Ứng dụng CNTT trong cảnh báo sớm: Kinh nghiệm và vận dụng

Hạ tầng và dịch vụ CNTT trong cảnh báo sớm nâng cao hiệu quả truyền tải thông báo đến các tác nhân trong nền kinh tế, giúp họ điều chỉnh kế hoạch sản xuất và kinh doanh kịp thời theo những biến động c

Các nước đang phát triển thường thiếu hạ tầng thông tin và mạng lưới các cơ quan đại diện (ngoại giao, thương mại, thông tin) để có thể cập nhật và minh bạch thông tin phục vụ công tác cảnh báo sớm trong thương mại. Cũng tương tự như vậy, các doanh nghiệp nhỏ thường thiếu kỹ năng và nguồn lực để thuê các công ty luật đa quốc gia tư vấn hoặc sử dụng các gói dịch vụ tư vấn đắt đỏ về thương mại quốc tế. Trong khi đó các đối tác thương mại ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, EU… có thể tự quản lý hệ thống thông tin về SPS và TBT trên toàn cầu có thể tác động đến thương mại của họ. Các báo cáo thương mại thường niên của họ thường tổng kết các trường hợp về SPS và TBT trong năm và các dự báo, khuyến cáo cho năm tới. Các dữ liệu được thu thập bởi các cơ quan của Chính phủ, đại sứ quán và các cơ quan đại diện thương mại và luật của họ ở nước ngoài, sau đó thông qua hệ thống lọc thông tin và phân tích, dự báo để đưa ra các cảnh báo phù hợp.

Hệ thống này sau đó sẽ thông qua các công cụ công nghệ thông tin và viễn thông để cảnh báo thông tin đến khu vực tư nhân hoặc các hiệp hội ngành nghề, các ủy ban tư vấn luật. Các thông tin cảnh báo này cũng rất hữu ích với Chính phủ các nước khác và các doanh nghiệp nước ngoài cũng có thể sử dụng các thông tin này.

Kinh nghiệm từ các nước đi trước trên thế giới cho thấy việc thiết kế và áp dụng các tiến bộ CNTT trong hệ thống cảnh báo sớm đã giúp các Chính phủ và các nhà xuất khẩu tiết kiệm được chi phí, thời gian và tiếp cận chủ động hơn với các thông tin về thương mại quốc tế (trong trường hợp cụ thể thì sẽ là các quy định và tình hình thị trường của các nước đối tác nhập khẩu), để vượt qua rào cản thông tin liên quan đến thị trường. Việc quản lý và cải tiến liên tục các công cụ này có vai trò quan trọng trong việc giúp Chính phủ các nước theo dõi và đề xuất các chính sách giải quyết các cạnh tranh và xung đột trong thương mại quốc tế. Sử dụng hạ tầng và dịch vụ CNTT trong cảnh báo sớm cũng cho phép truyền tải nhanh nhất đến các tác nhân trong các ngành công nghiệp, giúp họ điều chỉnh kế hoạch sản xuất và kinh doanh kịp thời theo những biến động của hoạt động ngoại thương và thị trường quốc tế.

Tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã xây dựng được Trung tâm tích hợp dữ liệu hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu hạ tầng cho triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, và đưa vào hoạt động một trong những dịch vụ hành chính công quan trọng của Bộ là hệ thống quản lý và đăng ký cấp thị thực trực tuyến. Ngoài ra, nhiều dịch vụ hành chính công điện tử và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được xây dựng và phát huy hiệu quả tốt. Đặc biệt trong việc bảo đảm an toàn thông tin trong môi trường mạng, xử lý sự cố, cảnh báo sớm cũng như trong công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ…

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cũng đã xây dựng Cổng thông tin điện tử cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu Việt Nam dựa trên số liệu xuất nhập khẩu đáng tin cậy, quy định pháp luật của WTO và thực tiễn điều tra của các nước.Hệ thống cảnh báo sớm nhằm xác định sớm các mối đe dọa/nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu Việt Nam trước khi chính thức có đơn khởi kiện từ các ngành sản xuất của nước ngoài. Nhờ đó, các doanh nghiệp Việt Nam có đủ thời gian và điều kiện để kịp thời điều chỉnh nhằm loại bỏ những mối đe dọa và chủ động đối phó với các cuộc điều tra của các cơ quan có liên quan của nước ngoài.

Sự phát triển của công nghệ thông tin giúp cho thế giới phẳng hơn, các doanh nghiệp Việt Nam có thể dễ dàng truy cập internet để có được các thông tin cảnh báo của các nước đối tác, trong một số trường hợp còn sớm hơn so với các thông báo chính thức từ phía Việt Nam. Tuy nhiên đó chỉ là một bộ phận nhỏ doanh nghiệp. Trong khi đó, sự bùng nổ của điện thoại thông minh (smart phone) và sự hoàn thiện dần của hạ tầng viễn thông tại Việt Nam lại cung cấp cho các doanh nhân công cụ để cập nhật và tích hợp thông tin một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn. Do đó trong thời gian tới, hệ thống cảnh báo sớm nên tích hợp với các công cụ viễn thông trong việc truyền tải thông tin và dữ liệu đến cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý trong hệ thống cảnh báo sớm là vấn đề xác thực thông tin và bảo mật. Đối phó với các tin tặc và tội phạm mạng là cần thiết trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, nhưng trong hoạt động cảnh báo sớm thì càng trở nên quan trọng hơn bởi một sai sót có thể phát đi những thông điệp sai và gây ra những hậu quả kinh tế lớn.
Hà Lê