Trong năm 2016 sẽ có thêm 3.200 hộ dân vùng đồng bằng sông Cửu Long sử dụng điện lưới quốc gia

Từ nay đến cuối năm 2016 sẽ có thêm 3.200 hộ dân ở Đồng bằng sông Cửu Long được sử dụng điện lưới quốc gia.

Từ nay đến cuối năm 2016 sẽ có thêm 3.200 hộ dân ở Đồng bằng sông Cửu Long được sử dụng điện lưới quốc gia. Đây cũng là mục tiêu của Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), nêu ra tại buổi lễ triển khai dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2015 - 2020, được tổ chức sáng ngày 22/9/2016, tại tỉnh Hậu Giang

Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ông Nguyễn Tấn Lộc - Phó Tổng giám đốc Tập Đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đại diện lãnh đạo EVN SPC và các sở, ngành có liên quan.

 Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại buổi lễ triển khai dự án

Tại buổi lễ triển khai dự án cấp điện, ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, Hậu Giang là một tỉnh nghèo, đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, trong những năm qua luôn được Nhà nước và ngành điện quan tâm đầu tư lưới điện để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, bên cạnh các kết quả đáng khích lệ về phát triển kinh tế thì tỷ lệ số hộ dân nông thôn có điện toàn tỉnh cũng đạt khá cao, tuy nhiên trên địa bàn hiện vẫn còn hàng nghìn hộ dân chưa có điện sử dụng hoặc đang sử dụng điện câu đuôi không đảm bảo an toàn và chất lượng. Khi công trình hoàn thành sẽ cấp điện cho hơn 1.800 hộ dân thuộc các xã có điều kiện kinh tế khó khăn, những xã có tỷ lệ hộ dân có điện thấp hơn mặt chung của toàn tỉnh và các xã đang hoàn thành các tiêu chí cuối cùng để chuẩn bị được công nhận xã nông thôn mới.

Ông Nguyễn Phước Đức - Phó Tổng giám đốc EVN SPC phát biểu tại buổi lễ

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Phước Đức - Phó Tổng Giám đốc EVN SPC cho biết, dự án có quy mô xây dựng bao gồm 164 km đường dây trung áp, 245 km đường dây hạ áp, 114 trạm biến áp, cấp điện cho 7.287 hộ dân trong 05 huyện trên địa bàn tỉnh là: Long Mỹ, Vị Thủy, Phụng Hiệp, Châu Thành A và Châu Thành. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 186 tỷ đồng, trong đó, 85% vốn ngân sách nhà nước, 15% vốn đối ứng của EVN SPC.

Cũng theo ông Nguyễn Phước Đức, trong đó giai đoạn 1 của dự án cấp điện cho 1.087 hộ dân chưa có điện trên địa bàn 05 huyện thuộc tỉnh Hậu Giang với khối lượng đường dây trung áp 1 pha được xây dựng 17,7 km, đường dây hạ áp là 67,7 km, 35 trạm biến áp với tổng dung lượng 900 kVA, dự án có tổng mức đầu tư trên 35 tỷ đồng, được triển khai thực hiện trong năm 2016, trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước 20 tỷ đồng và 5 tỷ đồng từ vốn đối ứng do EVN SPC thu xếp theo phân kỳ đầu tư. Sau khi giai đoạn 01 trong năm 2016 hoàn thành, sẽ đưa tỷ lệ hộ dân có điện của tỉnh Hậu Giang lên 98,93% và tỷ lệ hộ dân vùng nông thôn có điện lên 98,34%.

Ông Nguyễn Phước Đức cũng nhấn mạnh, đây là dự án nằm trong Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo trong giai đoạn 2013 - 2020 của Chính phủ, mục tiêu của Chương trình nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa trên địa bàn cả nước.

Hình ảnh các đại biểu thực hiện nghi thức lễ triển khai dự án cấp điện nông thôn tại tỉnh Cà Mau

Trước đó, ngày 21/9/2016, EVN SPC cũng đã thực hiện lễ triển khai dự án cấp điện cho thôn, dự án này thuộc dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Cà Mau giai đoạn 2015 - 2020, trong đó, giai đoạn I năm 2016, được đầu tư hơn 40 tỷ đồng, bao gồm: đường dây trung áp 01 pha xây dựng mới là 45,566 km, đường dây hạ áp 64,580 km, 53 trạm biến áp với dung lượng 2.475kVA. Theo dự kiến, dự án này sẽ cung cấp đủ điện cho 1.500 hộ dân chưa có điện trên địa bàn của 33 ấp, 10 xã thuộc 02 huyện U Minh và Thới Bình của tỉnh Cà Mau, đưa tỷ lệ hộ dân có điện tại tỉnh Cà Mau lên 98,4% và tỷ lệ hộ dân vùng nông thôn có điện lên 98,6%.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử phát biểu tại lễ triển khai dự án cấp điện nông thôn tại tỉnh Cà Mau

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã cảm ơn ngành điện đã đầu tư thực hiện dự án, giúp tỉnh Cà Mau hoàn thành chương trình điện khí hóa nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội của địa phươn. Ông Sử nhận định, EVN SPC cũng như Điện lực Cà Mau sẽ cố gắng triển khai thành công dự án, đồng thời các ban, ngành địa phương và người dân cùng hợp lực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để ngành điện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Theo lãnh đạo EVN SPC, nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam luôn tăng cao, nhất là các địa phương: Đồng Nai; Bà Rịa - Vũng Tàu; Bình Dương; Long An và các Khu công nghiệp luôn phát triển nhanh, đường dây, trạm biến áp (TBA) luôn đầy tải. Để đáp ứng được nhu cầu trên EVN SPC luôn khẩn trương, tích cực chạy đua với thời gian, đầu tư hệ thống cung cấp điện để đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu.

Nhân viên Điện lực Cà Mau thực hiện thi công tại huyện Năm Căn - Cà Mau

Từ đầu năm 2016 đến nay, EVN SPC đã đóng điện và đưa vào hoạt động nhiều công trình đường dây và TBA có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện, chống quá tải ở các địa phương có nhu cầu phát triển mạnh, cụ thể, cuối tháng 08/2016, EVN SPC đã tiến hành đóng điện thành công, công trình đấu nối phía 110kV TBA 220 kV tại Nhơn Trạch ( Đồng Nai), đây là công trình quan trọng nhằm tăng cường khả năng cung cấp điện ổn định cho sản xuất công nghiệp và sinh hoạt trên địa bàn, đạc biệt là KCN Hyosung - Hàn Quốc, dựa án có tổng mức đầu tư 60,6 tỷ đồng, nhằm khai thác luồng công suất từ trạm 220kV Bàu Sen để chống quá tải cho TBA 220kV Long Thành và lưới điện 110kV trong khu vực.

Nhân viên Điện lực Cà Mau thực hiện thi công đưa dòng điện quốc gia về phục vụ hộ dân tại các xã nghèo còn nhiều khó khăn

Ngoài ra, EVN SPC đã đưa vào vận hành các công trình điện khác như; công trình các lộ ra 110kV, thuộc công trình các lộ ra 110kV TBA 220 kV Mỹ Xuân 2 - Bà Rịa - Vũng Tàu, công trình gồm 06 lộ ra 110kV với tổng mức đầu tư 53,6 tỷ đồng. Năm 2016, EVNSPC thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng với tổng giá trị 6.552 tỷ đồng, trong đó, triển khai 03 công trình lưới điện 220kV, hoàn thành 239 công trình lưới điện 110 kV với khối lượng 1.292 km đường dây và dung lượng TBT 4.221 MVA, hoàn thành 442 công trình lưới điện phân phối với 1.675 km đường dây trung thế và 852 MVA công suất trạm phân phối.