10 quy định mới về chứng nhận xuất xứ hàng hóa sẽ có hiệu lực từ ngày 15/7/2023

Ngày 31/5/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 33/2023/TT-BTC quy định về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/7/2023.
10 quy định mới về chứng nhận xuất xứ hàng hóa sẽ có hiệu lực từ ngày 15/7/2023
10 quy định mới về chứng nhận xuất xứ hàng hóa quy định tại Thông tư 33/2023/TT-BTC sẽ có hiệu lực từ ngày 15/7/2023

Thông tư 33/2023/TT-BTC được ban hành thay thế các Thông tư số 38/2018/TT-BTC, Thông tư số 62/2019/TT-BTC, Thông tư số 47/2020/TT-BTC và Thông tư số 07/2021/TT-BTC. Điều này sẽ khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện việc khai và nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ; nộp bổ sung C/O sau khi hàng hoá đã thông quan; nộp C/O đối với trường hợp hàng hoá thay đổi mục đích sử dụng; quy định liên quan đến thời điểm nộp C/O; trừ lùi C/O cho hàng hóa gửi kho ngoại quan....

Hướng dẫn việc kiểm tra xuất xứ tại các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP,…). Áp dụng các phương thức quản lý mới phù hợp với xu hướng tạo thuận lợi thương mại, sử dụng chứng từ điện tử thay thế cho chứng từ giấy, bảo  lãnh cho hàng hóa nợ, thay đổi hình thức nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (nộp qua hệ thống V5, nộp bản sao,...).

10 quy định mới tại Thông tư 33/2023/TT-BTC

Áp dụng bảo lãnh thuế đối với các trường hợp chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ và xác minh xuất xứ hàng hóa

Thực tế hiện nay, đối với các trường hợp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ tại thời điểm làm thủ tục hải quan thì doanh nghiệp phải tính thuế theo mức thuế suất MFN (đối với trường hợp áp dụng ưu đãi thuế quan) hoặc mức thuế suất phòng vệ thương mại cao nhất (đối với hàng hóa thuộc diện Việt Nam thông báo đang ở trong thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp hạn chế số lượng) để được thông quan hàng hoá và phải khai sửa đổi, bổ sung sau khi có chứng từ chứng nhận xuất xứ và thực hiện các thủ tục hoàn thuế. Điều này cũng làm chậm quay vòng vốn của doanh nghiệp, lãng phí nguồn nhân lực của cả cơ quan quản lý (hải quan, thuế) và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục khai bổ sung, hoàn thuế.

Do vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và giảm thiểu thủ tục hành chính liên quan đến hồ sơ hoàn thuế, tại Điều 12 Thông tư đã bổ sung hướng dẫn về việc cho phép áp dụng bảo lãnh thuế trong các trường hợp, cụ thể:

Trường hợp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ tại thời điểm làm thủ tục hải quan để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt:

Hàng hóa nhập khẩu phải áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi (sau đây gọi tắt là thuế suất MFN) hoặc thuế suất thông thường và được thông quan theo quy định. Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số tiền thuế chênh lệch thì được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt và thông quan theo quy định.

Trường hợp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ tại thời điểm làm thủ tục hải quan để áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại:

Hàng hóa nhập khẩu phải áp dụng mức thuế theo các biện pháp phòng vệ thương mại do Bộ Công Thương quy định. Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số tiền thuế phải nộp thì được áp dụng mức thuế suất theo khai báo của người khai hải quan và hàng hoá được thông quan theo quy định.

Người khai hải quan nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan để áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại…

Trường hợp phải tiến hành xác minh tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt hoặc biện pháp phòng vệ thương mại:

Trong thời gian chờ kết quả xác minh, người khai hải quan xử lý, tính thuế theo quy định tại điểm b.1 khoản 1 và điểm b.1 khoản 3 Điều 12 Thông tư này.

Bỏ điều kiện chứng từ chứng nhận xuất xứ phải còn hiệu lực tại thời điểm nộp bổ sung và hàng hoá phải được xác định chưa tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến trong một số trường hợp đặc biệt

Do thời gian quy định việc kiểm tra sau thông quan là 05 năm nên đa số các trường hợp phát sinh thay đổi về thuế nhập khẩu được phát hiện trong khâu sau thông quan thì chứng từ chứng nhận xuất xứ đều đã hết hiệu lực (12 tháng kể từ ngày cấp). Theo đó, việc ràng buộc điều kiện chứng từ chứng nhận xuất xứ phải còn hiệu lực tại thời điểm nộp bổ sung dẫn đến các doanh nghiệp không thể đáp ứng quy định mặc dù hàng hóa nhập khẩu đều thỏa mãn quy định về xuất xứ tại thời điểm nhập khẩu, đủ điều kiện được áp dụng thuế ưu đãi đặc biệt.

Ngoài ra, qua theo dõi thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phản ánh vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhiều trường hợp nguyên liệu sau khi sản xuất, cấu thành lên sản phẩm nhưng do không tìm được thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp phải chuyển tiêu thụ trong nước nếu căn cứ theo quy định nêu trên thì doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi do nguyên liệu đã đưa vào sản xuất và không còn nguyên trạng so với ban đầu.

Do vậy, để tạo thuận lợi thương mại và tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, tại Điều 13 Thông tư không quy định điều kiện chứng từ chứng nhận xuất xứ phải còn hiệu lực tại thời điểm nộp bổ sung và điều kiện hàng hoá phải được xác định chưa tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến (đảm bảo tính nguyên trạng về xuất xứ) trong một số trường hợp đặc biệt.

Quy định về khai, nộp, kiểm tra, xác định, xác minh xuất xứ đối với hàng hoá xuất khẩu

Về cơ bản, Thông tư giữ nguyên các nội dung quy định kiểm tra, xác định xuất xứ đối với hàng hoá xuất khẩu như quy định tại Chương III Thông tư 38/2018/TT-BTC (các Điều từ 8-12). Tuy nhiên, để đảm bảo thuận lợi cho các bên liên quan khi nghiên cứu thực hiện; trên cơ sở các nội dung hướng dẫn tại Phụ lục mẫu tờ khai hải quan ban hành kèm Thông tư 39/2018/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC) và vướng mắc đã được Tổng cục Hải quan hướng dẫn bằng văn bản trong quá trình thực hiện Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, Thông tư đã bổ sung 01 Điều hướng dẫn cụ thể về khai, nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá xuất khẩu (Điều 5).

Đồng thời, để phù hợp với quy trình kiểm tra sau thông quan, hướng dẫn rõ cách thức kiểm tra, xử lý khi phát hiện sai phạm, tại các Điều từ Điều 6 đến Điều 9 Thông tư đã quy định cụ thể về thủ tục kiểm tra xác minh hàng xuất khẩu.

Hình thức của chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hoá nhập khẩu

Tại Thông tư 38/2018/TT-BTC và các Thông tư sửa đổi, bổ sung có quy định về hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá, nhưng chủ yếu quy định để áp dụng đối với các trường hợp hàng hoá nhập khẩu theo các Hiệp định Thương mại tự do để hưởng ưu đãi thuế quan, như: tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư 38/2015/TT-BTC gồm: a.1) Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (sau đây gọi là C/O): 01 bản chính mang dòng chữ “ORIGINAL”, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác; hoặc: a.2) Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ: 01 bản chính; hoặc nộp chứng từ tự chứng nhận xuất xứ như quy định tại Thông tư 62/2019/TT-BTC, Thông tư 07/2021/TT-BTC;

Đối với các trường hợp khác tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 38/2018/TT-BTC (hàng hóa thuộc diện quản lý về xuất xứ, không liên quan đến chính sách thuế) chỉ quy định nộp 01 bản chính C/O (không quy định C/O ưu đãi hay không ưu đãi) và không quy định được nộp chứng từ tự chứng nhận xuất xứ.

Do vậy, để phù hợp với thực tiễn thương mại và các cam kết quốc tế trong các FTA mới, khoản 4 Điều 10 Thông tư 33/2023/TT-BTC có quy định: đối với các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên áp dụng hình thức tự chứng nhận xuất xứ như Hiệp định CPTPP, EVFTA, ATIGA thì ngoài C/O, người khai hải quan có thể nộp chứng từ tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa thuộc diện quản lý xuất xứ.

Khai chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá nhập khẩu

Việc khai số tham chiếu, ngày cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá nhập khẩu hiện đang được hướng dẫn tại Phụ lục ban hành kèm Thông tư 38/2015/TT-BTC và Điều 5 Thông tư 38/2018/TT-BTC. Tuy nhiên, để phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới về thông tin doanh nghiệp có thể khai báo và thống nhất, thuận tiện cho các bên liên quan nghiên cứu thực hiện, Điều 11 Thông tư có quy định các tiêu chí trên tờ khai hải quan mà người khai hải quan cần phải khai rõ thông tin, cụ thể:

- Khai số tham chiếu và ngày cấp của C/O hoặc mã nhà xuất khẩu đủ điều kiện cấp chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (mã REX theo Hiệp định EVFTA, mã EORI theo Hiệp định UKVFTA, mã CE theo Hiệp định ATIGA hoặc RCEP);

- Trường hợp Hiệp định không quy định số tham chiếu và/hoặc không có mã nhà xuất khẩu đủ điều kiện cấp chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, người khai hải quan khai tên chứng từ, số chứng từ, ngày cấp và tên tổ chức hoặc tên nhà xuất khẩu cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa kèm tên Hiệp định thương mại tự do áp dụng.

Ngoài ra, để tạo thuận lợi thương mại, Thông tư đã bỏ quy định về việc khai chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ trên tờ khai hải quan trong trường hợp người khai hải quan chưa có chứng từ này để nộp tại thời điểm làm thủ tục hải quan. Theo đó, khi có chứng từ chứng nhận xuất xứ để nộp bổ sung, người khai hải quan sẽ khai báo trên tờ khai bổ sung sau thông quan để được xem xét xử lý số thuế thừa mà không cần khai báo chậm nộp trên tờ khai ban đầu.

Thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Thông tư 38/2018/TT-BTC và các Thông tư sửa đổi, bổ sung có quy định thời hạn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan, trừ mẫu EAV nộp tại thời điểm làm thủ tục hải quan; mẫu VK (KV) nộp trong thời hạn 01 năm, mẫu EVFTA, UKVFTA, thời hạn nộp bổ sung là trong 02 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai… ; các trường hợp khác (không áp dụng thuế suất ưu đãi thuế quan) thì phải nộp tại thời điểm làm thủ tục hải quan và không được chậm nộp. Điều này không phù hợp với trường hợp mặt hàng nhập khẩu của doanh nghiệp đang ở thời điểm áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định của Bộ Công Thương nhưng doanh nghiệp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ và chấp nhận nộp thuế theo mức thuế suất cao nhất để được thông quan hàng hoá.

Do vậy, để giải quyết vướng mắc nêu trên, trên cơ sở quá trình triển khai Thông tư số 47/2020/TT-BTC hướng dẫn cho phép nộp trong thời hạn hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ (01 năm kể từ ngày cấp) để tạo thuận lợi trong giai đoạn covid vì những biện pháp giãn cách, phong tỏa xã hội, Điều 12 Thông tư quy định thời điểm được phép chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá, cụ thể như sau:

+ Đối với hàng hoá áp dụng ưu đãi thuế quan: thời hạn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ là trong thời gian hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ (01 năm kể từ ngày cấp) và trường hợp Hiệp định Thương mại tự do cam kết dài hơn thì thực hiện theo cam kết quốc tế (Hiệp định EVFTA, UKVFTA).

+ Đối với hàng hoá nhập khẩu tuân thủ Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hoặc hàng hoá có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khoẻ của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường: Phải nộp ngay tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu.

+ Đối với hàng hóa thuộc diện áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại: Được chậm nộp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 38/2018/TT-BTC quy định chứng từ chứng nhận xuất xứ phải được nộp dưới dạng bản chính mang dòng chữ “ORIGINAL” hoặc bản chính; Trong giai đoạn dịch bệnh Covid, do giãn cách xã hội hoặc nằm trong các khu vực cách ly, phong tỏa, người khai hải quan không có bản chính (bản gốc) hoặc đã nhận được bản chính nhưng không thể đến nộp cho cơ quan hải quan; để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 47/2020/TT-BTC hướng dẫn thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ trong giai đoạn dịch bệnh Covid. Theo đó, cho phép người khai hải quan được nộp: Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) sử dụng chữ ký và con dấu điện tử hoặc Bản chụp/bản scan C/O đối với trường hợp áp dụng ưu đãi thuế; đối với các trường hợp khác, cơ quan hải quan chấp nhận bản chụp/bản scan C/O để thông quan hàng hóa và người khai hải quan phải nộp lại 01 bản chính C/O trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu.

Do vậy, kế thừa những nội dung ưu việt của các quy định nêu trên, để cắt giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, giảm rủi ro cho công chức hải quan, tiến tới hải quan phi giấy tờ, Thông tư 33/2023/TT-BTC không quy định người khai hải quan phải nộp bản giấy cho cơ quan mà chỉ cần scan gửi qua hệ thống cho cơ quan hải quan và đối với văn bản thông báo xác định trước, người khai hải quan không phải nộp bản chính mà công chức hải quan sẽ kiểm tra trên hệ thống.

Từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá

Thông tư 33/2023/TT-BTC không quy định bắt buộc phải khai nợ/chậm trên tờ khai mà người khai hải quan có thể nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ trong thời hạn quy định, cụ thể là trong thời hạn hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ (01 năm) và riêng mẫu EVFTA, UKVFTA là 02 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Do bãi bỏ quy định về việc phải khai báo chậm nộp cho các trường hợp nộp sau thông quan, Thông tư 33/2023/TT-BTC cũng bãi bỏ quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 62/2019/TT-BTC về việc cơ quan từ chối tiếp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ nộp bổ sung trong trường hợp người khai hải quan không khai báo nợ trên tờ khai nhập khẩu.

Nội dung hướng dẫn khác về việc từ chối tiếp nhận nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ tại Thông tư 62/2019/TT-BTC được giữ nguyên và bổ sung thêm trường hợp từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ nếu hàng hóa nhập khẩu được cơ quan cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ của nước xuất khẩu thông báo về việc hủy chứng từ chứng nhận xuất xứ hoặc không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định của nước xuất khẩu.

Kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ

Về cơ bản các nội dung kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ tại Thông tư 33/2023/TT-BTC đều kế thừa các quy định trước đây và có bổ sung một số nội dung tại Điều 15 như sau:

- Hướng dẫn cụ thể cách thức kiểm tra đối với các loại chứng từ chứng nhận xuất xứ: C/O ưu đãi; chứng từ tự chứng nhận xuất xứ; C/O không ưu đãi; văn bản thông báo kết quả xác định trước xuất xứ.

- Hướng dẫn xử lý từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với mẫu CPTPP.

- Bổ sung nội dung kiểm tra văn bản thông báo kết quả xác định trước xuất xứ.

Xử lý trong trường hợp có sự khác biệt mã số

Trên cơ sở phản ánh của Cục Hải quan địa phương đề nghị hướng dẫn cụ thể hơn để có cơ sở thực hiện thống nhất, Điều 16 Thông tư 33/2023/TT-BTC đã hướng dẫn chi tiết về cách thức xử lý trong từng trường hợp khác biệt mã số theo từng tiêu chí xuất xứ cụ thể.

Trừ lui chứng từ chứng nhận xuất xứ

Do vậy, để phù hợp với thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp, tại  Điều 22 Thông tư 33/2023/TT-BTC đã bổ sung quy định cho phép áp dụng trừ lùi chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với các trường hợp chuyển quyền sở hữu hàng hóa trong kho ngoại quan trước khi nhập khẩu vào nội địa hay các trường hợp mua bán cùng hợp đồng tổng và nhập khẩu nhiều lần vào Việt Nam.

Minh Huế