2 xu hướng đáng lo ngại trong môi trường kinh doanh Việt Nam

Một số lĩnh vực của môi trường kinh doanh đã có cải thiện tích cực nhưng Báo cáo PCI 2018 vẫn chỉ ra rằng, có nhiều chỉ số chưa cải thiện, đặc biệt là 2 chỉ số gia nhập thị trường và chỉ số minh bạch thông tin.

Trong buổi công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2018, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI cho biết, xu hướng đáng lo ngại trong môi trường kinh doanh năm nay là ở lĩnh vực gia nhập thị trường và chỉ số minh bạch thông tin dù chi phí không thức đã giảm nhưng vẫn còn cao.

Dù đã có những cải cách ấn tượng trong thủ tục đăng ký doanh nghiệp, tuy nhiên, những gánh nặng “hậu đăng ký doanh nghiệp” đang là vấn đề lớn với nhiều doanh nghiệp hiện nay, ông Tuấn cho hay.

Cụ thể, năm 2018 có 15,8% doanh nghiệp cho biết phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ tất cả các giấy tờ cần thiết khác (ngoài giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) để có thể chính thức đi vào hoạt động. Con số trên có xu hướng gia tăng trong 5 năm trở lại đây. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn để xin được các loại giấy phép cũng cao ở mức đáng báo động.

pci 2018
Gánh nặng "hậu đăng ký doanh nghiệp" vẫn là vấn đề lớn đối với không ít doanh nghiệp

Ngoài ra, Báo cáo PCI 2018 cũng chỉ ra, có 34% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện, 30% doanh nghiệp phải mất thời gian chờ đợi để nhận được giấy chứng nhận về phòng cháy chữa cháy. Trong quá trình hoạt động, 29% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin cấp giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc các loại giấy chứng nhận khác.

Xu hướng đáng lo ngại thứ hai trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam đó là việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể theo thời gian.

"Cụ thể, với thang điểm từ 1 đến 5 (Không thể - Rất dễ), khả năng tiếp cận của doanh nghiệp với các tài liệu quy hoạch chỉ đạt 2,38 điểm theo điều tra năm 2018, chỉ xung quanh mức của năm 2015 và 2016, và thấp hơn đáng kể mức 2,63 điểm của điều tra năm 2006", ông Tuấn cho biết.

pci 2018
Ông Đậu Anh Tuấn chỉ ra 2 xu hướng đáng lo ngại trong môi trường kinh doanh Việt Nam trong năm nay

Thêm vào đó, khả năng tiếp cận của doanh nghiệp với các tài liệu pháp lý có khá hơn, ở mức 3,01 điểm trong năm 2018, song cũng chưa có nhiều cải thiện kể từ những năm đầu tiến hành điều tra. Vẫn có tới 69,4% doanh nghiệp cho biết “cần có mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh. Trong khi đó, con số này vào năm 2017 là 70%.

"Chính vì việc tiếp cận thông tin chưa thuận lợi, nên khả năng các doanh nghiệp dự đoán được việc thực hiện của địa phương đối với các quy định pháp luật của Trung ương rất hạn chế và khiến các doanh nghiệp bị động. Điều này cũng cản trở các kế hoạch mở rộng đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp", ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Báo cáo PCI năm 2018 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ hơn 12.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 11.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài  (FDI) đang hoạt động ở 20 địa phương tại Việt Nam.

Nghiên cứu PCI gồm 10 chỉ số thành phần gồm: 1) Chi phí gia nhập thị trường thấp; 2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; 3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; 4) Chi phí không chính thức thấp; 5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; 6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng; 7) Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; 8) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; 9) Chính sách đào tạo lao động tốt; và 10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và duy trì được an ninh trật tự.

 

Hạ An