Tìm cơ chế đảm bảo cho ngành Than phát triển bền vững

Làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Công nghiệp - Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh than, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc V

Báo cáo với Đoàn công tác của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn TKV Nguyễn Hoàng Trung cho biết: Năm 2017 ngành Than có nhiều khó khăn mới phát sinh do Chính phủ cho phép các nhà máy nhiệt điện chạy than chủ động lựa chọn nhà cung cấp. TKV chỉ đóng vai trò là một trong những kênh cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện. Nhưng với sự nỗ lực, kết thúc 10 tháng, theo kế hoạch năm TKV đã sản xuất được 29,3 triệu tấn than nguyên khai, bằng 81,5%; doanh thu đạt 87.543 tỷ đồng, bằng 82%. Sản lượng than tiêu thụ đạt 26,9 triệu tấn, bằng 74,7% kế hoạch năm và bằng 94% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, than tiêu thụ hộ điện đạt 20,01 triệu tấn, bằng 70,5% kế hoạch năm và bằng 90,1% so với cùng kỳ năm 2016.Các lĩnh vực sản xuất khác như điện, khoáng sản, cơ khí, vật liệu nổ... đạt từ trên 82% đến 92,8% và tăng trưởng so với cùng kỳ; đặc biệt là sản xuất, tiêu thụ alumin tăng cao. Dự kiến cả năm, than sạch sản xuất 32,9 triệu tấn; tiêu thụ 33,5 triệu tấn; trong đó than cung cấp cho điện chỉ đạt 24,3 triệu tấn, giảm 4 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm và giảm 7 triệu tấn so với kế hoạch đăng ký của các nhà máy điện.

Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho TKV đảm bảo tồn kho ở mức hợp lý và ổn định sản xuất, kinh doanh, Tập đoàn đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ cho phép xuất khẩu dài hạn các loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng; sớm phê duyệt biểu đồ cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện đến năm 2020, định hướng đến 2030 và định hướng tiêu thụ than trong nước để TKV chủ động trong đầu tư phát triển sản xuất, đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh;...

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long nhấn mạnh, tỉnh Quảng Ninh luôn đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để TKV và Tổng công ty Đông Bắc ổn định phát triển sản xuất

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long nhấn mạnh, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định, ngành Than vẫn là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp gần 50% thu ngân sách nội địa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh Quảng Ninh luôn đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để TKV và Tổng công ty Đông Bắc ổn định phát triển sản xuất, đảm bảo việc làm, đời sống người lao động; công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh than trên địa bàn tỉnh luôn được chỉ đạo sát sao, đạt hiệu quả...

Để đảm bảo cho sự phát triển ổn định của ngành Than, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thực hiện Quy hoạch phát triển ngành Than gắn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; kiến nghị với Chính phủ xây dựng cơ chế điều hành giá than theo thị trường gắn với đảm bảo an ninh năng lượng; cơ chế điều hành xuất khẩu than dài hạn đối với các chủng loại than trong nước không dùng hoặc tiêu thụ không hết. Bộ Công Thương thống nhất chỉ đạo TKV và Tổng công ty Đông Bắc tiến hành thăm dò, đánh giá trữ lượng than. Trong đó, cần đẩy nhanh các dự án trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành Than đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030. Đặc biệt, Bộ Công Thương cần đánh giá lại việc thực hiện Chỉ thị 21 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than, nhất là quản lý tại khu vực giáp ranh, đầu nguồn, cuối nguồn. Đồng thời, ban hành các chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân; tăng cường phối hợp với tỉnh trong việc ổn định xã hội sau khi tái cơ cấu,...

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng thông tin, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương chủ trì nghiên cứu về định hướng phát triển ngành Than, từ đánh giá toàn diện về ngành đến đề xuất cơ chế chính sách.

Quan điểm phát triển ngành Than trong thời gian tới, cho dù mô hình thay đổi ra sao cũng cần có cơ chế phát triển ổn định, bền vững ít nhất 10 - 15 năm, đặc biệt là trên địa bàn Quảng Ninh - địa phương chiếm tỷ trọng lớn sản xuất than và than có vai trò rất quan trọng, bảo đảm đóng góp tăng trưởng 25% GDP, đóng góp 50 thu nội địa và bảo đảm an sinh cho khoảng 35% dân số.

“Mục tiêu này đặt ra công tác tái cơ cấu tổ chức lại sản xuất sao cho bảo đảm năng suất cao, giá thành giảm, để có sức cạnh tranh” -Thứ trưởng yêu cầu.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, sản xuất than hiện chủ yếu cung ứng cho nhiệt điện

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao tỉnh Quảng Ninh trong việc đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành Than phát triển và ghi nhận sự nỗ lực của TKV và Tổng công ty Đông Bắc trong sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh và đề nghị ngành Than thực hiện đạt kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã đề ra trong năm 2017, góp phần đảm bảo chỉ tiêu tăng GDP của Chính phủ.

Về định hướng phát triển ngành Than, Thứ trưởng khẳng định, sản xuất than hiện chủ yếu cung ứng cho nhiệt điện, trong những năm tới, nhu cầu sử dụng than vẫn tăng. Tuy nhiên, xu thế sử dụng năng lượng tái tạo sẽ ngày càng phát triển, đòi hỏi ngành Than phải có chiến lược phát triển bền vững, đẩy mạnh tái cơ cấu mạnh mẽ, thực hiện tăng năng suất, giảm giá thành, đảm bảo an toàn trong sản xuất...

Về cơ chế chính sách cụ thể quản lý điều tiết thị trường than trong thời gian tới, theo Thứ trưởng trong giai đoạn đầu vẫn cần thiết phải có.“Điều tiết của Nhà nước ở đây là yêu cầu các nhà máy điện phải ký hợp đồng dài hạn 5 năm hay 10 năm, để một mặt vẫn tạo sự chủ động cho các nhà máy điện thu xếp 10 - 15% nhu cầu than, mặt khác để tạo sự chủ động cho kế hoạch đầu tư mỏ mới của ngành than” -Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Với các kiến nghị của ngành Than và của tỉnh, Bộ Công Thương sẽ báo cáo với Chính phủ về cơ chế xuất khẩu than cũng như cấp phép, thăm dò, khai thác nhằm xây dựng thị trường than ổn định; xây dựng cơ chế phát triển bền vững ngành Than, đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh của TKV và các ngành kinh tế khác; trước mắt, TKV chủ động với các đối tác cụ thể nhập khẩu than của TKV báo cáo Bộ, Chính phủ để thực hiện...

Thúy Hà