Vì Sao Bộ Công Thương muốn đẩy nhanh Chính phủ điện tử?

Chính phủ điện tử là một trong những mục tiêu mà Chính phủ, các bộ ngành, địa phương hướng đến. Nhưng đâu là những lý do khiến Bộ Công Thương muốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử trong ng

Những dấu mốc quan trọng

Chính phủ điện tử là một trong những nội dung mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong mục tiêu bao trùm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt để phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển.

Quyết tâm của Thủ tướng xây dựng nền hành chính điện tử đã tạo sự chuyển động mạnh mẽ trong các bộ, ngành, địa phương. Trong lần đến dự Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm ngành Công Thương, ngày 12 tháng 7 năm 2016 Thủ tướng còn yêu cầu Ngành phải xây dựng Chính phủ điện tử một cách thực chất và toàn diện thì chưa đầy 6 tháng sau, kết luận tại Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Ngành sáng ngày 6 tháng 1 năm 2017, Thủ tướng đã biểu dương kết quả cải cách hành chính “rất ấn tượng” và xây dựng Chính phủ điện tử: “Bộ Công Thương đã tích hợp các dịch vụ công mức độ 3 và 4 của Bộ tại một cửa duy nhất, tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp khi thực hiện khai báo hồ sơ trực tuyến”.

Thử điểm lại một số dấu mốc đáng nhớ trong lĩnh vực này:

- Từ 01/6/2016 các đơn vị trực thuộc Bộ đã áp dụng chính thức Hệ thống iMOIT trong quản lý xử lý văn bản đi - đến; và là Bộ, ngành đầu tiên áp dụng quy trình quản lý và xử lý văn bản đi, văn bản đến hoàn toàn trên môi trường điện tử. Sau 6 tháng triển khai, hệ thống iMOIT đã xử lý gần 86 ngàn văn bản đến và trên 24 ngàn văn bản đi

- Ngày 6/6/2016, Bộ trưởng Công Thương ký ban hành Thông tư quy định cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của Bộ.

- Ngày 27/6/2016, Bộ trưởng Công Thương ký ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ giai đoạn 2016-2020.

- Ngày 30/6/2016, Bộ Công Thương đăng tải toàn bộ Danh mục thủ tục hành chính đã chuẩn hóa về nội dung và tên gọi lên trang thông tin của Bộ (www.moit.gov.vn) và trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.

- Ngày 23/12/2016, Bộ Công Thương chính thức thiết lập cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ với 25 DVCTT cấp độ 3 và 4; đồng thời, tiếp tục rà soát để đưa thêm một số TTHC khác như: Cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp; cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ; thủ tục nhập khẩu thuốc lá nhằm mục đích phi thương mại; thủ tục đề nghị cấp văn bản chấp thuận tham gia thí điểm tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN… lên Cổng thông tin một cửa quốc gia (NSW).

- Ngày 9/1/2017, Bộ Công Thương và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel ký Thỏa thuận hợp tác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính phủ điện tử và phát triển hạ tầng thương mại điện tử giai đoạn 2017 - 2020.

Chủ động và chủ động hơn

Có thể nói, từ 2016 đến nay là giai đoạn Bộ Công Thương triển khai “dồn dập” các ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch với công dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Liên tục các ứng dụng công nghệ thông tin mới, dịch vụ mới, tiện ích mới được tích hợp vào Cổng thông tin của Bộ.

Vì sao Bộ Công Thương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử? Trong cuộc họp giao ban đầu tiên sau Tết Nguyên Đán, ngày 6/2/2017, một số đơn vị chức năng báo cáo, dù đã có 25 DVCTT cấp độ 3, cấp độ 4, song nhiều doanh nghiệp vẫn muốn sử dụng dịch vụ truyền thống. Một số là do đơn vị nhỏ không có hạ tầng công nghệ thông tin để sử dụng. Số khác doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics của doanh nghiệp trung gian, và số doanh nghiệp trung gian này không muốn mất việc làm vì DVCTT. Bộ trưởng Công Thương đã nghiêm khắc chỉ đạo phải kiên quyết duy trì DVCTT cấp độ 3, cấp độ 4 một cách thực chất.

Đến cuộc họp giao ban lần thứ 2 sau Tết Nguyên Đán, ngày 13/2, sự chuyển biến đã rõ ràng. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khen ngợi một số đơn vị có DVCTT trên Cổng thông tin của Bộ đã gửi thư đến tất cả các Sở Công Thương, Hiệp hội, VCCI và đăng thông báo trên mạng để doanh nghiệp chủ động thực hiện. Thứ trưởng cũng gợi ý rằng, với DVCTT cấp độ 4, có thể sử dụng cả biện pháp không nhận hồ sơ giấy nữa, nhằm khuyến khích doanh nghiệp chuyển sang sử dụng DVCTT.

Thông tư dán nhãn năng lượng mới ban hành nhận được sự phản hồi tích cực của doanh nghiệp

Sự quyết liệt của Bộ Công Thương được thể hiện một cách mạnh mẽ từ Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016, Bộ trưởng Công Thương đã đưa ra định hướng tìm những giải pháp cụ thể thông qua việc tăng cường tương tác với người dân, với doanh nghiệp để khơi thông cho sản xuất, xuất khẩu. Chính phủ điện tử, nền hành chính điện tử chính là môi trường lý tưởng để cơ quan quản lý thực hiện sự tương tác này.

Sự thực thì, sự tương tác của Bộ Công Thương với công dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội thông qua nhiều ứng dụng khác nhau, như trao đổi trực tiếp qua thư điện tử, sử dụng các công cụ tra cứu, tải xuống các biểu mẫu và tài liệu. Trong năm 2016, Cổng thông tin của Bộ đã trả lời trực tuyến 414 câu hỏi của người dân và doanh nghiệp.

Các tương tác này giúp tiết kiệm thời gian và có thể thực hiện trực tuyến 24 giờ, thay vì 8 giờ hành chính theo cách thức truyền thống. Sự tiết kiệm thời gian khiến cho năng suất làm việc của công chức tăng lên, sự hưởng lợi của doanh nghiệp tăng lên. Ít ai có thể hình dung số lượng hồ sơ được Bộ Công Thương xử lý trên môi trường mạng mỗi năm lên tới hơn 700.000 hồ sơ!

Nền hành chính điện tử giúp Bộ Công Thương nâng cao năng lực quản lý điều hành, giảm chi phí cho bộ máy hành chính, nhất là trong điều kiện năm 2017 này, Bộ Công Thương sẽ tinh giản biên chế 10%.

Và điều quan trọng nhất, thông qua sự tương tác trên môi trường mạng, mọi người dân, doanh nghiệp và tổ chức xã hội có thể tham gia xây dựng chính sách, đóng góp vào quá trình xây dựng luật pháp, quá trình điều hành của Bộ Công Thương một cách tích cực. Tương tác trên môi trường mạng còn cung cấp cho người dân và doanh nghiệp các dịch vụ công mọi lúc, mọi nơi.

Một thí dụ điển hình là Bộ vừa ban hành Thông tư 36/2016/TT-BCT thay thế Thông tư 07/2012 về Quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, có hiệu lực thi hành từ 10/02/2017. Trong đó, cho phép tiếp nhận hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ Công Thương online.moit.gov.vn, và đã nhận được sự phản hồi tích cực. Đại sứ Michalak, Phó Chủ tịch Cao cấp Hội đồng kinh doanh Mỹ-ASEAN, đã gửi thư cảm ơn tới lãnh đạo Bộ Công Thương.

Mục tiêu chung cuối cùng của Chính phủ điện tử là tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hiệu quả, mang lại thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, tăng cường sự công khai minh bạch, giảm chi tiêu của bộ máy hành chính.

Đó là những lý do chủ yếu để Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử “một cách thực chất và toàn diện” theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.


Nguyễn Văn