TP. Hồ Chí Minh và Long An tăng cường hợp tác phát triển "liên kết vùng"

“Liên kết vùng”, tăng cường hợp tác phát triển giữa hai địa phương là điểm mấu chốt, là nội dung được nhấn mạnh trong trong hội nghị tổng kết chương trình hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạ

Tham dự hội nghị có đồng chí Đinh La Thăng - Bí thư Thành ủy, TP. Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Văn Rạnh - Bí thư Tỉnh ủy Long An, đồng chí Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Văn Cần - Chủ tịch UBND Tỉnh Long An, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành của hai địa phương có liên quan tham dự.

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho rằng phải dấn thân vào thực hiện mới biết đâu là khó khăn để tháo gỡ

Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các đại biểu tham dự đã nhận định, việc thực hiện các nội dung trong chương trình hợp tác giữa hai địa phương luôn được chú trọng. Trong thời gian qua, hai địa phương đã tích cực thực hiện, trao đổi các thông tin trong các lĩnh vực: kết nối hạ tầng kỹ thuật, giao thông, cấp nước, đặc biệt là các dự án hạn chế ô nhiễm môi trường, dự án chống ngập của Thành phố. Nhiều ý kiến các đại biểu cho rằng, Long An là địa bàn chiến lược cung ứng các nguồn thực phẩm, nông sản sạch cho Thành phố.

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Văn Rạnh luôn xem TP. Hồ Chí Minh là lợi thế để Long An phát triển

Theo số liệu báo cáo tổng kết chương trình hợp tác giữa hai địa phương, tính đến cuối năm 2015, đã có 36 doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư tại Long An, thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng ở 24 khu công nghiệp, trên tổng diện tích hơn 8. 247 ha, chiếm 80,7% trên tổng diện tích đất 28 khu công nghiệp đã được tỉnh Long An quy hoạch, với tổng vốn đầu tư khoảng 14.900 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 15 doanh nghiệp của Thành phố đã đầu tư vào 15 cụm công nghiệp tại Long An với tổng vốn đầu tư là 6.726 tỷ đồng. Tính lũy kế đến cuối năm 2015, đã có khoảng 400 doanh nghiệp đầu tư thứ cấp của Thành phố đến đầu tư tại Long An với tổng vốn khoảng 43.716 tỷ đồng (chiếm 62% trong tổng số 646 doanh nghiệp đầu tư thứ cấp tại các khu công nghiệp tỉnh Long An). Trong giai đoạn 2007 - 2015, việc hoàn thiện kết nối giao thông giữa hai địa phương qua các huyện: Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ đã góp phần phát triển cơ sở hạ tầng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt trong công tác phối hợp thực hiện các tuyến đường vành đai 4, cao tốc Bến Lức - Long Thành…

Theo nhận định của lãnh đạo sở, ngành của hai địa phương, việc triển khai chương trình hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Long An đã mang lại hiệu quả cao, thiết thực trong các lĩnh vực, điểm quan trọng hơn, chính từ những hiệu quả này đã kéo thêm những lĩnh vực khác cũng phát triển tốt, như: Nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, thông tin truyền thông. Tuy nhiên, theo đại diện sở ngành về giao thông, hạ tầng giữa hai địa phương đánh giá, việc kết nối các công trình hạ tầng, các trục giao thông quan trọng đường bộ, đường thủy, giữa hai địa phương tiến độ triển khai còn rất chậm.

Lãnh đạo hai địa phương thực hiện ký kết hợp tác phát triển giai đoạn 2 (2016 - 2020)

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Long An Phạm Văn Rạnh nhận định, tiềm năng thế mạnh của hai địa phương còn rất nhiều. Long An luôn xác định TP. Hồ Chí Minh chính là động lực kinh tế, lợi thế để giúp cho Long An phát triển. Do lợi thế của Long An là giáp ranh với TP. Hồ Chí Minh, nếu Thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh thì Long An cũng sẽ phát triển. Bí thư Tỉnh ủy Long An cho rằng, để việc hợp tác đạt hiệu quả Long An đang có chính sách huy động đầu tư hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu dân cư đô thị, Tỉnh đã đề ra mục tiêu dến năm 2020, sẽ kết nối hạ tầng đồng bộ tại các khu công nghiệp, trong đó sẽ ưu tiên kết nối với Thành phố với 20 tuyến đường, tuyến trục quan trọng, nhằm thu hút các nhà đầu tư đến Long An. Bí thư Tỉnh Long An cho biết, hình thức đầu tư là kêu gọi xã hội hóa để các nhà đầu tư tham gia, quyết tâm thực hiện của Long An là làm để cùng TP. Hồ Chí Minh phát triển.

Ông Nguyễn Văn Lớp - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cũng chia sẻ: Hiện nay, đất sạch trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều. Địa phương đang kêu gọi các nhà đầu tư của Thành phố đến đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp kể cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Để giúp cho Long An phát triển, tỉnh cũng kêu gọi các nhà đầu tư TP xuống đầu tư hạ tầng thương mại như các siêu thị, các cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển tỉnh Long An, hiện nay địa phương có sản lượng hàng năm khoảng 2 triệu 800 ngàn ha lúa, trong đó có khoảng 800 ngàn ha lúa chất lượng cao, có thể hợp tác với Thành phố để lo đầu ra trong xuất khẩu, Long An cũng có trên 07 ngàn ha trồng thanh long, cây chanh cũng trên 07 ngàn ha, lượng thủy sản hàng năm khoảng trên 47 ngàn tấn có khả năng cung cấp cho thị trường Thành phố.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhận định, Thành phố luôn ủng hộ và đặc biệt quan tâm chương trình hợp tác giữa Thành phố với Long An. Thành phố luôn khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp của Thành phố đến tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác kinh doanh tại Long An, nhằm phát huy những lợi thế của Long An trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, phát triển hạ tầng…

Quang cảnh hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2007 - 2015  và phương hướng hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Long An

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đánh giá cao kết quả chương trình hợp tác giữa hai địa phương giai đoạn 2007 - 2015. Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với thế mạnh và tiềm năng của hai địa phương, bởi mấu chốt hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và Long An chính là “liên kết vùng”, trong khi đó, lợi thế của Long An là giáp ranh với Thành phố Hồ Chí Minh, khoảng cách từ trung tâm của Long An đến trung tâm TP. Hồ Chí Minh chỉ mất khoảng 45 phút, nhưng vẫn chưa phát triển được. Giải thích lý do vì sao, Bí thư Đinh La Thăng nhận định, do trong thời gian qua, việc liên kết này còn hạn chế, nhiều lĩnh vực chưa có sự phân công, phân cấp cụ thể, đó là biểu hiện của “cục bộ địa phương”. Bí thư Thành ủy TP. đề nghị, muốn giải quyết được những tồn tại này, lãnh đạo hai địa phương cần phối hợp xử lý tốt quy hoạch chung các chức năng về giao thông, đô thị, không gian, xử lý về cơ chế liên kết vùng hiệu quả, cần liên kết cả về lĩnh vực cứng như giao thông, viễn thông, năng lượng gắn với liên kết mềm như các chính sách thu hút đầu tư, cải cách hành chính…

Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh, việc gì làm được thì nên làm ngay và phải có giải pháp tháo gỡ để tìm tìm ra nguồn lực thực hiện. Lâu nay, chúng ta nói nhiều về việc muốn phát triển kết nối giao thông giữa hai địa phương, nhưng không có vốn, hoặc bị vướng về cơ chế nào đó nên không thực hiện được, thực tế cho thấy, nếu có tiền sẵn thì ai làm cũng được, chúng ta phải mạnh dạn dấn thân vào làm thì mới biết được cái khó ở đâu để tìm cách tháo gỡ. Hiện chúng ta đang nắm trong tay nhiều nguồn lực, đặc biệt là đất đai, cần tiến hành ngay rà soát tổng thể xem khu vực nào mang lại lợi thế, hiệu quả cao, thì mạnh dạn huy động các nguồn lực cùng tham gia để lấy vốn đầu tư cho hạ tầng. Nếu hai địa phương cùng giải quyết tốt bài toán này, trong 5 năm tới, hai địa phương hoàn toàn có thể hoàn thiện kết nối về cơ chế, chính sách hạ tầng. Bí thư Đinh La Thăng khẳng định một khi Long An phát triển sẽ tiếp sức cho TP. Hồ Chí Minh phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, lãnh đạo của hai địa phương TP. Hồ Chí Minh và Long An đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 giai đoạn 2 với định hướng mới, trên cơ sở tiềm năng và nguồn lực của hai bên, nhằm góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương nói riêng và cả nước nói chung.