pháp luật hiện có mà có liên quan đến doanh nghiệp hỗ trợ.

Thứ hai, làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch về phát triển công nghiệp hỗ trợ, vừa qua Bộ Công Thương đã ban hành quy hoạch về phát triển 6 nhóm hàng công nghiệp hỗ trợ.

Thứ ba, tổ chức tốt việc kết nối giữa các doanh nghiệp lớn, trong đó có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Năm 2014 đã tổ chức tọa đàm giữa Samsung với một số doanh nghiệp của Việt Nam. Qua nghiên cứu, khảo sát của Samsung sẽ lựa chọn một số doanh nghiệp làm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho họ.

Thứ tư, cố gắng lồng ghép kết hợp công nghiệp hỗ trợ với chương trình liên quan đến cơ khí, như chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm, sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt chương trình thử nghiệm, chế tạo tổ máy phát điện công suất 600 MW các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia.

Những biện pháp nói trên càng hữu hiệu hơn với sự ra đời của Nghị định 111. Một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ trước kia nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, như Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ; luật đầu tư sửa đổi hay Luật sửa đổi, bổ sung một số luật thuế mới được Quốc hội thông qua cuối năm 2014... nay được tập trung trong một văn bản.

Điểm mới trong Nghị định là các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ khép kín từ hỗ trợ nghiên cứu phát triển; ứng dụng chuyển giao công nghệ cho đến phát triển nguồn nhân lực; mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ phát triển thị trường.

Trong phần ưu đãi chung đối với Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có 5 điểm:

a) Thuế thu nhập doanh nghiệp:

Được áp dụng ưu đãi thuế theo quy định của Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế.

b) Thuế nhập khẩu:

Được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, Thuế Nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành.

c) Tín dụng:

- Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục ưu tiên phát triển được vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước;

- Được vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với mức lãi suất cho vay theo trần lãi suất cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại từng thời kỳ.

d) Thuế giá trị gia tăng:

Doanh thu của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được lựa chọn kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng, theo năm, khai tạm tính theo quý. Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết điểm này.

đ) Bảo vệ môi trường:

Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được vay với lãi suất ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cho hạng mục xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường của Dự án.

Kèm theo Nghị định, Chính phủ cũng ban hành danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, gồm 6 nhóm sản phẩm trong các ngành: dệt may, da giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, công nghiệp công nghệ cao.

Đối tượng và thủ tục xác nhận ưu đãi

1. Đối tượng ưu đãi:

Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển: Bao gồm dự án đầu tư mới, dự án mở rộng và đổi mới công nghệ có ứng dụng thiết bị mới, quy trình sản xuất mới, sản xuất sản phẩm với năng lực sản xuất tăng ít nhất 20%.

2. Thủ tục xác nhận ưu đãi:

a) Các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể nộp hồ sơ đề nghị xác nhận tại cơ quan có thẩm quyền của địa phương nơi đặt dự án hoặc Bộ Công Thương để được xác nhận. Cơ quan có thẩm quyền của địa phương gửi Quyết định xác nhận ưu đãi tới Bộ Công Thương;

b) Các đối tượng còn lại ngoài các đối tượng quy định ở mục trên, nộp hồ sơ đề nghị xác nhận tại Bộ Công Thương.