Việt Nam: Điểm sáng của kinh tế khu vực

Năm 2015, kinh tế thế giới chứng kiến nhiều biến động lớn nhưng lại là một năm có những thành tựu đáng ghi nhận của kinh tế Việt Nam.

Đà tăng trưởng tốt...

Tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2015 cao nhất trong 5 năm

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP năm 2015 đạt 6,68%, cao hơn cả mục tiêu đề ra vào đầu năm và mức trung bình của giai đoạn 2011-2014 cho thấy nền kinh tế đang trong đà phục hồi rõ nét. Trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,64%, cao hơn mức tăng 6,42% của năm trước, đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kinh tế cả nước (3,2 điểm phần trăm). Dòng vốn FDI và các FTA sẽ tạo đà cho khu vực này khởi sắc trong năm 2016. Với quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 4192,9 nghìn tỷ đồng, GDP bình quân đầu người năm 2015 đã tăng 57 USD so với năm 2012, đạt 2109 USD/người/năm.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Sản xuất công nghiệp phục hồi trên kỳ vọng, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo:

Mặc dù chịu nhiều tác động từ thị trường thế giới, nhưng sản xuất công nghiệp trong năm 2015 đã tăng trưởng 9,8% so với năm 2014, cao hơn nhiều mức tăng 5,9% của năm 2013 và 7,6% của năm 2014. Trong đó, động lực lớn nhất là ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6% (cao hơn hẳn mức tăng 8,7% của năm 2014), đóng góp 7,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn ngành.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Dòng vốn không bị đảo chiều mạnh và còn nhiều dư địa tăng trong năm 2016:

Vốn FDI thực hiện năm 2015 ước tính đạt 14,5 tỷ USD, tăng17,4% so với năm trước cho thấy mức độ đưa vốn vào các hoạt động kinh tế thực đã được cải thiện. Sự nới rộng hạn mức cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, các nền tảng tài chính ổn định và sức hấp dẫn của một thị trường đang hội nhập mạnh mẽ sẽ tạo lực hút dòng vốn chảy vào Việt Nam trong thời gian tới.

Các nền tảng kinh tế, tài chính vĩ mô ổn định:

Năm 2015 được đánh giá là một năm thành của công của các nhà điều hành tài chính, tiền tệ Việt Nam: Lạm phát thấp nhất trong 14 năm nay, chưa đến 1%; lãi suất cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay giảm, xuất khẩu tăng, cán cân thanh toán thặng dư.

Xuất khẩu dù tăng thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng vẫn là “điểm sáng” so với nhiều nước trong khu vực.

Năm 2015, xuất khẩu tăng 8,1% so với năm 2014, thấp hơn kế hoạch đề ra (tăng 10%) chủ yếu do giá xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực giảm mạnh so với năm trước, bình quân giảm 3,8%, trong đó riêng dầu thô đã giảm tới 53%. Nhưng đây còn là một kết quả rất khả quan nếu so sánh với Thái Lan chỉ tăng 2% (những tháng cuối năm trong đà giảm), Trung Quốc 11 tháng 2015 giảm 7,8%, Malaysia ghi nhận tháng 11 là tháng thứ 14 xuất khẩu giảm liên tiếp. Năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam có thể được cải thiện khi có 90,8% số DN dự báo đơn hàng xuất khẩu tăng hoặc ổn định so với năm 2015.

Động lực để vượt qua những thách thức...

Trong khi các tổ chức quốc tế quan ngại năm 2016 kinh tế Trung Quốc chưa chắc đã tăng trưởng được đến 6,5%, Thái Lan chỉ tăng trưởng khoảng 2% còn Indonesia cũng chưa tới 6% thì nhiều tổ chức uy tín lại khá lạc quan vào tăng trưởng của Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều ẩn số khó lường, HSBC vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2016 là 6,7% so với cùng kỳ. IMF và Ngân hàng Thế giới cũng đồng loạt tăng các mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên các mức 6,4% và 6,6%.

Thực tế kết quả sản xuất, kinh doanh được cải thiện trong quý 4/2015, niềm tin kinh doanh của các DN cũng lạc quan hơn. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành chế biến chế tạo do Tổng cục Thống kê tiến hành cho thấy có 40,9% số DN tin tưởng xu hướng sẽ tốt lên trong quí 1/2016; và 41,4% cho rằng sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định. 91,6% dự báo khối lượng sản xuất năm 2016 tăng so với năm 2015. Sự lạc quan này có cơ sở khi nhìn vào số lượng đơn đặt hàng. Theo đó, khoảng 80% số DN có số đơn đặt hàng tăng hoặc ổn định trong quí 4/2015 và 91,1% lạc quan về số lượng đơn hàng năm 2016. Thị trường Việt Nam cũng được đánh giá còn nhiều dư địa cho tăng trưởng, với dân số trẻ, mức độ đô thị hóa cao và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng liên tục tăng trong 5 năm trở lại đây.

Nguồn: Tổng cục Thống kê
Quang Linh