Khi các ông lớn “làm giá”

Vào mỗi đợt các hãng xe gắn máy tung ra thị trường sản phẩm mới, lại có hàng ngàn người tiêu dùng bị móc túi vì sự chệnh lệch giữa “giá đề xuất” và “giá cửa hàng”. Và dường như tình trạng này vẫn chưa

Loạn giá xe
Còn nhớ các đây vài năm, khi mà Honda tung ra thị trường dòng xe Air Blade, giá công bố và giá thị trường có sự chênh lệch dao động từ 5 – 6 triệu đồng. Và cũng mới đây, vào đầu tháng 4, khi Hãng này tung ra dòng Air Blade mới, được cho là phiên bản lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Ngay lập tức, mẫu xe trên đã gây ra cơn sốt cho người tiêu dùng khi giá tiếp tục bị đẩy cao hơn giá đề xuất của hãng đến cả chục triệu đồng.

Với những màu sơn khác nhau, giá bán đề xuất của dòng xe này cũng có sự chênh lệch. Ví dụ: 35,99 triệu đồng đối với xe màu đỏ, đen, trắng; 36,99 triệu đồng với xe có màu đỏ-đen và trắng-đỏ. Tuy nhiên, giá bán thực tế tại một số đại lý chính thức của Honda trên địa bàn Hà Nội, thì giá bán đến tay người tiêu dùng là 46 - 48 triệu đồng (tùy từng màu sắc). Thật ra, phiên bản Air blade 2011 và các phiên bản trước đó cũng chỉ có một vài “cải tiến” nhỏ không đáng kể, vẫn là động cơ cũ (108cc) chỉ có một vài sự thay đổi về kiểu dáng, chi tiết thiết kế. Nhưng với mức giá bị đẩy lên trời như vậy, người tiêu dùng đang đứng trước một sự đắn đo khi quyết định.

Cách đây không lâu, chiêu bài này lại được Honda sử dụng khi tung ra thị trường dòng xe PCX, PCX đã gây ra một cơn sốt trên thị trường xe máy và đương nhiên, giá xe cũng bị hét lên cao ngất, có lúc chênh đến cả chục triệu đồng so với giá công ty. Hay với Yamaha, giá bán các loại xe Nouvo LX, Exciter luôn bị đội lên từ 4 – 6 triệu đồng,. Các đây không lâu, khi người viết khảo sát giá xe này trên thị trường thì tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm là 32.400.000 đồng, nhưng giá bán của các đại lý dao động từ 35.900 – 36.400.000 đồng.

Việc làm giá của các hãng xe lớn đã diễn ra từ rất lâu, và theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, đây cũng là một cách PR của các hãng cho sản phẩm của mình. Chúng ta hãy nhìn lại cách mà cả Honda và Yamaha tạo nên cơn sốt này.

Gió đưa cái giá lên trời
Thông thường trước các đợt tung ra thị trường sản phẩm mới, các hãng xe luôn cố gắng gây sự chú ý với người tiêu dùng, giới truyền thông, không chỉ bởi các yếu tố như kiểu dáng, chức năng, tính tiện ích, ưu việt của dòng xe mới, mà một trong những yếu tố rất quan trọng và không thể thiếu đó là giá, và phải là giá khủng.

Chuyên gia của một công ty tư vấn phát triển thị trường từng nhận định về hiện tượng này như sau: “Hiện tượng sốt giá là một trong các kỹ xảo để gia tăng lợi nhuận cho nhà phân phối, qua đó hút vốn kinh doanh, gia tăng sản lượng cho nhà sản xuất. Trong một số trường hợp, không ít nhà sản xuất còn kiếm lợi theo kiểu bán kèm giữa sản phẩm bán chạy và các sản phẩm bán chậm theo kiểu bia kèm lạc thời bao cấp”.

Cách mà các đại lý của Honda và Yamaha làm giá với các sản phẩm xe hot như Air Blade hay PCX đó là hét giá trên trời, rồi giảm giá đột ngột ngang bằng mức giá đề xuất, nhưng khi có khách hàng hỏi mua thì câu trả lời là: “hết hàng, và phải đợi (nếu muốn)”. Rồi khi cơn khát của các thượng đế đã lên đến cực điểm thì xe được bung ra bán cho khách, dĩ nhiên, giá bán xe cũng theo gió lên trời. Mức chênh lệch so với giá đề xuất lại vọt lên từ 4 – 10 triệu đồng/xe. Đây là giai điệu quen thuộc của thị trường xe thời gian qua. Trước thực tế này, nhiều thượng đế đã phải than thầm: “Mua được xe đúng giá là thiên nan, vạn nan”.

Hậu quả của làm giá
Trước việc các đại lý (có thể cả sự góp mặt của nhà sản xuất) tham gia làm giá cho các loại xe đã khiến nhiều người tiêu dùng bất bình, bực tức, không ít người trong số đó đã quay lưng, ngoảnh mặt lại với các dòng xe, các thương hiệu xe này. Cái được của những ông lớn như Honda hay Yamaha là đạt được mục đích là gây sự chú ý, nhưng về lâu dài, chính hành động thao túng giá đã đánh mất ít nhiều lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam, một thị trường được coi là rất trọng chữ “tín”.

Trong khi một số đại gia của thị trường xe máy Việt đang mải mê làm giá, nhằm tranh thủ kiếm lời thì cũng không ít hãng xe tìm ra cho mình những hướng đi riêng biệt. Và nó cũng phản ánh đúng một cuộc chiến ngầm giữa các thương hiệu xe. Trước sự đội giá của những PCX, Air Blade, SH, Nouvo LX, đâu đó đã có những đối trọng đáng kể được tạo ra từ các hãng xe khác, có thể kể đến Liberty, LX lắp ráp trong nước của Piagio, Shark, Hayate của SYM. Cũng với những mức giá tương đương, thậm chí thấp hơn, mẫu mã và kiểu dáng bắt mắt, các thương hiệu xe này đang thực sự tiến những bước chậm và chắc, chiếm lĩnh phần thị trường mà hai đại gia là Honda và Yamaha đánh mất từ sự quay lưng của người tiêu dùng.

Lợi nhuận trong kinh doanh là mục tiêu của mỗi doanh nghiệp, nhưng nếu nhìn lại cách các hãng xe móc túi người tiêu dùng và tạo ra những cơn sốt ảo, làm nhũng nhiễu thị trường xe gắn máy thì thực sự đã đến lúc các cơ quan chức năng phải vào cuộc để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.