Xuất hay nhập khẩu than – Bài toán của nền kinh tế

Việt Nam là nước giàu tài nguyên than với trữ lượng lên tới hàng chục tỷ tấn, vậy sao TKV tổ chức nhập khẩu than? Xung quanh vấn đề này Tạp chí Công Thương xin giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Văn H
Theo Tập đoàn TKV, ước tính, riêng trữ lượng than vùng Quảng Ninh ở độ sâu từ 300-1.000m có thể lên hàng tỷ tấn. Ngoài ra, tại khu vực đồng bằng sông Hồng trữ lượng than còn lớn hơn nhiều lần. Tuy nhiên, trữ lượng và khả năng khai thác là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Trong những năm gần đây, TKV đã có nhiều cố gắng trong việc ứng dụng khoa học công nghệ để đầu tư cho khai thác và nâng sản lượng khai thác lên cao. Đặc biệt là trong 20 năm gần đây, sau khi thành lập Tổng công ty Than Việt Nam. Trước những năm 1994, với trên 8 vạn thợ mỏ, toàn ngành Than cũng chỉ khai thác được 6 đến 7 triệu tấn than. Tuy nhiên, chỉ sau đó vài năm, sản lượng khai thác than đã vượt ngưỡng 20 triệu, 30 triệu, rồi trên 40 triệu tấn như hiện nay. Con số này vượt xa cả quy hoạch phát triển ngành Than đến năm 2030 đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ phê duyệt. Đây là sự nỗ lực rất lớn của ngành Than.

Mặt khác, công tác đầu tư để mở một mỏ than đòi hỏi suất đầu tư khá lớn và mất nhiều thời gian. Chẳng hạn như mỏ mới Khe Chàm III, có độ sâu khai thác thiết kế xuống đến mức -300, sản lượng theo thiết kế 2,5 triệu tấn có mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng. Điều đáng nói là công tác đào lò xây dựng cơ bản mở mỏ phải mất khoảng 8 năm. Dự án này khởi công từ năm 2006 và mãi đến nay mới ra than nhưng chưa phải là đã xuống đến mức -300 mà mới chỉ đến mức -150.

Để đạt sản lượng theo thiết kế cũng phải mất vài năm nữa. Đó là những thách thức không nhỏ của TKV trong việc gia tăng sản lượng khai thác đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Để vượt qua thách thức đó, những năm gần đây, TKV đã có chủ trương tập trung cho phát triển ngành Than. TKV đã thoái vốn tại nhiều ngành nghề khác để đi vào mũi nhọn sản xuất than, sản xuất điện và khoáng sản.

Nhiều mỏ than mới đã được TKV khởi công, đang trong quá trình đào lò xây dựng cơ bản như: Dự án mỏ than hầm lò Núi Béo, khai thác xuống đến mức -400, có sản lượng khai thác 2,5 triệu tấn với mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng; Dự án Khe Chàm II-IV khai thác xuống đến mức -500, sản lượng thiết kế 3,5 triệu tấn với mức đầu tư lên đến gần chục ngàn tỷ đồng.

Ngoài ra, TKV cũng đang mở rộng các mỏ than Mạo Khê, Mông Dương, Quang Hanh, Dương Huy, Thống Nhất, Hà Lầm xuống khai thác đến mức -300. Riêng đối với dự án xuống sâu của Hà Lầm cũng đang vào giai đoạn hoàn thiện, có thể ra than trong một, hai năm tới. Mặc dù TKV đầu tư nhiều dự án như vậy, nhưng sản lượng khai thác không thể tăng nhanh ngay trong những năm tới vì trên thực tế nhiều mỏ đã đi vào giai đoạn khấu vét theo thiết kế cũ. Những dự án này nhằm duy trì được sản lượng của đơn vị đó như: Mỏ than Khe Chàm III ra đời thay thế cho mỏ than Khe Chàm I; Dự án Khe Chàm II-IV thay thế cho các mỏ nhỏ của Công ty Than Hạ Long đã dần kết thúc; Mỏ than Hầm lò Núi Béo thay thế cho mỏ lộ thiên Núi Béo hiện nay v.v… Còn các dự án khác đều mang tính mở rộng mỏ duy trì sản lượng.

Một thách thức khác của TKV trong việc gia tăng sản lượng khai thác than là nguồn nhân lực. Do ngành Than có đặc thù là ngành công nghiệp nặng nhọc, nguy hiểm, nên mặc dù đã đầu tư rất nhiều trong việc chăm lo đến người lao động, nhất là đội ngũ thợ lò về nhà ở, đi lại, ăn uống, thu nhập; một số công ty đã tổ chức đưa đón thợ lò hàng tuần về thăm quê… nhưng vẫn khó thu hút được lao động làm việc trong hầm lò.

Nếu không có lao động, đặc biệt là thợ lò thì TKV khó có thể tăng sản lượng khai thác lên cao vì cho đến nay, máy móc vẫn cơ bản chưa thể thay thế được con người trong khai thác than. Giá thành khai thác ngày càng cao do khai thác ngày càng xuống sâu. Đó cũng là quy luật tất yếu của ngành khai thác mỏ. Ngoài ra, các sức ép về các loại phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác và phí sử dụng tài liệu thăm dò hạch toán hàng năm đến hơn 500 tỷ đồng vào giá thành sản xuất than… làm cho hiệu quả đầu tư giảm. Nếu không có lãi, TKV sẽ không thể đủ sức đầu tư tiếp các mỏ mới.

Trong khi đó, xét về tổng thể, nền kinh tế nước ta đang có tốc độ phát triển khá cao. Nhiều ngành nghề đang được Đảng và Nhà nước khuyến khích phát triển. Than là nguồn năng lượng đầu vào nên rất cần thiết cho quá trình phát triển đất nước. Nhiều dự án nhiệt điện được mọc lên với công suất lớn tại nhiều khu vực như: Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận), Trung tâm Nhiệt điện Mông Dương (Quảng Ninh)… Chỉ tính riêng TKV đã có tới 5 nhà máy nhiệt điện đang hoạt động và một số nhà máy đang trong quá trình đầu tư xây dựng với sản lượng mỗi năm gần 8,5 tỷ kWh, góp phần giải quyết vấn đề thiếu điện quốc gia như những năm trước đây.

Phải khẳng định rằng đây là chủ trương đúng đắn vì điện được coi là nguồn năng lượng quan trọng của đất nước. Hiện nay, nhu cầu điện cho sản xuất của doanh nghiệp cũng như cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân đều tăng cao. Và đương nhiên nhu cầu về than sẽ tăng cao khi nhiều nhà máy nhiệt điện đi vào hoạt động. Nhu cầu than tăng cao vượt khả năng cung cấp của ngành Than thì phải nhập khẩu than cũng là chuyện tất yếu.

Thậm chí, trong nền kinh tế thị trường, nhiều nước khi giá thành sản xuất than cao, họ không sản xuất mà đi nhập vì hiệu quả kinh tế cao hơn. Do vậy, xét về thị trường thì việc doanh nghiệp xuất khẩu hay nhập khẩu mà có hiệu quả, phù hợp với luật pháp thì điều đó là bình thường. Chẳng hạn như loại than dùng cho luyện thép trong nước không có hoặc có ít, Tập đoàn Hòa Phát đã nhập khẩu từ lâu để sản xuất chứ không phải bây giờ mới nhập.

Xuất nhập khẩu than của một đất nước là chuyện bình thường khi xét về tính cạnh tranh, lợi thế so sánh. Việt Nam có thể nhập khẩu than nhiệt năng từ Indonesia hoặc từ Australia cho các tỉnh phía Nam để sử dụng cho nhiệt điện, trong lúc có thể xuất khẩu than antraxit từ Quảng Ninh, loại than có thể dùng cho luyện kim, hóa chất thì giá trị kinh tế cao hơn là để làm nhiên liệu.

Còn nhớ cách đây không lâu, những năm 1999, ngành Than rơi vào tình trạng sản xuất dư thừa. Than sản xuất không bán được, các mỏ phải giãn sản xuất, người lao động thiếu việc làm. Gần đây cũng vậy, ngành Than tồn kho hàng triệu tấn, nhưng vẫn phải duy trì sản xuất ở mức độ phù hợp để đảm bảo việc làm cho người lao động. Trong khi nếu ngừng sản xuất thì chi phí duy trì mỏ và chi phí để bắt đầu khai thác trở lại là rất tốn kém, chưa nói đến nguy cơ về mất an toàn lao động tăng cao do các loại khí độc hại tăng cao khi quá trình thông gió không được liên hoàn. Đó là sự lên xuống theo cung cầu của thị trường mà chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề linh hoạt, không cứng nhắc cho một ngành kinh tế hay của cả nền kinh tế.


TS. Nguyễn Văn Hải – Vinacomin