Tuổi 20 nào cũng thấy mình trong đó

“Có những tuổi 20 như thế” là hồi ức của một vị tướng già, trải qua gần nửa thế kỷ đạn bom, trận mạc kể về lứa tuổi 20 thế hệ mình, nhưng đã nhanh chóng được thế hệ trẻ hôm nay tiếp nhận là vì ông khô

Nhen “lửa” giữa đạn bom

Phương Đông và Phương Tây có nhiều truyền thống và cách nhìn khác nhau, nhưng cùng gặp nhau ở quan niệm: Tuổi hai mươi là quãng thời gian đẹp nhất trong đời người, quãng thời gian gác lại những cuộc rong chơi để bắt đầu cho những dự định, hoài bão lớn lao.

Tuổi 20 cũng là đề tài hết sức quen thuộc trong các loại hình nghệ thuật nước ta. Đó là người lính “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/mà lòng phơi phới dậy tương lai” trong thơ Tố Hữu; là tình yêu trong sáng, giàu lòng vị tha ở chiến trường, được tái hiện giản dị trong vở kịch "Đôi mắt" của Vũ Dũng Minh; hay hình tượng người lính giải phóng quân trong các tác phẩm nhiếp ảnh của Đoàn Công Tính...

Trong dòng chảy ấy, bài thơ “Có những tuổi 20 như thế” của Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Trần Văn Giang đã khắc họa thành công tinh thần quả cảm của những người lính trẻ yêu đời, sẵn sàng dâng hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho khát vọng thống nhất đất nước.

Chạm khắc được đến tận cùng sâu thẳm trái tim đôn hậu mà nhiệt huyết của người lính, bài thơ nhận được sự đồng cảm của tuổi trẻ hiện nay. Thật thú vị khi bài thơ được chính thế hệ đi sau ông, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 và là con rể ông phổ nhạc.

“Có những tuổi 20 như thế” là hồi ức của một vị tướng già, trải qua gần nửa thế kỷ đạn bom, trận mạc kể về lứa tuổi 20 thế hệ mình, nhưng đã được thế hệ trẻ hôm nay nhanh chóng tiếp nhận là vì ông không định dạng, đóng khung vào một hoàn cảnh, thời gian cụ thể, mà hướng tới sự phổ quát trong tâm hồn các bạn trẻ, khiến lứa tuổi 20 thuộc thế hệ nào cũng cảm thấy thân thuộc:

Mắt ngọc tay vàng xanh biếc mộng hoa niên

Bạn quý, người yêu, em nhỏ, mẹ hiền

Tuổi 20 nào lại không thấm đẫm khát vọng “xanh biếc mộng hoa niên”? lại không thấm đẫm hoài bão rời non lấp bể? Đây cũng là dòng máu tuổi trẻ hiển hiện từ ngàn xưa, như Nguyễn Công Trứ từng viết: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/phải có danh gì với núi sông”. Và đó cũng là quan điểm của nhiều nước phương Đông về chí hướng của những người trai trẻ phải có công danh sự nghiệp thông qua con đường khoa cử, được khuyến khích bằng hệ thống thang bậc giá trị xã hội: sĩ, nông, công, thương.

Thế nhưng khi đất nước lâm nguy, chính những kẻ sĩ đó sẵn sàng gác lại những dự định, hoài bão lớn lao của mình. Bài thơ đi vào lòng người vì đã khơi gợi lại một thời kỳ hào hùng, những người trai trẻ ưu tú nhất của đất nước lớp lớp xếp bút nghiên ra chiến trận:

Giặc bạo tàn giày xéo non sông

Xúc phạm điều thiêng liêng nhất trong lòng

Ước mơ đành dang dở, xếp bút nghiên!

Chẳng cần tới trí liên tưởng mạnh mẽ, trong lòng lớp trẻ hôm nay cũng nhanh chóng hiện lên những Nguyễn Văn Thạc, những Đặng Thùy Trâm, 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc...

Ra đi vì nghĩa lớn, họ không chỉ sẵn sàng “xếp bút nghiên”, mà còn sẵn sàng rời xa “Bạn quý, người yêu, em nhỏ, mẹ hiền”.

Năm học 1969 - 1970, Nguyễn Văn Thạc học lớp 10, đoạt giải Nhất trong cuộc thi Văn miền Bắc. Cùng năm đó, anh đỗ vào khoa Toán - Cơ của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Vừa học năm thứ nhất, anh vừa tự học thêm để hoàn thành chương trình năm thứ 2 và được nhà trường đồng ý cho lên học thẳng năm thứ 3. Nhưng đó cũng là thời gian cuộc chiến tranh Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới.

Cũng như hàng ngàn sinh viên các trường đại học, Nguyễn Văn Thạc xung phong nhập ngũ tháng 9 năm 1971, bỏ lại đằng sau cả một tương lai ngời sáng và cô bạn gái thân yêu nhất của mình: Phạm Như Anh. Trong nhật ký của mình, Nguyễn Văn Thạc viết: “Hạnh phúc của Thạc và Như Anh chỉ có thể gắn chặt với niềm vui chung của dân tộc mà thôi”.

Tinh thần vì nghĩa lớn của một thế hệ sinh viên thủa ấy cũng lan tỏa trong mỗi trang nhật ký của Đặng Thùy Trâm (được viết từ ngày 8/4/1968 đến ngày 20/6/1970, 2 ngày trước khi hy sinh) khiến Frederic Whitehurst - một sĩ quan quân báo Hoa Kỳ đã quyết định giữ lại, không đốt cuốn nhật ký của chị khi được người phiên dịch đọc cho nghe một số trang đầu tiên mà người sỹ quan này cho rằng “có lửa” ở trong đó.

“Lửa” ở đây là tình cảm trong sáng, cao thượng với cha mẹ, chị em ruột, với người yêu, với đồng đội và với đất nước. Điều làm Frederic Whitehurst ngạc nhiên là “lửa” lại được nhen nhóm giữa cảnh bom rơi đạn nổ, giữa những chuyến băng rừng tải thương, giữa những bữa no bữa đói...

Khâm phục hơn, sau 3 thập kỷ, năm 2005, trao lại cuốn nhật ký cho gia đình Đặng Thùy Trâm, Frederic Whitehurst nhắc lại cảm giác “có lửa” và bày tỏ sự ngưỡng mộ khi lần đầu tiên biết rằng, bác sỹ trẻ Đặng Thùy Trâm với tấm bằng tốt nghiệp loại ưu có thể ở lại trường làm cán bộ giảng dạy hoặc nhận công tác tại một bệnh viện ở ngay Hà Nội, nhưng chị đã xung phong vào Nam, vào nơi giữa cái chết và cái sống cách nhau trong gang tấc.

Tượng đài của sự dâng hiến

Khó có thể kể hết những tấm gương như thế. Theo một ước tính của Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng), những năm tháng gian lao mà hào hùng ấy có hàng chục ngàn kẻ sĩ đã rời giảng đường đến chiến trường. Nhân vật tôi trong “Có những tuổi 20 như thế” đã được phi cá thể hóa để trở thành một biểu trưng trong lòng bạn đọc:

Và lửa cháy đạn bom, và chiến trường đổ máu

Tôi ngã xuống giữa lòng đất mẹ đỏ

Hoàn cảnh, thời gian của cái chết mang tên “tôi” ở đây mang nghĩa phiếm chỉ, đã biến thành một tượng đài sừng sững, uy nghi cho sự dâng hiến tuổi xuân của cả một thế hệ trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Ngày lại ngày lặng lẽ tháng năm trôi

Tôi nằm đây thanh thản một cuộc đời

Nhân vật “tôi” dường như được đặt ở vị trí khuất bóng, dường như cũng đã lãng quên đi những đóng góp của mình để “thanh thản” ngắm nhìn niềm hạnh phúc được sống trong hòa bình của thế hệ sau.

Nếu như bài thơ dừng lại ngang đây, bạn đọc cũng đã cảm nhận được sự dâng hiến thanh cao, không so đo, tính đếm; sự dâng hiến cho thế hệ sau cái mà mình khát khao nhưng chưa từng “chạm” đến, đó là hòa bình, thống nhất, non sông liền một dải.

Nhưng không, xúc cảm tiếp tục trào dâng ở những câu thơ cuối:

Tôi nằm đây thanh thản một cuộc đời

Cỏ cây xanh non mỗi ngày mỗi mới

Và bầu trời xanh thẳm phủ trên tôi.

Thực là một sự dâng hiến trọn vẹn! Đến lúc này, cả cái “tôi” ở vị trí khuất bóng cũng không còn nữa, chỉ có “cỏ non”, chỉ có “bầu trời xanh thẳm” ngự trị; chỉ có hòa bình, thống nhất, chỉ có hạnh phúc ấm no dành tặng cho muôn đời sau.

Sự ngự trị, bao trùm của “cỏ non”, của “bầu trời xanh thẳm” khiến xúc cảm về sự dâng hiến thanh cao trong lòng bạn đọc mang tính phổ quát hơn; không còn mảnh đất cho sự xuất hiện những câu hỏi riêng tư, kiểu như: sự dâng hiến của tuổi 20 đó thuộc thế hệ nào? Họ là ai?... Tính cụ thể, chi tiết đã “mờ” đi, nhường chỗ cho cái phổ quát, cái vĩnh hằng: lứa tuổi hai mươi nào soi chiếu vào cũng thấy mình trong đó.