2 bài toán của ngành Da Giầy

Phát triển nguyên phụ liệu + đổi mới công nghệ = nâng cao năng suất cho ngành Da Giầy. Nhưng làm thế nào để giải quyết?

Thị trường rộng mở

Năm 2016 là năm khá khó khăn với các doanh nghiệp Da Giầy, do sức tiêu thụ của thị trường châu Âu, nhất là thị trường Anh bị chững lại sau sự kiện Brexit. Chỉ các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI mới có đủ đơn hàng, còn các doanh nghiệp nhỏ lẻ bị sụt giảm khá nhiều. Mỹ đã vươn lên vượt qua EU trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm da giầy từ Việt Nam chiếm 34% tổng kim ngạch, EU đứng ở vị trí thứ 2 với khoảng 30% tổng kim ngạch. Các thị trường khác như: Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc… vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định.

Bước sang năm 2017, với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (FTA VN-EAEU) có hiệu lực, nhiều thị trường mới sẽ mở ra cho sản phẩm da giầy của Việt Nam, đặc biệt là thị trường Nga. Với những ưu đãi hấp dẫn về thuế quan, FTA VN-EAEU sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm thời gian, chi phí để chinh phục thị trường tiềm năng này. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2018 cũng tạo làn sóng thu hút đơn hàng mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, tăng trưởng sản phẩm da giầy Việt Nam vào Mỹ đạt tới 20%/năm và Việt Nam là nước đứng ở vị trí thứ hai sau Trung Quốc xuất khẩu giầy dép vào Mỹ. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã chủ động đầu tư công nghệ mới, sản xuất nguyên phụ liệu, dịch chuyển công đoạn đơn giản về vùng sâu, vùng xa để tiết kiệm chi phí… Theo Tổng cục Hải quan, chu kỳ xuất khẩu của giày dép thường bắt đầu tăng trưởng vào quý II và đạt mức cao nhất vào quý III hàng năm. Diễn biến kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2016 cho thấy rất rõ điều đó. Do đó, dự kiến trong năm 2017, ngành Da Giầy sẽ không quá chật vật về đơn hàng mà sẽ có những khởi sắc nhất định, nhất là từ giữa năm trở đi.

Nguồn: Hiệp hội Da Giầy Túi xách Việt Nam

Tuy nhiên, bài toán đặt ra là, Việt Nam đứng vị trí thứ 2 về xuất khẩu da giày trên thế giới, sau Trung Quốc nhưng lại thua xa Trung Quốc về kim ngạch xuất khẩu. Vậy nguyên nhân do đâu? Và làm thế nào để khắc phục?

Nguyên phụ liệu và bài toán về xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ

Theo thống kê của Hiệp hội Da Giày Túi xách Việt Nam, mỗi năm, ngành Da Giày phải nhập khẩu tới gần 60% nguyên phụ liệu, mới đủ nhu cầu sản xuất. Trong năm 2015, chỉ riêng nhập khẩu da thuộc, các doanh nghiệp da giày đã phải chi xấp xỉ 1,24 tỉ USD, đấy là chưa kể hàng tỉ USD nữa để nhập khẩu các nguyên phụ liệu khác…

Việc phát triển mạnh các sản phẩm da giầy nhưng không song song với quy hoạch và phát triển nguyên phụ liệu đã khiến chúng ta có số lượng xuất khẩu lớn nhưng kim ngạch không đáng là bao. Nội tại các doanh nghiệp da giầy cũng biết điều này và mong muốn khắc phục khiếm khuyết, bởi trong xu thế hội nhập, với đòi hỏi các doanh nghiệp phải tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, việc phát triển lệch lạc như trên là không bền vững.Nhưng làm thế nào để giải quyết? công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu cho sản xuất da giày không hề đơn giản. Cản trở lớn nhất là hầu hết các địa phương không mấy mặn mà với sản xuất thuộc da, do lo ngại ô nhiễm môi trường. Các doanh nghiệp cơ khí chế tạo phụ tùng, phụ kiện, hóa chất, dệt vải… cũng trong tình trạng yếu kém. Một số nguyên phụ liệu như: Giả da, vải dệt, đế giày, phom, khoen, khóa, chi tiết trang trí, keo, dây giày… tuy có tỉ lệ nội địa hóa cao hơn da thuộc, nhưng lại không cạnh tranh nổi về giá so với các sản phẩm cùng loại nhập từ Trung Quốc. Nguyên phụ liệu vẫn là bài toán nan giải của ngành Da Giầy

Vì vậy, để phát triển ngành Da Giày thành ngành có giá trị sản xuất lớn, có sức cạnh tranh cao trong bối cảnh hội nhập kinh tế thì việc xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ cho da giày đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trước mắt, Nhà nước cần đồng bộ cơ chế, chính sách, các giải pháp cụ thể để thu hút các nhà đầu tư từ các tập đoàn lớn đa quốc gia, đến các doanh nghiệp trong nước mong muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu để tập trung đầu tư vào lĩnh vực nguyên phụ liệu. Bên cạnh đó, cần xây dựng và khuyến khích các địa phương xây dựng ngay các khu công nghiệp tập trung, các cụm công nghiệp chuyên sản xuất các loại nguyên phụ liệu cho da giày như da thuộc, dệt nhuộm, vải giả da… với hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Có như vậy mới hy vọng giải quyết được bài toán về nguyên phụ liệu cho ngành Da Giầy.

Năng suất và bài toán về công nghệ

Theo đánh giá của Hiệp hội Da giầy Túi xách Việt Nam trong các doanh nghiệp sản xuất giầy dép, là ngành sử dụng nhiều lao động nhưng đa số là lao động phổ thông, trình độ tay nghề thấp nên năng suất và chất lượng của ngành cũng bị ảnh hưởng. Theo khảo sát, trung bình 1 người lao động Việt Nam chỉ sản xuất được 3-4 đôi giày/ngày, trong khi 1 người lao động Trung Quốc sản xuất được 7-8 đôi giày/ngày, gấp đôi lao động Việt Nam. Điều đó cho thấy, năng suất lao động thấp cũng là rào cản làm cho ngành Da Giày khó có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn, do khó cạnh tranh khi nhận các đơn hàng nước ngoài đòi hỏi thời gian giao hàng nhanh và chính xác.

Theo tính toán của Hiệp hội, nếu áp dụng khoa học công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, các mô hình và công cụ cải tiến hiện đại như 5S, Lean, 6Sigma, Kaizen… vào sản xuất da giầy, thì bài toán về năng suất lao động sẽ được giải quyết, năng suất có thể được cải thiện và sẽ tăng 1,5-2 lần so với hiện tại.

Cụ thể, Viện Nghiên cứu Da Giầy, Bộ Công Thương đã giới thiệu về công nghệ thiết kế 3D giúp nhà sản xuất tiết giảm được thời gian, chi phí, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Công nghệ thiết kế 3D không chỉ cho tạo mẫu nhanh đồng thời sử dụng phần mềm trong thiết kế còn có thể giúp nhà sản xuất tiết giảm được thời gian chi phí. Từ đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và có thể phát huy hết tính sáng tạo của người thiết kế, mang lại cho thị trường sản phẩm với chất lượng tốt hơn, mẫu mã phong phú và đa dạng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, để đầu tư hoàn chỉnh một dây chuyền thiết kế 3D đòi hỏi chi phí rất lớn (hàng tỷ đồng) nên rất khó để các doanh nghiệp nhỏ đầu tư. Bản thân Viện Nghiên cứu Da Giầy cũng phải cân nhắc để có thể đầu tư từng phần nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo và sản xuất thử nghiệm của Viện trong thời gian tới.

Hy vọng rằng, với lộ trình triển khai có tính toán đưa công nghệ 3D vào thiết kế da giầy sẽ giúp các doanh nghiệp ngành Da Giầy nâng cao năng suất và chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong công cuộc hội nhập toàn cầu.



Hồ Nga