Xuất khẩu nông sản nhiều bứt phá trong năm 2016

Chỉ tính riêng trong tháng 11/2016, giá trị xuất khẩu rau và trái cây đã đạt 186 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu rau và trái cây trong 11 tháng đầu năm 2016 lên mức 2,178 tỷ USD.

Số liệu công bố mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước tính hết tháng 11/2016 đạt xấp xỉ 160 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2015 và tương đương tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 11 giá trị xuất khẩu rau và trái cây đã đạt 186 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu rau và trái cây trong 11 tháng đầu năm 2016 lên mức 2,178 tỷ USD.

Không những thế, tăng trưởng kim ngạch rau quả còn bỏ xa mức tăng trưởng của nhiều nông sản chủ lực khác như hạt điều (17%); hạt tiêu (14%); cao su (6%). Thậm chí một số nông sản chủ lực tiếp tục tăng trưởng âm như gạo giảm 22% và sắn giảm 24%. Điều này càng cho thấy sự ấn tượng về tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của rau quả trong bối cảnh nhiều nông sản xuất khẩu gặp khó.

Cụ thể, so với cùng kỳ năm ngoài ngành hàng thủy sản, tăng trưởng 7% (tương đương gần 420 triệu USD), đóng góp gần 6,4 tỷ USD vào tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước. Năm 2015, mặt hàng cà phê tăng trưởng âm 2 con số thì đến năm 2016 đã bứt phá mạnh mẽ, tăng trưởng về giá trị kim ngạch 25,5% (tương đương 611 triệu USD), đóng góp 3 tỷ USD vào tổng giá trị xuất khẩu kim ngạch của cả nước.

Đặc biệt, nhóm hàng rau củ quả lần đầu tiên đạt giá trị kim ngạch 2,1 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm. Đây là ngành hàng có sự đột phá nhất trong tất cả các sản phẩm thuộc ngành hàng nông sản. Ông Nguyễn Văn Kỳ - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nói: “Ngành rau quả trong thời gian qua đã gặt hái được những kết quả xuất khẩu ấn tượng. Tính đến hết năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể sẽ cán mốc 2,2 tỉ USD”.

Nhóm hàng rau củ quả lần đầu tiên đạt giá trị kim ngạch 2,1 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm

Cùng theo nhiều chuyên gia khác, tiềm năng xuất khẩu trái cây của Việt Nam còn rất lớn, nếu kiểm soát tốt chất lượng đầu vào kim ngạch xuất khẩu rau và trái cây của Việt Nam có thể đạt 5 tỷ USD/năm.

Hiện tại, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất cho các loại rau và trái cây Việt Nam, chiếm 70,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đứng sau là thị trường Hàn Quốc chiếm 3,6%, thị trường Mỹ chiếm 3,4% và thị trường Nhật chiếm 3,1%.

Tập trung phát triển các ngành hàng trọng điểm

Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2016, nhìn bảng thống kê số liệu xuất khẩu các mặt hàng năm 2016 có thể thấy rõ sự mạnh yếu của từng ngành hàng. Năm 2016, gạo là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sụt giảm nhiểu nhất. Khối lượng gạo xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2016 ước đạt 4,54 triệu tấn với kim ngạch hai tỷ USD, giảm 25% về khối lượng và giảm 20,3% về giá trị so cùng kỳ năm 2015 (mặc dù giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2016 đạt 450 USD/tấn, tăng 5,6% so cùng kỳ năm 2015). Lý giải về vấn để này ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho rằng, “Cung ở trên thế giới hiện nay đang vượt xa rất nhiều so với cầu”.

Ông Hải cho biết thị trường gạo hiện nay diễn biến khá phức tạp. Trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước lớn như Philippines, Indonexia hay Malaysia giảm xuống thì chúng ta lại phải cạnh tranh với nhiều nhà sản xuất khác như Thái Lan, Myanmar hay Campuchia. Đặc biệt, Ấn Độ đã bỏ chế độ tự túc trong nước và giải phóng lượng gạo của mình để trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

“Bên cạnh đó, những sản phẩm gạo chất lượng cao chúng ta vẫn chưa có nhiều và đặc biệt là chưa có thương hiệu. Điều đó cũng hạn chế về giá trị đem lại so với cùng một khối lượng lượng gạo xuất khẩu so với các nước khác”, ông Trần Thanh Hải nhận định.

Nhằm đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu gạo trong thời gian tới, Việt Nam cần định dạng lại sản lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu, với định hướng trong ngắn hạn đến năm 2020, chỉ nên xuất khẩu ở mức hai đến ba triệu tấn/năm thay vì bảy đến tám triệu tấn/năm như hiện nay. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải tăng lượng gạo đặc sản, chất lượng cao để tăng giá bán, cạnh tranh hiệu quả với gạo của nhiều nước xuất khẩu khác tại các thị trường khó tính, đại diện VFA phân tích trong Hội thảo về định hướng phát triển thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam do Bộ Công Thương vừa tổ chức.

Bên cạnh những chia sẻ để khôi phục vị trí xuất khẩu gạo của Việt Nam trên thị trường quốc tế, ông Trần Thanh Hải cũng nhận định, trong thời gian tới, xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh khi vẫn còn nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu sang các thị trường.

Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối dẫn theo Zion Research - Công ty chuyên đánh giá, dự báo thị trường nông sản thế giới cho biết, thị trường rau quả chế biến toàn cầu năm đang có mức tăng trưởng khoảng 8%/năm và sẽ đạt 319,9 tỷ USD vào 2020. Như vậy, xuất khẩu rau quả Việt Nam vẫn còn khả năng tăng trưởng cũng như tiềm năng mở rộng thị trường trong thời gian tới.

Tại thị trường Mỹ, tháng 8 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đăng công báo Liên bang đề xuất ý kiến sửa đổi các quy định để cho phép xoài tươi Việt Nam được nhập khẩu vào nước này. Đây chính là bước đệm quan trọng để hàng nghìn tấn xoài tươi Việt Nam có cơ hội thâm nhập sâu vào nội địa Mỹ. Tính đến hết tháng 11 năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam vào thị trường này tăng hơn 51% so với cùng kỳ năm trước, lên hơn 76 triệu USD.


PV