Vốn cho công nghiệp hỗ trợ: Có dám chấp nhận mạo hiểm?

Câu chuyện luẩn quẩn về vốn giữa một bên là quỹ tài chính nhà nước và một bên là người đi vay thực tế đã vướng mắc từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết. Và điều này đang là một trong những nguy

Hiện nay, cho dù đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ được đưa ra, nhiều quỹ được thành lập, nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam vẫn chỉ ở mức sơ khai. Tỷ lệ nội địa hóa ở một số ngành như công nghiệp ô tô và điện tử mới chỉ ở mức từ 10 - 20%, còn ở ngành dệt may, ngành được cho là có thế mạnh nhất cũng chỉ ở mức 50%. Đó là vì các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ luôn ở trong tình trạng “khát” vốn. TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khẳng định: Nếu không có vốn thì các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ chẳng phát triển được.

Nhưng thực tế, đã có tới 40 quỹ tài chính nhà nước đã được thành lập để hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm cả doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhưng vì sao các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn này và cơn khát vốn vẫn chưa khi nào nguôi ngoai? Đó là vì các quy định của Chính phủ về việc hình thành quỹ tài chính nhà nước đều khẳng định rõ quỹ được mở tài khoản tại Kho bạc hoặc các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, thực tế thì hầu hết các quỹ đều chỉ được mở tại Kho bạc nhà nước. Lý do rất đơn giản là thực hiện theo Luật Ngân sách. Đây đang là vướng mắc lớn nhất khiến cả cơ quan quản lý nhà nước dù rất muốn nhưng không thể vận hành được, và các doanh nghiệp cũng không thể đủ điều kiện để vay.

Tại Diễn đàn: “Các giải pháp về vốn phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ” mới đây tại Hà Nội, ông Trần Văn Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ rõ sự bất cập này và phân tích rộng thêm: Về bản chất, hai loại thủ tục hồ sơ vay vốn tại Kho bạc và ngân hàng thương mại là khác nhau vì thực hiện theo hai luật khác nhau. Hệ thống Kho bạc nhà nước không thực hiện chức năng cho vay theo hình thức tín dụng, nguồn ngân sách nhà nước được bố trí cho quỹ để thực hiện hỗ trợ theo hình thức vay cần phải được hiểu là đã được chuyển từ nguồn ngân sách sang hình thức hoạt động tín dụng. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp đang rất khó tiếp cận để diễn giải nội dung chi tiết theo yêu cầu của Luật Ngân sách. Việc xem xét, giải quyết các thủ tục hồ sơ bị kéo dài đã khiến các doanh nghiệp nhiều khi bị mất cơ hội làm ăn nên mặc dù nhu cầu về vốn thì luôn nhiều song các doanh nghiệp không “dám” mặn mà với các chính sách ưu đãi.

Chính vì vậy, hầu hết những chuyên gia kinh tế và cả những người làm chính sách tham dự diễn đàn đều đồng tình cho rằng, các quỹ nhà nước hiện tại nên được ủy thác cho các ngân hàng thương mại cho vay, thay vì để nằm tại Kho bạc nhà nước, đơn giản là vì Kho bạc nhà nước không có chức năng chính là cho vay. Thứ nữa là điều này sẽ khiến cho khả năng thẩm định và đánh giá doanh nghiệp của các ngân hàng tốt hơn rất nhiều so với Kho bạc.

Các chuyên gia cũng đề cập đến một giải pháp nữa là thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm để sẵn sàng chia sẻ rủi ro và khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Theo các chuyên gia, có 6 nguồn vốn để các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ có thể tận dụng, gồm: vốn từ ngân sách nhà nước, vốn từ đối tác, vốn tự có, vốn tín dụng và thuê tài chính, vốn nước ngoài và cuối cùng là thị trường vốn. Trong số đó, vốn tín dụng từ ngân hàng, các quỹ hỗ trợ, quỹ đầu tư và thuê tài chính là quan trọng nhất. Và hiện tại, 75% lượng vốn cho doanh nghiệp đang đến từ ngân hàng, mà ngân hàng cũng là doanh nghiệp, việc hỗ trợ doanh nghiệp không thể cứ mãi được, do vậy, nguồn vốn cho công nghiệp hỗ trợ nên đến từ các quỹ nhiều hơn. Nếu Nhà nước mạnh dạn thành lập các quỹ đầu tư và chia sẻ mạo hiểm cùng doanh nghiệp, coi như mồi cho doanh nghiệp đó một số vốn nhất định để khởi sự, thì doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn. Về việc này, Israel đã có kinh nghiệm đi đầu từ năm 1995, khi đã dành 100 triệu USD chia đều ra làm 10 quỹ đầu tư mạo hiểm và tuyên bố, nếu ai bỏ ra 15 triệu USD để khởi nghiệp, Nhà nước sẽ cùng đầu tư vào 10 triệu USD. Đến khi doanh nghiệp đó có lãi và phát triển, Chính phủ sẽ rút số vốn đó ra và đi đầu tư vào doanh nghiệp khác, tất nhiên nếu lỗ thì Chính phủ sẽ cùng chịu rủi ro. Và đến bây giờ, từ 10 quỹ ban đầu đã hình thành lên 240 quỹ đầu tư mạo hiểm tại Israel.


Trịnh Hiền