Xuất khẩu của doanh nghiệp Hà Nội: Giảm sút - Vì sao?

Sau hơn 1 năm duy trì mức tăng trưởng khá kể từ tháng 2/2014, từ quý II/2015, mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của thành phố Hà Nội bắt đầu có xu hướng giảm dần. Đến tháng 5/2015, lần đầu tiên sau

Chịu tác động từ kinh tế thế giới

Tiến sĩ Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Nhưng nguyên nhân chủ yếu của 5 tháng đầu năm nay là nhiều nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố chịu tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới.

Nhóm đầu tiên bị tác động là nông sản. Nhóm hàng này đạt kim ngạch 518 triệu USD, chiếm tỷ trọng 11,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố và giảm 1,7% so với cùng kỳ 5 tháng đầu năm 2014.

Trong nhóm hàng nông sản, mặt hàng gạo chiếm tỷ trọng 24% tổng kim ngạch hàng nông sản và giảm 17,3%. Nguồn cung gạo từ đầu năm 2015 trên thị trường thế giới gia tăng, đặc biệt từ kho dự trữ lớn của Thái Lan, dẫn đến giá gạo thế giới giảm (giá gạo Việt Nam giảm 4,6%, giá gạo Thái Lan giảm 5,6%, giá gạo Ấn Độ giảm 5,2%) khiến giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo giảm đi. Gạo Việt Nam bị Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan cạnh tranh mạnh mẽ, đang mất dần các thị trường đầu ra chủ yếu là Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia, châu Phi.

Mặt hàng cà phê chiếm tỷ trọng 23,5% kim ngạch hàng nông sản và giảm 26,4%. Nguồn cung trên thị trường thế giới gia tăng dẫn đến áp lực cạnh tranh cho các mặt hàng cà phê của Việt Nam. Trong khi đó, sản lượng sản xuất Việt Nam lại giảm do gặp hạn hán và mất mùa lớn, lượng xuất khẩu giảm trên 40%.

Mặt hàng chè chiếm tỷ trọng 6% kim ngạch hàng nông sản đã giảm 2,9%. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường chủ yếu đều giảm như Nga (giảm 14%), Đài Loan (giảm 21%), Mỹ (giảm 19,3%) vì sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá quy định.

Nhóm hàng thứ hai bị tác động là thủ công mỹ nghệ. Nhóm hàng này đạt 73 triệu USD, chiếm tỷ trọng 1,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố và giảm 4,8% so với cùng kỳ 2014. Xuất khẩu thủ công mỹ nghệ giảm do không đáp ứng được yêu cầu về mẫu mã thiết kế, đặc biệt là với thị trường Nhật Bản (thị trường xuất khẩu lớn nhất, tỷ trọng gần 40%), giảm 16% so với cùng kỳ năm 2014).

Các nhóm mặt hàng công nghiệp cũng chịu tác động xấu làm giảm kim ngạch xuất khẩu. Nhóm hàng xăng dầu (tạm nhập tái xuất) đạt 284 triệu USD, chiếm tỷ trọng 6,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố và giảm 28,4% so với cùng kỳ 2014. Nguyên nhân chủ yếu là giá xăng dầu suy giảm rất lớn (gần 40%) từ cuối năm 2014, đầu năm 2015 nên ảnh hưởng nhiều đến kim ngạch xuất khẩu xăng dầu. Hàng dệt may đạt 549 triệu USD, chiếm tỷ trọng 12,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố và chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm 2014 do các đơn hàng đầu năm 2015 giảm giá từ 10-20% so với năm trước. Đây là mức tăng thấp đáng kể so với 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng tới 15,3% so với 6 tháng đầu năm 2013. Hai mặt hàng than đá và dây điện - dây cáp điện giảm mạnh từ đầu năm 2015 và không còn trong danh sách các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội. Trong những năm trước, 2 nhóm mặt hàng này đều chiếm tỷ trọng trên 1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố.

Ảnh hưởng từ môi trường kinh doanh trong nước

Nguyên nhân đầu tiên là việc tăng giá một số yếu tố đầu vào như điện, nước, tiền lương tối thiểu công nhân (tăng 15% kể từ 01/01/2015), giá thuê đất, mặt bằng sản xuất vẫn còn cao dẫn đến tăng giá thành sản phẩm, rất khó cạnh tranh với hàng hóa của nước khác.

Có một nguyên nhân nữa được nhắc đến nhiều trong vài năm trở lại đây là khả năng tiếp cận tín dụng của một số doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn rất khó khăn, dù lãi suất cho vay của ngân hàng đã giảm.

Việc đồng USD tăng giá có tác động hai mặt: lên giá so với đồng VND và cũng đồng thời tăng giá so với các đồng tiền khác (yên Nhật, Euro, Nhân dân tệ...). Điều đó một mặt làm tăng giá nguyên liệu đầu vào của sản phẩm xuất khẩu; mặt khác làm giảm sức mua tại các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội như EU, Nhật Bản, Trung Quốc.

Những tín hiệu vượt khó

Trước mắt, các doanh nghiệp xuất khẩu Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tiến sĩ Lê Hồng Thăng cũng cho rằng, trong những tháng cuối năm có nhiều yếu tố thuận lợi để kim ngạch xuất khẩu có thể tăng trở lại như: xu hướng tăng trở lại của giá xăng dầu, các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á-Âu và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Hàn Quốc mới được ký kết tháng 5/2015 sẽ có hiệu lực, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU đã đàm phán xong sẽ được ký kết; những cải cách thủ tục hành chính theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015, các chương trình đẩy mạnh xuất khẩu của thành phố đã và đang tích cực được triển khai sẽ phát huy hiệu quả… Vì vậy, xuất khẩu của thành phố có nhiều triển vọng vượt qua được khó khăn hiện tại để tìm lại được mức tăng trưởng như năm 2014.