Văn học Việt và những chuyến đi xa

Từ sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, thế giới bắt đầu muốn tìm hiểu những gì chứa đựng trong con người Việt Nam. Và văn học đã trở thành một lối đi vô cùng hiệu quả để thế giới bước vào “bên tron

Từ 1975 cho đến nay, quốc gia “nhập khẩu” văn học Việt Nam nhiều nhất chính là nước Mỹ. Khi Liên Xô còn, một lượng các tác phẩm văn học Việt Nam được đều đặn dịch và giới thiệu ở Liên Xô vì một chế độ “ưu đãi” đặc biệt. Nhưng sau khi hệ thống XHCN ở Đông Âu sụp đổ, việc dịch và xuất bản sách văn học Việt Nam ở nước Nga mới đã chấm dứt. Văn học Trung Quốc được dịch và xuất bản ở Việt Nam có thể nói là khá nhiều và đều đặn hàng năm, nhưng Trung Quốc đã không dịch bất cứ tác phẩm văn học nào của Việt Nam trong gần nửa thế kỷ qua trừ một cuốn “Những bức thư Cà Mau”. Và mới đây là một tuyển truyện ngắn Việt Nam do nỗ lực cá nhân của dịch giả Điền Hiểu Hoa. Nhưng con đường mà văn học Việt Nam đến Mỹ là con đường khó khăn nhất song cũng thành công nhất và con đường đó được dựng lên bởi sự ủng hộ vô cùng quan trọng của cá nhân các nhà văn, nhà thơ Mỹ, những người từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam và đã phản chiến.

Chuyến đi đầu tiên của nhà văn Việt Nam đến Mỹ là nhà văn Lê Lựu. Chuyến đi của Lê Lựu đáng được ghi trong những trang sử ngoại giao Việt - Mỹ sau chiến tranh. Nhà thơ cựu binh Mỹ Kevin Bowen là người đã tổ chức chuyến đi này. Trong khi quan hệ giữa hai chính phủ Việt Nam và Mỹ còn rất căng thẳng và giá lạnh thì ông đã tìm cách đưa các nhà văn cộng sản Việt Nam đến Mỹ. Với tôi, Lê Lựu là một trong những vị đại sứ hòa bình đầu tiên của Việt Nam đến Mỹ. Lê Lựu, một người lính, một nhà văn, một người Việt Nam đã mang đến Mỹ thông điệp về văn hóa, về khát vọng hòa bình và lòng nhân ái của dân tộc Việt Nam. Lê Lựu không biết một chữ tiếng Anh nào trong chuyến đi ấy. Bởi thế mà Kevin đã lập một đường dây liên lạc đặc biệt từ Trung tâm William Joiner, Đại học Massachusetts, Boston tới các sân bay mà Lê Lựu quá cảnh để đến Mỹ. Nhân viên ở những sân bay đó đã chăm sóc Lê Lựu hơn cả chăm sóc cho một “con tin”. Sợ ông lạc và lỡ chuyến bay nên họ đã dẫn ông đến ngồi trước cửa ra máy bay và dặn ông không được đi bất cứ đâu. Thi thoảng họ lại đến để hỏi ông xem có nhu cầu gì thì họ phục vụ như mua nước uống hay dẫn ông đi vệ sinh.


Người Mỹ đã đến nghe Lê Lựu nói chuyện và đọc trích các chương tiểu thuyết Thời xa vắng đông như đi xem hội. Họ quá hiểu những người Việt Nam trong trận chiến như thế nào nhưng họ không biết gì về những ẩn chứa trong tâm hồn người Việt Nam. Người Mỹ bắt đầu nhìn thấy một Việt Nam khác ngoài một Việt Nam của những cuộc chiến tranh liên miên trong một đoạn trường của lịch sử. Sau chuyến đi rất ấn tượng của Lê Lựu, các chuyến đi của các nhà văn Việt Nam khác bắt đầu mở ra. Cùng với các nhà văn, nhà thơ đến Mỹ là những tác phẩm văn học Việt Nam bắt đầu được giới thiệu ở Mỹ. Kevin và Trung tâm William Joiner của ông đã làm những việc đó. Và đối với những người Mỹ còn mang trong lòng thù hận nào đó thì Kevin đã trở thành kẻ thù của họ. Đặc biệt là Việt kiều Mỹ. Một số người Mỹ đã gọi điện đến nhà Kevin để đe dọa tính mệnh các con ông và đe dọa sẽ hiếp vợ ông nếu ông không từ bỏ việc ủng hộ các nhà văn cộng sản đến Mỹ và giới thiệu tác phẩm văn học của họ. Kevin thực sự hoảng sợ. Ông đã đổi điện thoại, giấu địa chỉ nhà, đổi chỗ ở. Ngày Lê Lựu ở Mỹ, Kevin và một số thành viên của Trung tâm William Joiner đã giấu Lê Lựu như những gia đình cách mạng trong kháng chiến giấu cán bộ của mình. Lê Lựu là một người dũng cảm. Nhưng Kevin và những người bạn Mỹ khác còn dũng cảm hơn. Những lời đe dọa Kevin và tính mệnh gia đình ông rất dễ dàng trở thành sự thật.

Tôi còn nhớ ngay năm 1997, khi đoàn nhà văn Việt Nam đang ở Boston thì một buổi sáng Kevin gọi điện hoảng hốt thông báo không ai được đến Trung tâm William Joiner nữa. Trước cửa Trung tâm có dán một tấm giấy lớn với dòng chữ: Kill VC (hãy giết bọn Việt Cộng). Hôm ấy, các nhà văn Việt Nam phải đi sơ tán khỏi nơi họ đang ở. Trước đó, trong chuyến đi của Lê Lựu, một tối ông đang ở nhà của nhà thơ Việt kiều Nguyễn Bá Chung thì nghe tiếng người nói chuyện thì thào bên ngoài, tiếng gõ cửa rồi sau đó là tiếng súng. Nguyễn Bá Chung và Lê Lựu đã phải tìm cách chèn cửa và nằm dưới gầm giường vì sợ những kẻ “khủng bố” phá cửa xông vào.


Năm 1991, Kevin dẫn một đoàn nhà văn cựu binh Mỹ đến Hà Nội để tham dự cuộc gặp mặt chính thức đầu tiên giữa các nhà văn cùng tham gia chiến tranh của hai nước. Những người trước đó là kẻ thù của nhau và có thể đã giết chết nhau giờ đây đã trở thành những người bạn. Họ nói về văn hóa và về văn học cùng với tình bạn giữa con người và con người trên thế giới. Khi trở về Mỹ, Kevin đã phải điều trần trước Quốc hội Mỹ về việc ông đã mang 10 ngàn đô la Mỹ sang Việt Nam tổ chức cuộc gặp mặt lịch sử đó. Kevin đã phạm vào một điều luật nào đó của nước Mỹ trong Bộ luật đối với nước kẻ thù. Một số tổ chức chống cộng ở Mỹ cũng đã kiện Kevin và tổ chức của ông vì đã “bắt tay với cộng sản Hà Nội chống lại nước Mỹ”. Nhưng cuối cùng, Kevin và các nhà văn yêu hòa bình đã thắng kiện. Nhiều lúc tôi tự hỏi: Kevin yêu dân tộc Việt Nam vì lý do gì ? Có một lần thấy ông rất buồn, tôi hỏi có chuyện gì. Hỏi mãi ông mới cho tôi biết có một số người Việt Nam đã cho ông là CIA. Có một tờ báo của Mỹ thời đó đã viết Trung tâm William Joiner mà ông là Giám đốc là bàn tay nối dài của cộng sản và có những người Việt Nam đã cho ông là CIA. Sau những lúc buồn bã và sợ hãi, ông lại đứng dậy và lại làm việc như chưa từng một lần bị đe dọa cho sự hiểu biết và lợi ích của hai dân tộc. Ông là người Mỹ đầu tiên truyền bá văn học Việt Nam vào Mỹ. Lúc đó, không ai dám làm ngoài ông. Bởi, sự nguy hiểm có thể xảy ra với cá nhân ông và gia đình ông bất cứ lúc nào.

Kevin là người đầu tiên mở đường cho văn học Việt Nam vào Mỹ. Tiểu thuyết hiện đại Việt Nam đầu tiên được dịch và giới thiệu ở Mỹ là Thời xa vắng của Lê Lựu. Nhưng trước đó, ông cùng những đồng nghiệp của mình ở Trung tâm đã âm thầm và miệt mài giới thiệu thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Hồ Chí Minh và rất nhiều những nhà thơ Việt Nam khác đến với công chúng Mỹ bằng mọi cách thức mà Kevin có thể làm được. Năm 1994, trong chuyến sang Mỹ tham dự Hội thảo văn học, tôi đã được chứng kiến lễ ra mắt tập Thơ Rút từ những tài liệu bị bắt giữ. Đó là những bài thơ chọn từ những tài liệu của bộ đội, du kích Việt Nam mà Quân đội Mỹ thu được. Trung tâm William Joiner đã phát hiện có rất nhiều thơ được bộ đội và du kích Việt Nam chép trong sổ tay chiến trường. Họ quyết định chọn, dịch và xuất bản. Đó là tập thơ Việt Nam bán chạy nhất trong các tập thơ Việt Nam xuất bản tại Mỹ từ trước đến nay. Những người làm cuốn sách này muốn cho bạn đọc Mỹ thấy được tâm hồn của những người lính Việt Nam trong cuộc chiến tranh vệ quốc của họ. Đây cũng là một cách lý giải sức mạnh của những người lính Cụ Hồ. Sau đó, một tuyển thơ Việt Nam đồ sộ do Kevin khởi xướng, cùng dịch và xuất bản ở Mỹ. Tập thơ mang tên Sông Núi. Khi tôi tham gia chuyển ngữ tập thơ này, tôi cũng không biết nên đặt tên tập thơ ấy như thế nào. Vì đây là tập tuyển những bài thơ các nhà thơ Việt Nam viết trong chiến tranh chống Mỹ. Cuối cùng Kevin là người đặt tên tập thơ này. Ông nói với tôi ông đã đọc bài thơ của Lý Thường Kiệt: Sông núi nước Nam… Ông coi đây là bản tuyên ngôn bằng thơ đầu tiên của người Việt công bố với thế giới về quyền độc lập và tự do của dân tộc họ. Với ý thức đó, tên tập thơ đã ra đời.

Tôi biết, mọi nhân viên của Phái đoàn Ngoại giao Việt Nam ở Liên hiệp quốc đóng tại New York chỉ được phép đi lại trong một phạm vi nhất định đã được qui định. Nhưng các nhà văn, nhà thơ Việt Nam đến Mỹ đã tự do đi đến hầu hết những nơi họ muốn, đọc bất cứ tác phẩm nào họ muốn và đặt bất kỳ câu hỏi nào với bạn đọc Mỹ mà họ muốn cho dù họ cũng phải đương đầu với không ít đe dọa từ những nhóm người cực đoan và thù địch. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, mỗi khi nhà văn Việt Nam xuất hiện diễn thuyết hay đọc tác phẩm ở một nơi nào đó thì Kevin và Trung tâm của ông lại phải thuê cảnh sát Mỹ bảo vệ. Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Lê Lựu đã từng bị những nhóm người này tấn công.

Có biết bao câu chuyện của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam mang tác phẩm của mình đến với thế giới. Những câu chuyện đầy khó khăn, đầy nguy hiểm và cũng đầy ấn tượng và xúc động. Năm 2004, tôi đã đến Na-uy và được gặp Vua và Hoàng hậu Na-uy. Tôi đã tặng Vua và Hoàng hậu tác phẩm của tôi mà một nhà xuất bản ở Oslo, thủ đô Na-uy đã xuất bản bằng tiếng Na-uy một năm trước đó. Tôi đã nói với họ rằng: những câu chuyện nhỏ bé về một làng quê nhỏ bé ở đất nước Việt Nam xa xôi sẽ nói với Đức Vua và Hoàng hậu về những giấc mơ đẹp và lớn lao của dân tộc chúng tôi. Vua và Hoàng hậu Na-uy đã hứa với tôi họ sẽ đọc những tác phẩm của tôi. Cho đến bây giờ, thế giới đã hiểu hơn rất nhiều dân tộc chúng ta và văn học đã đóng góp một phần quan trọng trong việc dựng lên con đường của cái đẹp ấy.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều