Xử lý chất thải rắn công nghiệp: Những điều bất cập

Thực tế đã chứng minh, công nghiệp hóa phát triển thì lượng chất thải rắn công nghiệp (CTRCN) ngày càng gia tăng. Loại chất thải này tập trung nhiều tại các vùng sản xuất công nghiệp trọng điểm ở phía

Theo ThS. Dương Xuân Điệp, Trưởng phòng Khoa học Môi trường, Viện Khoa học Quản lý Môi trường, thì thành phần CTRCN thường bao gồm: rác thải hữu cơ (30-40%), tro xỉ (10-15%), kim loại (5-10%), bao bì (2-4%) và các thành phần vô cơ khác như: thủy tinh, cao su, giẻ lau (20-30%). Ngoài ra, thành phần chất thải nguy hại như: dầu thải, sơn keo, dung môi… cũng thường chiếm không quá 20%, tùy thuộc loại hình sản xuất công nghiệp. Đáng chú ý là lượng chất thải này hiện không được thu gom, xử lý triệt để mà bị chất đống hoặc thải vào các kênh rạch, sông, hồ, gây ô nhiễm trầm trọng nguồn nước, đất và không khí làm ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe con người, đặc biệt là đối với người lao động làm việc tại các khu sản xuất công nghiệp cũng như người dân vùng lân cận.

Tổng khối lượng CTRCN phát sinh ngày càng nhiều, trong khi lực lượng làm công tác thu gom, xử lý lại khá “mỏng”. Hiện nay, ở hầu hết các địa phương, Cty Môi trường đô thị là DN Nhà nước, chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý CTR đô thị và CTRCN. Tuy nhiên, ngoại trừ một số đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…, còn lại đa phần các địa phương đều gặp khó khăn trong công tác này do thiếu nhân lực và trang thiết bị.

Trong khi đó, chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT) nói chung và CTR nói riêng còn chồng chéo, mỗi địa phương một khác. Theo Luật BVMT ban hành năm 2005 thì công tác BVMT có sự tham gia quản lý của nhiều bộ, ngành, trực tiếp là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng. Điều này dẫn tới phân tán, chồng chéo, làm giảm hiệu quả quản lý. Đặc biệt, ở cấp địa phương, theo Nghị định 81/2007/NĐ-CP ban hành ngày 23/5/2007, chức năng quản lý nhà nước về BVMT nói chung (bao gồm quản lý chất thải) được giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường, song theo Nghị định số 13/2008/NĐ-CP, ban hành ngày 4/2/2008 thì chức năng quản lý nhà nước về CTR lại được chuyển sang Sở Xây dựng. Vì vậy, ở mỗi địa phương, chức năng quản lý CTR được giao cho những đơn vị khác nhau.

Nguồn vốn đầu tư cho hoạt động BVMT khá đa dạng (được trích từ nguồn ngân sách nhà nước hàng năm, nguồn thu từ phí BVMT và phí vệ sinh môi trường), song mức chi cho hoạt động này lại thấp.

Mặc dù hàng năm, các cơ quản quản lý về BVMT từ cấp Trung ương đến địa phương đều tổ chức thanh, kiểm tra tình hình tuân thủ quy định pháp luật BVMT nói chung và công tác quản lý CTR nói riêng, nhưng không nhiều vi phạm lớn liên quan đến hoạt động này bị phát hiện.

Để tăng cường các biện pháp quản lý giám sát chặt chẽ CTR, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật BVMT 2005 theo hướng quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tham gia công tác quản lý CTR từ cấp Trung ương đến địa phương. Đồng thời sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 9/4/2007 về quản lý CTR hoặc ban hành một nghị định mới về quản lý chất thải ngay sau khi Luật BVMT sửa đổi được thông qua, tăng cường vai trò của các doanh nghiệp tham gia quản lý CTR.

Quan tâm đầu tư về nguồn lực tài chính, trang thiết bị và nhân lực cho các DN đảm trách nhiệm vụ thu gom và xử lý CTR. Việc quy hoạch và lựa chọn các công nghệ xử lý CTR phải phù hợp với điều kiện địa phương. Theo đó, cần tiến tới quy hoạch khu quản lý và xử lý CTR trên phạm vi cả nước, đồng thời áp dụng các công nghệ xử lý tiên tiến, an toàn, phù hợp.

Ngoài việc nâng cao ý thức trong việc tuân thủ các quy định về BVMT, các DN sản xuất công nghiệp cần đầu tư đổi mới công nghệ; hạn chế sử dụng các hóa chất độc hại trong từng giai đoạn sản xuất.

Thêm vào đó, các DN cũng cần tăng cường giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải bằng cách giảm thiểu tối đa nguyên liệu đầu vào; tăng cường áp dụng sản xuất sạch hơn; tăng cường quản lý nội vi, kiểm soát quá trình, cải tiến trang thiết bị để tránh thất thoát nguyên vật liệu.

Thu Hường