WB: Phê duyệt một số khoản tín dụng cho Việt Nam

Ngày 30/6/2015, Ban giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới vừa phê duyệt hai khoản tín dụng trị giá 315 triệu USD nhằm hỗ trợ kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đổi mới chương trình giáo dục phổ

Khoản tín dụng 238 triệu USD tài trợ Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp Bền vững sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho khoảng 200.000 hộ nông dân trồng lúa, khoảng 1 triệu người, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, và 50.000 hộ nông dân trồng cà phê khác, khoảng 250.000 người, tại Vùng Tây nguyên.

Theo ông Chris Jackson, Chuyên gia Phát triển nông thôn của Ngân hàng Thế giới, trưởng nhóm dự án, dự án sẽ hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ trong đổi mới ngành nông nghiệp, nhất là đối với hai tiểu ngành quan trọng là lúa gạo và cà phê”.

Dự án sẽ giúp nông dân tại các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp và Long An áp dụng các phương pháp canh tác tốt hơn, đồng thời cải thiện hạ tầng sản xuất và chế biến và liên kết nông dân với các doanh nghiệp nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao hơn. Dự án cũng sẽ hỗ trợ sản xuất cà phê bền vững và tái canh cà phê Robusta tại các tỉnh Lâm Đồng, Dak Lak, Dak Nông và Kon Tum.

Khoản tín dụng thứ hai trị giá 77 triệu USD sẽ hỗ trợ Dự án Đổi mới giáo dục phổ thông, cụ thể là hỗ trợ nâng cao kết quả học tập thông qua hỗ trợ đối mới và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới dựa trên năng lực cho các cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Dự án cũng sẽ hỗ trợ nâng cao hiệu quả giảng dạy thông qua biên soạn và cung cấp sách giáo khoa tương thích với chương trình giáo dục mới và cải thiện hệ thống thi cử.

Trước đó, ngày 26/6/2015, Ban Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới phê duyệt khoản tài trợ bổ sung trị giá 45 triệu USD cho dự án chăn nuôi và tăng cường an toàn thực phẩm, đang thực hiện tại Việt Nam. Mục đích của Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh và an toàn thực phẩm là tăng cường hiệu quả sản xuất chăn nuôi trong các hộ gia đình, giảm tác động môi trường của việc chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, và tăng cường an toàn thực phẩm trong chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi.

Dự án cũng giúp tăng cường an toàn thực phẩm thông qua cải tạo 124 lò mổ qui mô nhỏ, tăng cường kiểm tra và xét nghiệm khuẩn qua đó nâng cao mức độ an toàn sản phẩm thịt. Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ 23 lò mổ qui mô vừa và lớn nhằm nâng cấp quá trình xử lý và các cơ sở buôn bán thịt cũng như các biện pháp thực hành khác theo chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia. Cho đến nay, dự án đã hỗ trợ nâng cấp 300 chợ bán thịt theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao mức độ an toàn thực phẩm nói chung trong chuỗi cung ứng thực phẩm.


Nguyên Hà