Việt Nam và các nước Liên minh thuế quan miền Nam châu Phi: Thúc đẩy quan hệ thương mại

Liên minh thuế quan miền Nam châu Phi (SACU) là tổ chức kinh tế khu vực thành công nhất của châu Phi và là đầu tầu tăng trưởng kinh tế của cả châu lục. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước SAC

Khái quát về các nước SACU

Liên minh thuế quan miền Nam châu Phi (SACU) được thành lập từ năm 1910 và là Liên minh thuế quan được thành lập sớm nhất trên thế giới. Hiện nay khối liên minh này bao gồm 5 quốc gia thành viên đó là Nam Phi, Bostwana, Lesotho, Namibia và Swaziland.

Các nước SACU có tổng diện tích là 2,7 triệu km2 và dân số năm 2012 là 56,3 triệu người, trong đó Nam Phi chiếm đến 86,4%.

Kể từ năm 2002 đến nay, nền kinh tế của các nước SACU tăng trưởng trung bình ở mức 4-5%/năm. Quy mô GDP của cả khối năm 2012 đạt trên 425 tỉ USD, trong đó Nam Phi chiếm tới trên 92% GDP của toàn khối và là quốc gia có tiếng nói rất quan trọng và sức ảnh hưởng tới mọi hoạt động của Liên minh.

Trong những năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu của cả khối gia tăng mạnh mẽ. Năm 2012 là năm có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cao nhất từ trước tới nay, với tổng kim ngạch đạt 236,77 tỉ USD, trong đó xuất khẩu là 113,43 tỉ USD, nhập khẩu là 123,34 tỉ USD và nhập siêu ở mức 9,91 tỷ USD.

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước SACU

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước trong SACU ngày càng được mở rộng và chiếm vai trò quan trọng trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước châu Phi.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng từ 222,5 triệu USD năm 2007 lên 956,9 triệu USD năm 2013. Riêng năm 2011, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - SACU đạt mức kỷ lục là 2,1 tỉ USD, tuy nhiên chủ yếu là do hoạt động tái xuất vàng của các doanh nghiệp Việt Nam sang Nam Phi trong bối cảnh giá vàng tăng cao.

Trong giai đoạn từ 2007-2013, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước SACU tăng từ 125,2 triệu USD năm 2007 lên 784,8 triệu USD năm 2013. Tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn này là 35,7%/năm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang khu vực thị trường này là điện thoại di động, đồ trang sức, giày dép, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng dệt may, hàng nông sản…

Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các nước SACU tăng từ 97,2 triệu USD năm 2007 lên 172,1 triệu USD năm 2013. Tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn từ 2007-2013 là 10%/năm. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là sắt thép phế liệu, các sản phẩm kim loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, sản phẩm hóa chất…

Giải pháp thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước SACU

Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước

Thứ nhất, tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam với các nước trong SACU. Quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại.

Thứ hai, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho hoạt động thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước trong SACU. Hiện nay SACU là một khối liên kết kinh tế khá chặt chẽ, đã hình thành được một liên minh thuế quan thống nhất, do đó các cơ quan quản lý Nhà nước có thể nghiên cứu, đề xuất ký kết Hiệp định thương mại tự do với khối SACU. Đồng thời, với đặc thù của một liên minh thuế quan là các nước vẫn duy trì hàng rào phi thuế quan riêng, nên Nhà nước cần sớm xem xét việc đàm phán để có các thỏa thuận với các nước trong SACU về vấn đề này. Đặc biệt là cần đàm phán với Nam Phi, vì nước này có hệ thống các hàng rào phi thuế quan tương đối hoàn chỉnh và được các nước thành viên SACU khác áp dụng.

Thứ ba, tăng cường việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển quan hệ thương mại với các nước trong SACU thông qua đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về thị trường các nước trong SACU; hỗ trợ định hướng thị trường, sản phẩm cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm xuất khẩu; tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia.

Đối với các doanh nghiệp

Thứ nhất, chú trọng phát triển ngành hàng xuất khẩu phù hợp với thị trường. Để duy trì tăng trưởng xuất khẩu ổn định sang các nước SACU, doanh nghiệp nước ta phải chủ động phát triển ngành hàng xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, vì các nước SACU là thị trường tiềm năng cho nhiều chủng loại hàng hóa. Nhìn chung với các nước SACU, thị trường không đòi hỏi sản phẩm chất lượng quá cao, nhưng phải có tính ổn định và đặc biệt giá phải rẻ.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại tại thị trường các nước SACU. Trong công tác này, cần chú ý đến việc thu thập và xử lý thông tin, quảng bá sản phẩm và thương hiệu, tham dự hội chợ, triển lãm. Đặc biệt là các doanh nghiệp có thể nghiên cứu thành lập các trung tâm thương mại, hoặc các showroom với quy mô nhỏ hơn để giới thiệu sản phẩm và làm địa điểm giao dịch tại Nam Phi, là cửa ngõ để thâm nhập thị trường các nước SACU.

Thứ ba, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với thị trường các nước SACU. Đối với thị trường các nước SACU, các doanh nghiệp cần phải kiên trì xây dựng cho mình những chiến lược kinh doanh phù hợp. Cần hết sức tránh tình trạng buôn bán theo kiểu chụp giật làm mất uy tín cho cả giới doanh nghiệp Việt Nam. Trước mắt, các doanh nghiệp có thể tiếp tục duy trì việc xuất khẩu qua trung gian nhưng cần đẩy mạnh việc xuất nhập khẩu trực tiếp và tiến tới đầu tư tại các nước SACU. Đầu tư vào các nước SACU không chỉ nhằm mục đích tiêu thụ sản phẩm làm ra ở thị trường nội địa, mà từ đó còn xuất khẩu sang các nước trong khu vực hoặc các nước EU và Mỹ, để tận dụng những ưu đãi thương mại mà các nước SACU được hưởng thông qua các thoả thuận song phương và đa phương.

Hy vọng với những giải pháp nêu trên, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước SACU sẽ có những bước phát triển tích cực trong thời gian tới.