Xuất xứ - Một nội dung chủ chốt của FTA

Việt Nam đã hoàn tất đàm phán 12 hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, có 2 FTA thế hệ mới đang chờ đợi phê chuẩn là TPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Mỗi FTA có quy định riêng về

Khác biệt trong thống nhất

Trong các hiệp định FTA của ASEAN với các đối tác, do đặc thù của từng đối tác, đồng thời cùng với những cam kết cắt giảm khác nhau, quy tắc xuất xứ trong mỗi FTA của ASEAN cũng có những khác biệt nhất định.

Khác biệt lớn nhất và có tính ảnh hưởng quan trọng đến việc xác định xuất xứ của từng sản phẩm là tiêu chí xuất xứ chung. Trong hầu hết các hiệp định hiện nay của khối ASEAN, tiêu chí xuất xứ chung là chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp 4 số (CTH) hoặc hàm lượng giá trị khu vực 40% (RVC 40). Trong khi đó, Hiệp định ASEAN - Trung Quốc áp dụng tiêu chí chung là RVC 40 và Hiệp định ASEAN - Ấn Độ áp dụng tiêu chí chung là RVC 35 kết hợp với tiêu chí CTSH (chuyển đổi mã số hàng hóa cấp 6 số).

Đối với TPP thì một sản phẩm hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ TPP nếu thuộc một trong ba trường hợp sau đây: (i) Có xuất xứ thuần túy; (ii). Hàng hóa được sản xuất toàn bộ trong khu vực TPP và chỉ từ các nguyên liệu có xuất xứ từ TPP; (iii). Hàng hóa được sản xuất tại TPP, sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ TPP nhưng đáp ứng được các quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng quy định trong Phụ lục 3-D của Chương 3.

Phụ lục 3 này quy định hàm lượng giá trị khu vực RVC được tính trực tiếp hoặc gián tiếp, dao động từ 30% - 55% tùy theo các mặt hàng cụ thể.

Quy tắc xuất xứ trong FTA Việt Nam - Hàn Quốc được cho là tương đối đơn giản. Nhìn chung, để được hưởng ưu đãi thuế quan theo VKFTA, hàng hóa cần đáp ứng được một trong các tiêu chí sau: Tỷ lệ Hàm lượng giá trị khu vực RVC từ 40%; Chuyển đổi mã HS (2 số, 4 số hoặc 6 số); hoặc trải qua một công đoạn sản xuất hoặc chế biến căn bản nhất (các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ…).

Đối với hàng hóa không đáp ứng được tiêu chí xuất xứ chuyển đổi mã HS vẫn được coi là có xuất xứ nếu: trị giá của tất cả các nguyên liệu không có xuất xứ không vượt quá 10% trị giá FOB (là giá trị hàng hóa đã giao qua mạn tàu).

Đối với các hàng hóa thuộc các Chương từ 50 đến 63 trong Hệ thống Hài hòa (HS), trọng lượng của tất cả các nguyên liệu không có xuất xứ không vượt quá 10% tổng trọng lượng hàng hóa.

Mặc dù có một số khác biệt về cách tính xuất xứ, hàm lượng giá trị xuất xứ, song nhìn chung, quy tắc xuất xứ là thống nhất. Theo đó, để được hưởng ưu đãi thuế quan, nước xuất khẩu phải có hàm lượng giá trị nguyên liệu, công đoạn sản xuất nhất định; còn tỷ lệ hàm lượng thì tùy theo yêu cầu của mỗi FTA và tùy theo từng mặt hàng.

Nhiều lựa chọn

Trong các Hiệp định thương mại tự do, quy tắc xuất xứ quyết định một sản phẩm có được ưu đãi hay không. Do đó, đây là một nội dung quan trọng và rất thiết thực, sát sườn đối với mỗi doanh nghiệp.

Như phần trên đã trình bày, có những khác biệt đáng kể về cách tính và hàm lượng giá trị khu vực RVC đối với mỗi FTA. Đồng thời, mỗi FTA lại có những phụ lục, liệt kê các loại mặt hàng ngoại lệ được phép linh hoạt trong cách tính xuất xứ và hàm lượng xuất xứ.

Đối với các FTA của nội bộ khu vực ASEAN như ATIGA chẳng hạn, danh sách ngoại lệ không nhiều lắm do tính tương đồng về kinh tế và khoảng cách trình độ phát triển không lớn. Nhưng với các FTA mà các đối tác tham gia có sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, hay TPP, thì những ngoại lệ khá nhiều, chủ yếu để hài hòa hóa, giúp cho các đối tác có trình độ phát triển không cao không bị thiệt thòi khi tham gia hiệp định.

Như trong TPP, có rất nhiều mặt hàng được phép linh hoạt trong cách tính xuất xứ. Cụ thể, với giày dép: quy tắc chuyển đổi mã số hàng hóa khá linh hoạt, cho phép sử dụng không giới hạn nguyên phụ liệu nằm ngoài Chương 64 (giày dép) nhập khẩu bên ngoài TPP để sản xuất giày xuất khẩu; tất cả các mặthàng thủy sản: cho phép sử dụng con giống nhập khẩu bên ngoài TPP; với tôm, cua chế biến được phép sử dụng nguyên liệu bên ngoài TPP; cà phê đã rang có linh hoạt nhất định, được sử dụng nguyên liệu cà phê chưa rang bên ngoài TPP tới 60% khối lượng nguyên liệu sử dụng để chế biến hàng hóa; cà phê hòa tan được sử dụng nguyên liệu không hạn chế bên ngoài TPP; mặt hàng hạt điều đã bóc vỏ được sử dụng nguyên liệu bên ngoài TPP,…

Vì thế, doanh nghiệp phải nắm những khác biệt này để lựa chọn thị trường có lợi nhất. Ví dụ, cùng một hàng hạt điều chế biến, nếu chọn thị trường Trung Quốc để xuất khẩu (khoảng cách địa lý gần) thì phải đảm bảo hàm lượng khu vực RVC 40%; nếu không đủ hàm lượng này, có thể chọn thị trường Ấn Độ, tuy xa về địa lý, nhưng yêu cầu RVC thấp hơn chỉ có 35%; nếu không đáp ứng được RVC có thể xuất khẩu sang Hàn Quốc (RVC 40% nhưng cho phép 10% nguyên liệu không có xuất xứ, tức tổng hàm lượng RVC là 30%); nếu vẫn không đạt, có thể lựa chọn thị trường các nước thuộc TPP, nơi nguyên liệu chế biến điều được phép mua ngoài TPP.

Hoàng Châu