Từ bức tranh kết quả kinh doanh quý I/2016: Động lực mới cho thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần cuối tháng 4 bước vào mùa cao điểm công bố kết quả kinh doanh quý I, cũng như dồn dập thông tin từ đại hội cổ đông. Những thông tin tích cực đang được “bơm” ra đã

Tin tốt ra sớm

Chỉ số giá quan trọng nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam là VN-Index ngày 22/4 đã làm ngỡ ngàng không ít nhà đầu tư. Đó là một phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ đầu năm và trong bối cảnh niềm tin đang bị xói mòn nghiêm trọng, diễn biến này như một liều thuốc tăng lực kịp thời.

Lần đầu tiên VN-Index đạt được đỉnh cao mới kể từ đầu năm và quan trọng hơn, là vượt được ngưỡng kháng cự “rắn” nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây. Đối với số đông nhà đầu tư, ngưỡng kháng cự càng mạnh càng chứa đựng những rủi ro và cơ hội lớn. Nếu như thị trường thất bại tại ngưỡng kháng cự, rủi ro giảm sâu là điều hiện hữu. Ngược lại, nếu một ngưỡng cản quan trọng được phá vỡ, thị trường sẽ có đà để tăng trưởng cao hơn.

Ngưỡng kháng cự mạnh nhất trong vòng 5 tháng qua của VN-Index là ngưỡng 580 điểm. Đó là vùng điểm số mà thị trường không tài nào vượt qua được với liên tục cả chục phiên nỗ lực. Sự thành công của lần bứt phá cuối tháng 4 này đến từ một động lực mới mà thị trường trước đó chưa có: Mùa kết quả kinh doanh nở rộ những thông tin tích cực.

Như một thông lệ, những tin được công bố sớm nhất thường là những thông tin tốt nhất. Điều này không chỉ liên quan đến một thói quen là “tốt phô ra, xấu xa đậy lại”, mà thực tế là liên quan đến vấn đề quản trị: Một công ty quản trị tốt, điều hành hiệu quả luôn có thể xác định được trạng thái hoạt động ở bất kỳ thời điểm nào, không kể là mùa báo cáo thông tin theo luật định.

Sức mạnh của thị trường chứng khoán trong lần thứ 4 vượt ngưỡng kháng cự quan trọng chính là kết quả kinh doanh tích cực của những doanh nghiệp hàng đầu. Công ty Sữa Việt Nam VNM công bố mức lãi trước thuế quý I/2016 tới 2.626 tỷ đồng, tăng 38% cùng kỳ. VNM luôn là một blue-chips hàng đầu thị trường và ngay lập tức giá tăng 2,2% chỉ trong một ngày.

Thực tế VNM đã được nhà đầu tư trông đợi nhiều thông tin hỗ trợ mà kết quả kinh doanh chỉ là một yếu tố. Tuy thế mức tăng trưởng tới 38% của một doanh nghiệp có truyền thống lãi hàng ngàn tỷ đồng cũng là một sự kiện gây sốc cho thị trường. Đó là chưa kể tính cởi mở tối đa khi VNM đang thúc đẩy tiến độ cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu nhiều hơn trong doanh nghiệp.

Tập đoàn bất động sản Vincom (VIC) cũng thông báo mức lãi sau thuế của riêng công ty mẹ quý I/2016 khoảng 1.100 tỷ đồng. Doanh số bất động sản 2015 chưa được phản ánh hết vào kết quả kinh doanh và con số khổng lồ hơn 70.000 tỷ đồng cũng gây bất ngờ cho nhà đầu tư. Giá cổ phiếu VIC cũng lập tức tăng 5,8% trong ngày ra tin.

Những doanh nghiệp quy mô hàng đầu thị trường đồng loạt tổ chức đại hội cổ đông và công bố thông tin kết quả kinh doanh tràn ngập hàng ngàn tỷ lợi nhuận là liều thuốc bổ tinh thần kịp thời cho thị trường. Nếu phải tìm kiếm nguyên nhân dẫn tới sự bùng nổ của thị trường thì chính là động lực từ những yếu tố cơ bản: Kết quả kinh doanh, triển vọng lợi nhuận trong năm 2016 của các doanh nghiệp hàng đầu. Thị trường chứng khoán đã có một ngày 22/4 tăng trưởng 2,9%, mức tăng mà chỉ có thể thấy được 1-2 lần trong một năm mà thôi.

Yếu tố cơ bản đang hỗ trợ thị trường

Hiện tượng trồi sụt đáng kể trong 4 tháng đầu năm 2016 của thị trường chứng khoán mặc dù chịu ảnh hưởng khá lớn từ hiện tượng đầu cơ ngắn hạn, nhưng bản chất cũng vẫn dựa trên nền tảng cơ bản. Đó là kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được dự phòng là khó đột biến trong bối cảnh tăng trưởng GDP khá thấp.

Ngay từ giữa tháng 3 vừa rồi, thị trường chứng khoán có nguy cơ sụt giảm khi phản ứng với những thông tin kém tích cực liên quan đến kinh tế vĩ mô. Mặc dù phải đến cuối tháng 3, số liệu GDP quý I mới được công bố, nhưng thị trường chứng khoán đã đi trước. Đà sụt giảm kéo dài 2 tuần trước khi số liệu tăng trưởng chững lại được công bố.

Tuy nhiên khi thông tin được xem là kém tích cực được phát đi, thị trường lại có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Cụ thể là trong hai tuần áp chót tháng 4, VN-Index đã phục hồi mạnh vượt lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2016. Điều này phản ánh một thực tế là thị trường chứng khoán luôn đánh giá hợp lý các rủi ro cơ bản và phản ứng trước với các sự kiện.

Chẳng hạn việc giảm tốc tăng trưởng trong quý I/2016 xuất phát từ các nguyên nhân có thể dự đoán được, đó là khu vực nông lâm thủy sản tăng trưởng rất chậm. Nông nghiệp thậm chí tăng trưởng -2,6% do thiên tai. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chỉ tăng trưởng 6,72% so với mức 8,74% cùng kỳ 2015. Đó là do diễn biến tiêu cực của giá dầu và giá nguyên liệu cơ bản sụt giảm mạnh, điều cũng có thể dự báo hàng ngày.

Một thông lệ đặc biệt trên thị trường chứng khoán, là những gì đã biết được xem là quá khứ, mà dòng vốn đầu tư luôn hướng tới tương lai. Kinh tế vĩ mô chững lại trong quý I/2016 là điều đã được phản ánh trước, trong khi triển vọng khởi sắc trong quý II lại hiện hữu. Thị trường chứng khoán có lối suy luận nhanh hơn nhiều trong các sự kiện vĩ mô, chẳng hạn những yếu tố kìm hãm tốc độ tăng trưởng trong quý I chỉ mang tính thời vụ và có khả năng rất cao sẽ cải thiện dần.

Bằng chứng là tốc độ tăng trưởng thực tế chỉ 5,46% của GDP quý I được thay thế bằng dự báo tăng trưởng 6,17% trong quý II. Lĩnh vực nông lâm thủy sản chỉ đóng góp khoảng 18% trong tổng GDP và có khả năng được cải thiện dần trong các tháng tới khi thời tiết cực đoan bớt ảnh hưởng.

Thêm nữa hoạt động sản xuất kinh doanh các lĩnh vực khác vẫn đang cải thiện. Ngay trong mức tăng trưởng khá chậm của GDP quý I thì lĩnh vực xây dựng vẫn có tốc độ tăng trưởng ấn tượng khoảng 9,94%, cao nhất trong vòng 6 năm. Sản xuất xi măng, sắt thép cũng tăng trưởng mạnh. Khu vực dịch vụ cũng tăng trưởng 6,13% cao nhất kể từ năm 2012.

Môi trường kinh doanh vẫn được duy trì tích cực và các báo cáo hoạt động của doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm nay là bức tranh đẹp: đã có 23.767 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 186.000 tỷ đồng, tăng gần 25% về số lượng và tăng hơn 67% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 34,5%. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động là gần 9.380 doanh nghiệp, tăng hơn 84% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là một chỉ báo định lượng quan trọng phản ánh triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế. Khi doanh nghiệp càng mở rộng đầu tư và thành lập mới, vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh cơ bản càng cao, tiềm tăng trưởng vĩ mô càng lớn. Điều hạn chế duy nhất là thời gian, những hoạt động sản xuất kinh doanh cơ bản không thể một sớm một chiều đóng góp ngay lập tức vào tăng trưởng. Tuy nhiên đối với thị trường chứng khoán, thời gian lại là lợi thế lớn nhất vì kỳ vọng của giới đầu tư luôn vượt xa những số liệu tổng kết.