Vàng lên giá 5 tuần liên tiếp

Mặc dù khởi động tuần giao dịch không mấy thuận lợi, song nhờ đà phục hồi ấn tượng vào cuối tuần, thị trường vàng thế giới đã ghi nhận tuần lên giá thứ 5 liên tiếp.
Tâm lý lo ngại về tình hình bất ổn chính trị tại châu Âu và thể trạng "khỏe mạnh" của thị trường lao động Mỹ (nhân tố mở đường cho Mỹ nâng lãi suất vào tháng 3/2018) đã khiến đồng USD mạnh lên. Điều này gây bất lợi cho giá vàng trong hai phiên giao dịch đầu tuần này (8-9/1).

Giá vàng khá nhạy cảm với chính sách tiền tệ của Mỹ, do lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, đồng thời làm đồng USD tăng giá khiến kim loại quý này trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.

Tuy nhiên, giá kim loại quý này đã đảo chiều đi lên trong ba phiên giao dịch liên tiếp vào cuối tuần, do sự “hạ nhiệt” của đồng bạc xanh. Chiến lược gia Daniel Ghali, thuộc TD Securities cho rằng mặc dù Mỹ đang thúc đẩy tiến trình thắt chặt chính sách nới lỏng định lượng, song việc các ngân hàng trung ương khác nỗ lực bắt kịp xu hướng này có thể sẽ hạn chế đà lên giá của đồng USD trong năm nay.

Thống kê cho thấy xu hướng yếu đi của đồng USD đã giúp giá vàng tăng hơn 80 USD kể từ mức thấp hồi giữa tháng 12/2017. Dù vậy, nhà phân tích Ole Hansen, thuộc Saxo Bank, cho rằng giá kim loại quý này vẫn đang vật lộn để tăng mạnh hơn trong ngắn hạn.

Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 12/1, giá vàng giao ngay tăng 1,2%, lên 1.338,39 USD/ounce, sau khi có thời điểm vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2017 là 1.339,31 USD/ounce vào giữa phiên. Tính chung cả tuần qua, giá vàng giao ngay tăng 1,4%.

Trong khi đó, giá vàng giao tháng 2/2018 cũng tiến 12,40 USD (0,9%), lên 1.334,90 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 11/9/2017. Giá vàng kỳ hạn này ghi nhận mức tăng 1% cho cả tuần qua, ghi dấu tuần tăng giá thứ năm liên tiếp, chuỗi tuần tăng giá dài nhất kể từ tháng Tư năm ngoái.

Trong phiên 12/1, chỉ số USD– thước đo sức mạnh của đồng USD so với sáu đồng tiền chủ chốt khác – lùi 0,8%.

Đáng chú ý, trong phiên này, giá palađi cũng leo lên mức cao kỷ lục, nhờ nguồn cung thắt chặt và nhu cầu đối với kim loại quý này của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu tăng cao. Khép phiên này, giá palađi tăng 3,4%, lên 1.120,24 USD/ounce, với mức tăng cả tuần là 2,8%. Giữa phiên, mặt hàng này có lúc chạm mức giá cao kỷ lục là 1.126,30 USD/ounce.
Marketwatch