Tới Huế rồi nỡ nào không ghé thăm Gác Trịnh?

Căn nhà số 203/19 đường Nguyễn Trường Tộ (tầng 2, dãy nhà C, khu tập thể Nguyễn Trường Tộ), nơi cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng sinh sống ngày nay trở thành một không gian văn hoá thu hút nhiều khách d


Nếu có dịp đi du lịch Huế, tìm về căn nhà của cố nhạc sĩ năm xưa, bạn sẽ thấy căn nhà ở chung cư Nguyễn Trường Tộ gần nhà thờ Phủ Cam nay đã được bài trí thành quán cafe, trưng bày những hiện vật, sáng tác của Trịnh Công Sơn. Cái tên "Gác Trịnh" được đặt dựa theo cảm hứng từ câu hát "Một đêm bước chân về gác nhỏ" trong bài "Chợt thấy ta là thác đổ" của cố nhạc sĩ.


 

Chính các văn nghệ sĩ đa phần tại Huế đã chung tay xây dựng nên "Gác Trịnh" để tỏ lòng tri mộ của mình đến vị nhạc sĩ tài hoa của làng nhạc Việt, cũng là để những người hâm mộ có một nơi chốn để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Trịnh Công Sơn, nơi ông đã sáng tác những ca khúc đầu tay.


Gác Trịnh đặt vài bộ bàn ghế dọc lan can, khách có thể ngồi đây và ngắm khu phố Nguyễn Trường Tộ. Đây cũng chính là nơi năm xưa Trịnh Công Sơn ghi dấu bóng hình "Diễm xưa" rồi đem vào âm nhạc, tạc nên một hình tượng khó phai của một người con gái tên Diễm. Theo lời bạn bè người quen, lúc sinh thời, khi ở căn nhà này Trịnh Công Sơn rất ít khi ở trong nhà mà thường ra lan can ngắm hàng long não phía trước, ngắm con đường Nguyễn Trường Tộ thưa vắng người và chìm đắm trong những xúc cảm của riêng mình. Thơ ca và âm nhạc của ông thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc, có lẽ cũng bởi nó được viết lên từ những xúc cảm dồi dào ấy của người nhạc sĩ tài hoa này.


  Người hàng xóm của cố nhạc sĩ tại chung cư Nguyễn Trường Tộ này kể lại: "Từ lúc xây dựng xong khu tập thể, gia đình Trịnh Công Sơn gồm mẹ và 8 người con đã về sống tại phòng 203, khu nhà 19 vào năm 1962. Cả gia đình tràn đầy tiếng cười và tiếng nhạc. Dễ thương nhất là Trịnh Vĩnh Thúy và Trịnh Công Sơn. Riêng anh Sơn hồi đó rất đẹp trai, luôn hòa nhã và quan tâm đến hàng xóm."

 

Trong căn nhà của cố nhạc sĩ còn lưu lại rất nhiều kỷ vật một thời gắn bó như hình do ca sĩ Khánh Ly tặng, hay thư tình ông viết cho nàng Dao Ánh, sau này được bà mang tặng lại cho Gác Trịnh. Ở căn gác cuối nhà, có một chiếc bàn gỗ nâu được đặt bên một cửa sổ, chính tại đây rất nhiều tác phẩm bất hủ đã được ra đời.

 

Gian nhà giữa là nơi chứa đựng nhiều kỷ vật của ông nhất. Trên tường có treo nhiều tranh ảnh, một số là tranh của chính Trịnh Công Sơn vẽ, một số là tranh ảnh của bạn bè tặng. Nếu được du lịch Huế và là người yêu nhạc Trịnh, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội được tận mắt chứng kiến không gian gợi lên nhiều suy tưởng đến vị nhạc sĩ tài hoa này. Không gian Gác Trịnh chính là sự yêu mến, tri mộ và tiếc thương của các văn nghệ sĩ và người hâm mộ đối với Trịnh Công Sơn, mà một nơi có giá trị văn hoá lớn lao giữa chốn đại nội xưa vốn mang nhiều giá trị lịch sử. Họ mong rằng nơi đây sẽ trở thành một bảo tàng nho nhỏ lưu trữ những ký ức thiêng liêng,  trường tồn như chính âm nhạc của ông trong mỗi người dân Việt.

 

Âm nhạc Trịnh Công Sơn đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng sâu lắng giống như chính cá tính của vị cố nhạc sĩ này. Không khí tại ngôi nhà năm xưa của ông cũng yên tĩnh và trầm lắng như thế, nhưng để lại trong lòng người những suy tư, những hoài niệm khôn nguôi về tình yêu, về cuộc sống.