“Trợ thủ” đắc lực cho các doanh nghiệp ở Thái Bình

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, thương mại điện tử (TMÐT) được đánh giá là công cụ thiết yếu nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Hoạt động TMÐT không chỉ là quá trình mua bán thông thường mà còn là dịch vụ khách hàng, kết nối các đối tác kinh doanh, thực hiện các giao dịch điện tử. Do đó, số lượng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia ứng dụng TMÐT ngày càng tăng, từng bước tiếp cận việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên mạng internet. Nhiều giao dịch đã thành công, nhiều hợp đồng được ký kết với trị giá cao.

Bà Tô Thị Hương Lan, Phó Trưởng phòng Xuất nhập khẩu (Sở Công Thương Thái Bình) cho biết: Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó việc ứng dụng TMÐT là rất cần thiết. Dù muốn hay không các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt không chỉ trong nước mà còn ở cả thị trường nước ngoài. Các doanh nghiệp nước ngoài mạnh về vốn, công nghệ và trình độ quản lý sẽ thông qua ứng dụng TMÐT để vào thị trường Việt Nam, cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Thái Bình nói riêng phải tham gia TMÐT. Không chỉ mua bán hàng hóa, dịch vụ mà còn giới thiệu hàng hóa, sản phẩm, tìm hiểu thị trường, tìm đối tác, mở kênh tiếp thị trực tuyến... Nếu không tham gia TMÐT doanh nghiệp sẽ bỏ lỡ hình thức kinh doanh qua mạng, bởi đây là hình thức phổ biến trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.

Những năm qua, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trong tỉnh đã xác định rất rõ vai trò và tầm quan trọng của TMÐT đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc đầu tư phát triển thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, đào tạo đội ngũ cán bộ về công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc phát triển TMÐT luôn được quan tâm. Ðến nay đã có khoảng 70% doanh nghiệp trong tỉnh ứng dụng TMÐT. Theo đánh giá mới nhất của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), chỉ số TMÐT của Thái Bình đã từng bước cải thiện theo hướng tích cực. So với 22 tỉnh, thành phố có đánh giá về nguồn lực và hạ tầng công nghệ thông tin Thái Bình đứng thứ 10 với 65,3 điểm; chỉ số giao dịch B2C (doanh nghiệp với khách hàng) đứng thứ 18 với 42,6 điểm; chỉ số giao dịch B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) đứng thứ 10 với 58,6 điểm; chỉ số G2B (doanh nghiệp với cơ quan nhà nước) đứng thứ 18 với 59 điểm. Công nghệ thông tin đã giúp các doanh nghiệp Thái Bình giảm được khá nhiều chi phí trong giao dịch.

Theo bà Tô Thị Hương Lan, tuy TMÐT mang lại nhiều lợi ích nhưng việc ứng dụng TMÐT của các doanh nghiệp trong tỉnh cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Việc ứng dụng TMÐT mới chỉ dừng lại ở hình thức trao đổi qua thư điện tử, gần như chưa xuất hiện giao dịch bán hàng trực tuyến hoặc thanh toán qua mạng. Ðối với nhiều người, nhiều doanh nghiệp, phương thức giao dịch và kinh doanh bằng các phương tiện điện tử còn chưa quen thuộc, độ tin cậy cũng như tính pháp lý của các giao dịch điện tử chưa cao. Bên cạnh đó, việc mở rộng giao dịch thương mại qua mạng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ quen mua sắm trực tiếp tại cửa hàng. Hơn nữa, nguồn nhân lực dành cho TMÐT tại các doanh nghiệp chưa đồng đều, hầu hết doanh nghiệp chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin và TMÐT, chủ yếu là kiêm nhiệm; việc triển khai ứng dụng TMÐT của các doanh nghiệp mới ở giai đoạn đầu nên hiệu quả chưa cao, chưa đồng đều, chưa theo kịp và tương xứng với yêu cầu phát triển chung của tỉnh. Hệ thống thanh toán, quản lý doanh nghiệp và các dịch vụ trong TMÐT mới chỉ dừng lại ở một số doanh nghiệp lớn, tiềm lực mạnh, các doanh nghiệp nhỏ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và TMÐT còn yếu.

Trong thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Ðề án hỗ trợ doanh nghiệp phát triển TMÐT, năm 2014 hỗ trợ 5 doanh nghiệp tham gia Cổng TMÐT quốc gia. Tổ chức cung cấp, cập nhật thông tin về tiềm năng xuất khẩu và danh bạ doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh trên Cổng thông tin xuất khẩu Việt Nam bằng tiếng Anh để giới thiệu tiềm năng xuất khẩu, cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp theo các lĩnh vực, ngành hàng ra nước ngoài. Tuyên truyền để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và thương nhân trong tỉnh đẩy mạnh ứng dụng và phát triển TMÐT trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như năng lực cạnh tranh của tỉnh, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.