WB dự báo GDP của Việt Nam năm 2017 tăng trưởng 6,3%

Trong báo cáo “Điểm lại” vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, kinh tế Việt Nam được đánh giá có chuyển biến tích cực trong nửa đầu năm 2017. WB dự báo, GDP năm 2017 của Việt Nam tăng nhẹ ở mức 6,

Chiều ngày 13/7/2017, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức họp báo ở Hà Nội công bố báo cáo "Điểm lại" về tình hình kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2017. Đồng thời dự báo triển vọng và phân tích các rủi ro, thách thức với nền kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Theo báo cáo, Ngân hàng Thế giới ghi nhận kinh tế Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, dần lấy lại đà tăng trưởng trong nửa đầu năm 2017.

Báo cáo cho biết trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khôi phục từ cuối năm 2016, tăng trưởng GDP của Việt Nam ước đạt 5,7% trong nửa đầu năm 2017, đồng thời chỉ giá tiêu dùng ở mức thấp và lạm phát duy trì cơ bản ở mức dưới 2%.

Ngành dịch vụ - hiện chiếm hơn 40% GDP tiếp tục tăng trưởng mạnh nửa đầu năm nay nhờ vào những kết quả khả quan của thương mại bán lẻ, do tốc độ tăng tiêu dùng trong nước được duy trì và sự sôi động của của ngành Du lịch. Sản xuất công nghiệp nói chung tiếp tục được cải thiện mặc dù sản lượng khai thác dầu thô đang sụt giảm. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp từng bước được phục hồi, tuy chưa thực sự vững chắc.

Cũng theo báo cáo, GDP năm 2017 của Việt Nam được dự báo tăng nhẹ ở mức 6,3% (Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7%) nhờ sức cầu trong nước, sản xuất nông nghiệp được phục hồi và ngành chế tạo chế biến định hướng xuất khẩu tiếp tục cải thiện nhờ sức cầu bên ngoài đang trên đường hồi phục.

Ông Sebastian Eckardt - chuyên gia kinh tế, quyền Giám đốc Quốc gia WB Việt Nam cho biết: tốc độ tăng 6,3% là mức khá cao so với tình hình thế giới. Kinh tế Việt Nam vẫn đang thể hiện sức dẻo dai nhờ ưu thế của các yếu tố căn bản đảm bảo tăng trưởng, gồm sức cầu trong nước và ngành sản xuất chế tạo chế biến. Việt Nam nên chú trọng vào chất lượng hơn số lượng.

Theo WB dự báo, năm 2017, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,3%

Mặc dù vậy, theo dự báo của WB, trong những năm tiếp theo, nền kinh tế sẽ vẫn chịu nhiều thách thức. Trên thế giới, xu hướng tăng lãi suất đang diễn ra, có thể khiến điều kiện huy động vốn bị thắt chặt. Bên cạnh đó, thương mại toàn cầu cũng đang chững lại khi chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Còn trong nước, các rào cản trung hạn là tín dụng tăng nhanh, nợ xấu chưa giải quyết triệt để, bội chi ngân sách lớn và tăng trưởng năng suất chậm lại.

Thách thức về lâu dài của Việt Nam vẫn là duy trì bền vững tốc độ tăng trưởng cao và giảm nghèo bền vững. Những rào cản đối với tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ được loại bỏ theo tiến trình của cải cách cơ cấu, bao gồm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, củng cố và hoàn thiện thị trường các yếu tố sản xuất bao gồm vốn và đất đai.

Trên cơ sở đà tăng trưởng được duy trì, WB cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cẩn trọng hơn nữa trong điều hành kinh tế vĩ mô. Theo đó, ưu tiên hàng đầu vẫn là củng cố ổn định kinh tế vĩ mô và tái lập lại các lớp đệm chính sách; giảm bội chi ngân sách để kiềm chế những rủi ro ngày càng tăng về bền vững ngân sách và tạo dư địa tài khóa nhằm đối phó với các cú sốc tiềm năng trong tương lai; tiếp tục cải thiện công tác đánh giá rủi ro và thanh tra giám sát về an toàn vốn nhằm giảm thiểu các rủi ro phát sinh trong bối cảnh mở rộng tín dụng.

Để tăng trưởng năng suất, Việt Nam cần cải cách doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hoá, quản trị tốt nợ xấu, tập trung phát triển chiều sâu, tạo năng lực cạnh tranh, kết nối tốt hơn nữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước để tăng chuỗi giá trị gia tăng, tận dụng công nghệ của các doanh nghiệp FDI.

Hạ Vũ