Triển khai nhiều giải pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Hội nghị Phát triển thị trường khoa học công nghệ (KHCN) do Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) tổ chức mới đây đã thu hút sự tham dự của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học và chuyên gia trong lĩnh vực KHCN

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng cho biết: Một trong những biện pháp phát triển thị trường KHCN hiệu quả là thông qua hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thời gian tới, Bộ KHCN sẽ chỉ đạo các sở, ngành KHCN tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp quan trọng để phát triển thị trường KHCN. Đó là tiếp tục triển khai các biện pháp phát triển các tổ chức trung gian truyền thống hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ. Đặc biệt là các tổ chức xúc tiến chuyển giao công nghệ tại các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức môi giới công nghệ, định giá tài sản trí tuệ,… Tích cực tuyên truyền, gia tăng hoạt động giao quyền sở hữu, quyền sử dụng các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước để thúc đẩy thương mại hóa, đưa công nghệ, sản phẩm công nghệ vào thực tiễn.

Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị (Nguồn ảnh: most.gov.vn)

Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng khẳng định: Bộ KHCN sẽ chủ động xây dựng các chính sách, chương trình KHCN quy mô quốc gia, tỉnh để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, tập trung vào hỗ trợ thành lập và phát triển các mô hình tổ chức trung gian kiểu mới. Ngoài ra, sẽ tăng cường thiết lập các hình thức liên kết với thị trường quốc tế, nhằm gọi vốn, thoái vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động đầu tư mạo hiểm, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp,… cũng là những giải pháp ngành KHCN cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN - Bộ KHCN Phạm Đức Nghiệm cũng cho biết: Những năm qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển thị trường KHCN được triển khai nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển KT-XH. Đến hết năm 2015, cả nước có khoảng 2.800 doanh nghiệp KHCN. Trong đó, 204 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN, 23 doanh nghiệp công nghệ cao. Cả nước hiện có 8 sàn giao dịch công nghệ, 63 trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ, 43 vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp KHCN.

Thông qua các sàn giao dịch công nghệ, trong giai đoạn 2011 - 2015, có khoảng 500 hợp đồng và biên bản ghi nhớ được ký kết và thực hiện với giá trị khoảng 600 tỷ đồng. Qua các kỳ Techmart và Techdemo, hơn 2.000 hợp đồng và biên bản được ghi nhớ và ký kết với tổng giá trị giao dịch hơn 3.400 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch công nghệ giai đoạn 2011 - 2015 đạt hơn 13.700 tỷ đồng, tăng 3 lần so với giai đoạn 2006 - 2010.

Các đại biểu dự hội nghị đã tập trung thảo luận các vấn đề mà địa phương hiện đang gặp phải những vướng mắc như đánh giá trình độ công nghệ, nhu cầu công nghệ trên địa bàn, cách thức phát triển tổ chức trung gian cho thị trường KHCN, đánh giá công nghệ, giao quyền sử dụng các kết quả nghiên cứu…

Các đại biểu tham dự cho rằng:Những người làm khoa học ở Việt Nam nắm không ít các công nghệ tốt trong khi nhu cầu về công nghệ của các doanh nghiệp rất lớn, nhưng người bán và người mua vẫn chưa gặp nhau được nhiều vì thiếu những tổ chức trung gian có khả năng thẩm định công nghệ đó mới hay lạc hậu, phù hợp với quy mô doanh nghiệp hay không, và có khả năng định ra mức giá hợp lý để hai bên mua bán đều hài lòng. Vì thế, việc phát triển 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh; khoảng 20 khu làm việc chung, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ đang mang đến những "làn sóng mới" cho cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, thúc đẩy hiệu quả kết nối trong cộng đồng khởi nghiệp.

Hà Minh