Tự chứng nhận xuất xứ: Cơ hội từ những sức ép

Tự chứng nhận xuất xứ (CNXX) hàng hóa có nghĩa là trách nhiệm chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa đang thuộc trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách, cơ quan quản lý nay chuyển sang cho doanh n

Sức ép từ xu thế

Đến nay, mặc dù trong các hiệp định thương mại tự do đã ký cũng như đang đàm phán, Việt Nam chưa chính thức cam kết cho doanh nghiệp quyền tự chứng nhận xuất xứ (C/O), nhưng đây đang là xu thế tất yếu. Các nước EFTA, Liên minh châu Âu (EU) từ lâu đã áp dụng cơ chế cho doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ và tự chịu trách nhiệm với khai báo này. Cơ quan hải quan không chịu trách nhiệm với khai báo của doanh nghiệp và chỉ đi kiểm tra khi có nghi ngờ.

Người đứng đầu bộ phận quản lý hải quan, phụ trách đàm phán hiệp định thương mại, tại Tổng cục Hải quan Thụy Sĩ, ông Arthur Muller nói rằng, khi đàm phán các FTA, các nước EFTA luôn yêu cầu đối tác cho doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ và đến nay đều thành công. Việt Nam và EFTA đã trải qua 8 vòng đàm phán FTA và hiện chưa ngã ngũ. Nhưng cách tiếp cận của EFTA là nếu các đối tác, ví dụ như Việt Nam, chưa sẵn sàng áp dụng hệ thống doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ, thì các nhà sản xuất tại các nước EFTA vẫn áp dụng hệ thống này. Việt Nam có thể vừa thực hiện quy trình cấp C/O như bấy lâu, vừa xây dựng hệ thống cho doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ nhưng theo quyết định riêng của Việt Nam.

“Vướng” của Việt Nam

Hiện doanh nghiệp Việt Nam đang có hai “cửa ngõ” để tiếp cận hình thức tự CNXX. Thứ nhất là theo các FTA (hiệp định thương mại tự do) và hai là theo mục tiêu chung của khối ASEAN. Các nước ASEAN đang thảo luận và triển khai hai dự án thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ. Dự án thí điểm đầu tiên thực hiện cơ chế này đã được thực hiện khoảng 1-2 năm qua, với sự tham gia của Brunei, Malaysia, Singapore, và Thái Lan với vài trăm doanh nghiệp tham gia, bao gồm cả doanh nghiệp thương mại và sản xuất. Dự án thí điểm thứ hai mới được triển khai đầu năm 2014 với sự tham gia của Lào, Indonesia và Philippines, cho phép doanh nghiệp sản xuất tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá.

Theo ông Lê Triệu Dũng, Vụ phó Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương, đối với Việt Nam, do vướng phải một số quy định trong hệ thống pháp luật cũng như trong việc thực thi, chẳng hạn như thiếu quy định xác nhận đối tượng doanh nghiệp được áp dụng cơ chế trên, nên Việt Nam vẫn đang trong quá trình xem xét tham gia dự án thứ hai. Tuy nhiên, việc này liên quan đến điều chỉnh pháp luật trong nước, cần phải báo cáo lên Quốc hội.

Kinh nghiệm thực tế của Mỹ và một số nước châu Âu cho thấy, cơ chế này bắt buộc nhà xuất khẩu, nhà sản xuất sẽ có trách nhiệm hơn trong việc theo dõi chuỗi cung ứng, tạo nên một quy trình chặt chẽ, phụ thuộc lẫn nhau, duy trì tốt quan hệ làm ăn giữa bên xuất khẩu với bên nhập khẩu. Điều này cũng làm tăng trách nhiệm cho nhà nhập khẩu khi muốn hưởng những chính sách ưu đãi phải có những ràng buộc, yêu cầu cụ thể với nhà sản xuất và xuất khẩu về nguồn gốc hàng hóa.

Cũng chính điều này sẽ tạo nên những đối tác tin cậy, làm ăn lâu dài. Bởi vì cung cấp thông tin sai, khiến nhà nhập khẩu chứng nhận sai sẽ dẫn tới những trách nhiệm về tài chính (chẳng hạn khấu trừ hợp đồng, tiền bán hàng, tiền phạt hợp đồng…). Thụy Sĩ đã áp dụng hệ thống tự chứng nhận này từ lâu, hiện có 2.400 nhà xuất khẩu ở nước này được cấp phép và đều là doanh nghiệp lớn.

Ai đủ tiêu chuẩn?

Theo ông Trần Trung Thực, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và khối EFTA (gồm các nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein), để đáp ứng, doanh nghiệp phải hội đủ một số điều kiện như kim ngạch xuất khẩu phải đủ lớn, doanh nghiệp phải chứng minh được những hiểu biết đầy đủ về chứng nhận xuất xứ cũng như yêu cầu về xuất xứ trong các hiệp định đã ký. Như vậy thì, nếu các quy định này được thực thi, Việt Nam sẽ có hơn 900.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu thiệt thòi trong trước mắt, vì chưa đủ điều kiện để tự CNXX, vì thế buộc phải thực hiện quy trình chứng nhận C/O như cũ. “Tại sao chúng tôi phải phân biệt nhà xuất khẩu lớn và nhỏ? Bởi vì, các công ty nhỏ không đủ nhân lực và nguồn lực để làm được việc này. Với Việt Nam, hiện các công ty nhỏ chưa đủ năng lực, họ vẫn cần có tư vấn và nơi xác nhận xuất xứ, như VCCI, hải quan”, ông Arthur Muller nói.

Còn nữa, việc cấp phép chắc chắn phải khó chứ không thể quá dễ, vì doanh nghiệp muốn được tự CNXX phải am tường các quy tắc xuất xứ, nắm rõ nguồn gốc hàng hoá. Thêm vào đó, tham gia tự CNXX, doanh nghiệp còn đứng trước một sự lựa chọn sinh tử: nếu cố ý gian lận sẽ không bao giờ có cơ hội được cấp phép lại.

Tự CNXX nghe về lý thuyết thì sẽ mang lại nhiều lợi ích cũng như cơ hội cho DN Việt Nam. Tuy nhiên, như phân tích của Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI) Trần Thị Thu Trang về yêu cầu nguyên phụ liệu và cơ chế kiểm tra, thì DN Việt khó có thể đạt được như mong muốn. Thêm một ví dụ nữa khi ông Svein Gronlie, Tổng cục Hải quan Na Uy cho biết, hiện nay quy trình cấp phép cho hàng hóa NK vào khối EFTA rất khắt khe. Đối với Na Uy giấy phép tự CNXX hàng hóa cấp cho các nhà XK lần đầu vào thị trường này chỉ có thời hạn 2 năm. Kết thúc thời hạn trên, nếu DN tuân thủ tốt, giấy phép sẽ được cấp với thời hạn 5 năm. Ít nhất 1 lần trong giai đoạn 2 năm đầu thử thách và 2 lần trong thời gian 5 năm, cơ quan hải quan địa phương Na Uy sẽ kiểm soát các nhà XK được cấp phép, nếu phát hiện sai phạm sẽ bị tước giấy phép.

Thế mới biết rằng, không có điều gì thuận lợi và dễ đạt được. Thời gian kết thúc đàm phán cũng như mục tiêu chung của ASEAN đã đến gần, trong khi thông tin về những yêu cầu khắt khe của mỗi thị trường ngày càng nhiều. Nếu không muốn thêm một lần nữa thấm thía câu nói “thách thức nhiều hơn cơ hội”, doanh nghiệp Việt cần chạy nước rút, bắt đầu với kế hoạch tìm hiểu, trang bị kiến thức, thông tin và thay đổi những thói quen kinh doanh cũ không phù hợp với xu thế của tự CNXX.