Trường Sa vẳng tiếng chuông chùa

Những âm thanh rộn rã của cuộc sống dường như lấn át cả tiếng sóng biển: Tiếng chày giã đỗ làm đậu phụ, tiếng hát đồng dao của trẻ em chơi trò “rồng rắn lên mây”, tiếng chó đuổi chuột ở góc vườn, tiến

Ký ức Sơn La 1965

Tháng 6/2015, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức đến thăm, động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa.

Ra đảo lần ấy, ngoài đoàn công tác Bộ Công Thương, còn có đoàn của tỉnh Phú Thọ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc... Trên tàu HQ 571, con tàu chở khách hiện đại nhất của Quân chủng Hải quân, đại đức Thích Thanh Thủy, thành viên của Chư Tôn Đức phái đoàn Phật giáo Việt Nam cho biết, Thông điệp của Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ tại lễ Phật Đản năm 2015 vừa rồi, là mở rộng những người con Phật ra nơi biên cương và hải đảo vì lợi ích quần sinh, vì sự an lạc của nhân dân.

2h chiều ngày 5/6, vừa đặt chân lên đảo Trường Sa lớn, 2 người phụ nữ cao tuổi nhất toàn đoàn lại rưng rưng nước mắt. Mấy bữa trước, lên đảo Sinh Tồn Đông cũng vậy.

Thấy lạ, tôi lân la bắt chuyện. Đó là 2 má Đặng Thị Hồng Nhật và Nguyễn Thị Bé Bảy. Cả 2 đều là du kích Củ Chi, cùng bị giam vào khám Chí Hòa năm 1968, cùng đứng ra tổ chức để tang Bác Hồ tháng 9/1969 nên cùng bị đày ra chuồng cọp nhà tù Côn Đảo ngay sau đó, cùng bị đưa về nhà lao Tân Hiệp trên đất liền tháng 8/1970, và sau rốt, cùng bị đày ra Côn Đảo lần thứ 2 vào tháng 3/1972.

Má Đặng Thị Hồng Nhật bảo, má mừng quá đó thôi! Rồi giải thích: Năm 1994 má ra Trường Sa. 15 ngày qua 10 đảo Thuyền Chài, Tốc Tan, An Bang, Phan Vinh... Hồi đó, những đảo chìm chỉ là những cái chòi; hệ thống công sự, trận địa, kè chắn sóng chủ yếu được làm bằng vật liệu tại chỗ là các tảng đá san hô. Nhưng điều má băn khoăn nhất là trên các đảo không có bóng dáng một ngôi chùa - chỗ dựa tâm linh từ ngàn đời của người dân đất Việt. Nay trên các đảo nổi đã có chùa, có sư thầy trụ trì, mừng quá nên má không cầm được nước mắt.

Chuyện của má Hồng Nhật làm tôi nhớ đến một mùa đông cách nay đúng nửa thế kỷ. Năm 1965, không quân Mỹ đánh ra miền Bắc, người dân được lệnh tản cư về các vùng xa Hà Nội, càng xa khu đô thị càng tốt. Gần 20 hộ gia đình làng Nghệ chúng tôi sơ tán về Mộc Châu, Sơn La. Trong tình cảm đùm bọc của nhân dân địa phương giúp những người tản cư chuẩn bị cho sự mưu sinh khởi đầu tại nơi định cư mới, chúng tôi chợt nhận ra nơi đây vắng tiếng chuông chùa.

Ngôi chùa, tiếng chuông chiều, khói hương trầm, tiếng sư thầy tụng kinh... đã trở thành một phần trong chuỗi vòng đời khép kín.

Sinh ra đầy tháng tuổi thì được sư thầy đến nhà tụng kinh cầu an. Được 3-4 tuổi, đứa trẻ nào hay ốm đau thì “bán khoán” cho nhà chùa cho dễ nuôi. 10-12 tuổi có thể thực hiện lễ Quy y Tam Bảo. Đến tuổi xây dựng gia đình thì đôi uyên ương vào chùa làm lễ Hằng Thuận.

Rồi những khi diễn ra những sự kiện lớn trong đời như làm nhà, khai trương cửa hàng hay đi xa đều lên chùa nhờ sư thầy cầu nguyện, chúc phúc cho...

Và giữa núi rừng Mộc Châu giá lạnh năm 1965 ấy, gần 20 hộ gia đình làng Nghệ chúng tôi mới chợt nhận ra, nhu cầu tâm linh là một nhu cầu tự thân, có sẵn, thường trực trong tâm thức mỗi người, mặc dù không dễ dàng định danh hay gọi tên.

Với tinh thần “trăm điều phải có thần linh, pháp quyền”, người làng Nghệ ở Mộc Châu chúng tôi dựng tạm lên một cái am, thỉnh bức tượng Phật từ dưới quê lên.

Nửa thế kỷ trôi qua kể từ cái đêm mùa đông năm 1965, dân làng Nghệ chúng tôi đã rời Mộc Châu trở về quê hương, bản quán. Một số người đã về với tiên tổ, một số người đi làm xa, một số người giàu lên, một số khác vẫn bình bình như xưa, nhưng ai cũng thực sự cảm thấy mình là người may mắn khi được sống trong một không gian có đầy đủ cả thiết chế xã hội lẫn thiết chế tâm linh.


Rộn rã âm thanh cuộc sống

Chuyến ra đảo Trường Sa lần này, bất cứ ở hòn đảo nổi nào, dù là Trường Sa Lớn, Sinh tồn hay Sinh Tồn Đông, những âm thanh rộn rã của cuộc sống dường như lấn át cả tiếng sóng biển: Tiếng chày giã đỗ làm đậu phụ, tiếng hát đồng dao của trẻ em chơi trò “rồng rắn lên mây”, tiếng chó đuổi chuột ở góc vườn, tiếng quang quác của gà mẹ rời ổ, tiếng rủ nhau làm ấm trà của cánh đàn ông... Cùng với đó, tiếng chuông chùa lắng đọng giữa tầng không như góp thêm một âm thanh cuộc sống thường nhật trên đất liền vào với đảo.

Chị Trần Thị Tiệm, một ngư dân trên đảo Trường Sa lớn kể lại rằng, từ xa xưa, trên quần đảo này đã có những am, do ngư dân người Việt xây dựng, để cầu Trời, khấn Phật phù hộ cho những chuyến đi biển được bình yên, bội thu hải sản, cuộc sống ấm no,... Trên nền tảng đó, các chùa trên quần đảo đã được xây dựng với sự quyên góp của Phật tử cả nước. Gia đình chị là 1 trong những hộ dân đầu tiên ra đây lập nghiệp. Lúc mới đầu ra đây, cuộc sống còn nhiều khó khăn, khi đó chùa chưa được sửa chữa. Những ngày lễ Tết, muốn đến thắp nén hương cho lòng thanh thản cũng khó khăn. Nhưng mấy năm nay, chùa được trùng tu lại, bà con nhân dân và chiến sỹ đã có một nơi thờ tự khang trang.

Đại đức Thích Pháp Đạt, trụ trì chùa Trường Sa lớn cho biết, Chính điện chùa Trường Sa được xây dựng theo kiến trúc một gian hai chái có mái cong, đầu đao. Giữa chính điện thờ pho tượng Phật do Liên đoàn Phật giáo Thế giới tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng đã tặng lại chùa. Trong thư gửi kèm theo tượng Phật, Thủ tướng Chính phủ phát tâm nguyện:

“Mong Đức Phật phù hộ độ trì:

Cho quân dân huyện đảo Trường Sa bình yên, mạnh khỏe, hạnh phúc, thắng lợi.

Cho nước Việt Nam hòa bình, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Cho vùng biển Đông, cho các quốc gia trong khu vực và trên thế giới sống trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng phát triển, cùng thịnh vượng”.

Cũng theo Đại đức Thích Pháp Đạt, chính quyền, Mặt trận huyện đảo Trường Sa luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho quân dân trên đảo về chùa lễ Phật, cầu an. Bốn ngày gồm 30, mùng 1,14 và 15 âm lịch hàng tháng, quân dân trên đảo đến chùa làm lễ cầu an; sau lễ, mọi người nghe giảng về Phật pháp hoặc trao đổi một số việc trong cuộc sống...

Đó chính là tấm thấu kính hội tụ muôn ý chí về một mối, tạo ra thế trận nhân tâm trên biển đảo. Và vì thế, những hòn đảo li ti giữa ngàn khơi lại có sức hút lạ lùng ghê gớm, tất cả các hộ dân, giáo viên, nhân viên các cơ quan bưu điện, trạm khí tượng thủy văn, trạm hải đăng hay các sư sãi nhà chùa, đều thuộc diện xung phong, tình nguyện gắn bó với đảo.

Đối mặt với biển cả đại dương đầy hào phóng nhưng cũng lắm hiểm họa, mỗi ngôi chùa nơi cư dân vùng biển đảo sinh sống thể hiện tâm nguyện về cuộc sống bình an, cầu mong sóng yên, biển lặng. Mỗi tiếng chuông chùa ngân nga giữa ngàn vạn con sóng dữ, tự thân đã mang một thông điệp hướng thiện và hài hòa giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên.