TKV các chỉ tiêu 6 tháng đầu năm hoàn thành trên 52% kế hoạch năm

Sáng ngày 10/7/2014, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam tổ chức sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014.

Trong 6 tháng đầu năm nay, tình hình sản xuất và tiêu thụ than - khoáng sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ giảm. Lượng than tồn kho tuy đã giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao. Ước tính trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành khai thác được 19,8 triệu tấn than nguyên khai, đạt 52,5% kế hoạch năm, trong đó, than tiêu thụ đạt 18,9 triệu tấn, bằng 53,9% KH, tăng 1% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, than xuất khẩu đạt 4 triệu tấn, bằng 50% KH năm; tiêu thụ trong nước 14,9 triệu tấn, bằng 55% kế hoạch, tăng 18% so cùng kỳ. Trong đó, bán than cho sản xuất điện đạt 9 triệu tấn, tăng 25% so cùng kỳ. Một số lĩnh vực đạt cao so cùng kỳ như sản xuất điện đạt 5.558 tỉ đồng, sản xuất khoáng sản đạt 2.816 tỉ đồng... Doanh thu 6 tháng toàn Tập đoàn đạt 52.556 tỉ đồng, bằng 50% kế hoạch năm và tăng 12% so cùng kỳ năm trước. Duy chỉ có sản lượng tồn kho còn lớn, tính đến cuối quý II tồn kho than lên tới 7,3 triệu tấn, trong đó than sạch thành phẩm là 5,2 triệu tấn, than nguyên khai và bán thành phẩm 2,1 triệu tấn.

Nhìn chung các đơn vị thuộc TKV đều nỗ lực, cố gắng thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Về cơ bản, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đều đạt và vượt kế hoạch. Trong bối cảnh kinh tế vẫn khó khăn, Tập đoàn và các đơn vị thành viên vẫn cố gắng duy trì sản xuất ổn định, đảm bảo việc làm cho người lao động và đang tích cực đầu tư chuẩn bị cho nhu cầu than tăng cao trong thời gian tới, nhất là than cho điện.

Hiện nay, sau khi tách Tổng công ty Đông Bắc, TKV có số lao động bình quân 123.000 người, với tiền lương bình quân 7,6 triệu đồng/người/tháng. Riêng sản xuất than ở Quảng Ninh là 90.000 người, tiền lương bình quân 7,8 triệu đồng/người/tháng), nộp ngân sách ước đạt 4.500 tỉ đồng; thực hiện đầu tư ước đạt 5.900 tỉ đồng, tăng 2% so cùng kỳ. TKV cho biết: Do các loại thuế, phí tiếp tục tăng cao làm cho cân đối tài chính của Tập đoàn gặp khó khăn, tác động không nhỏ đến tiền lương NLĐ. Hiện các loại thuế, phí tăng như thuế tài nguyên tăng thêm 2% (từ 01/2/2014), tương đương tăng gần 1.000 tỉ đồng/năm; tiền cấp quyền khai thác và phí sử dụng tài liệu phải nộp từ 2014 trên 1.000 tỉ đồng/năm. Tiền lương thấp cũng là một trong những nguyên nhân làm cho việc tuyển dụng và giữ chân thợ lò gặp khó khăn.

Thực hiện đề án tái cơ cấu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn đã chủ động xây dựng cụ thể lộ trình triển khai tái cơ cấu đồng bộ từ Công ty mẹ Tập đoàn đến các công ty thành viên. Cụ thể, tính đến hết tháng 6, TKV đã hoàn thành chuyển đổi 9 công ty TNHH MTV sản xuất than thành chi nhánh của Tập đoàn gồm các công ty: Than Mạo Khê, Than Nam Mẫu, Than Dương Huy, Than Thống nhất, Than Khe Chàm, Than Hạ Long... Trong năm 2014, TKV đã hoàn thành cổ phần hoá (CPH) tại Công ty TNHH MTV Vật tư vận tải xếp dỡ và đang triển khai các thủ tục định giá doanh nghiệp, xây dựng phương án CPH Tổng công ty Điện lực TKV theo tiến độ. Trong lộ trình thực hiện, TKV còn tiếp tục CPH 03 Tổng công ty là Tổng công ty Khoáng sản, Tổng công ty Điện lực TKV và Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc, cả 3 đơn vị này đều có vốn điều lệ trên 500 tỉ đồng.

Đối với việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, hiện tại TKV còn khoảng hơn 400 tỉ đồng vốn đang đầu tư tại 4 doanh nghiệp là Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB), Công ty CP chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), Công ty CP quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn-Hà Nội (SHF) và Công ty CP đầu tư phát triển KKT Hải Hà cũng sẽ được Tập đoàn hoàn thành thoái vốn trong năm 2015. Lãnh đạo Tập đoàn cho biết, hiện chỉ có dự án Công ty CP đầu tư phát triển KKT Hải Hà góp vốn với Vinashin còn gặp khó khăn, các đơn vị còn lại sản xuất kinh doanh vẫn có hiệu quả nên việc thu hồi vốn đầu tư của TKV nhiều khả năng hoàn thành chậm nhất trong năm 2015, đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn nhà nước.

Thúy Hà