2018: Năm xuất khẩu ấn tượng của Dệt May Việt Nam

Theo báo cáo tổng kết của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt hơn 36 tỷ USD, tăng hơn 16% so với năm 2017 và được đánh giá là năm xuất khẩu thành công nhất của ngành Dệt May Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây.

Ngày 14/12/2018, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã tổ chức Tổng kết công tác hoạt động sản xuất kinh doanh toàn ngành năm 2018, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng tham dự và chỉ đạo Hội nghị

 

Phát biểu tội Hội nghị, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam  cho rằng: Năm 2018 là năm thành công lớn nhất đối với hoạt động xuất khẩu của ngành Dệt May Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam năm 2018 ước đạt hơn 36 tỷ USD, tăng hơn 16% so với 2017. Nhìn lại một số năm gần đây, thì tốc độ tăng KNXK năm 2018 đã đạt mức cao nhất (năm 2015 tăng hơn 12%, năm 2016 tăng hơn 4%, năm 2017 tăng hơn 10%). Trong đó hàng KNXK hàng may mặc đạt hơn 28 tỷ USD, tăng hơn 14%, xuất khẩu vải đạt hơn 1,6 tỷ USD, tăng hơn 25%, đặc biệt là XK vải không dệt đạt 528 triệu USD (tăng hơn 15%) và XK nguyên phụ liệu dệt may đạt 1,23 tỷ (tăng hơn 14%).

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam: Năm 2018 là năm thành công lớn nhất đối với hoạt động xuất khẩu của ngành Dệt May Việt Nam.

 

Về tổng kim ngach nhập khẩu NPL dệt may năm 2018 ước đạt 21,8 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2017. Giá trị thặng dư ước đạt hơn 17 tỷ USD, tăng hơn 14%. Tỷ lệ giá trị tăng thêm đạt 49% giảm 0,7 điểm phần trăm so với năm 2017.

Về các dự án đầu tư, ông Vũ Đức Giang cho biết thêm: Trong năm có tổng số 146 dự án nước ngoài đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam với số vốn đăng ký đạt hơn 17 tỷ USD.

Tín hiệu tình hình đơn hàng cho năm 2019 có khả quan, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng cho 6 tháng đầu năm và thậm chí cả năm 2019, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao và dần hoàn chỉnh chuỗi cùng ứng dệt may (do dòng vốn đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm và nguyên phụ liệu đang tăng lên), cũng như thời điểm thực thi các Hiệp định Thương mại thế hệ mới sắp đến là những yếu tố tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của dệt may Việt Nam năm 2019.

Năm 2019, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đề ra mục tiêu phát triển ngành phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD, tăng trưởng 10,8 %, thặng dư thương mại đạt 20 tỷ USD, đảm bảo việc làm và tăng thu nhập cho 2,85 triệu lao động.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Viêt Nam (Vinatex) kiêm Phó Chủ tịch VITAS đã nhấn mạnh, các DN trong ngành phải chung tay thực hiện những giải pháp về đầu tư, thị trường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, áp dụng khoa học công nghệ, giải quyết những khâu yếu, bất cập của ngành. Ông Trường cũng đề nghị Chính phủ ưu tiên chính sách hỗ trợ đầu tư, xử lý nước thải tại các khu công nghiệp dệt may, đề nghị các bộ,ngành không ban hành thêm các văn bản làm khó cho doanh nghiệp, đặc biệt đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục ngừng áp dụng Thông tư 21/2017/TT – BCT về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các acmin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may từ ngày 01/1/2019 vì sẽ tốn nhiều thời gian cho doanh nghiệp .

Toàn cảnh Hội nghị

 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đánh giá cao kết quả hoạt động của ngành Dệt May nói chung và của VITAS nói riêng trong năm 2018, Thứ trưởng cũng đề nghị đơn vị tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2018, làm tốt vai trò là đầu mối kết nối các doanh nghiệp hội viên nhằm hình thành các chuỗi cung ứng, đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các FTA, chuyển dịch sản phẩm theo hình thức FOB, ODM, OBM; trao đổi kinh nghiệm 4.0 trong đầu tư, sản xuất kinh doanh, liên kết trong đầu tư, khai thác khách hàng lớn; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, làm tốt vai trò cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ và các Bộ, ngành để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, năng động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Lấy mục tiêu vì lợi ích hội viên làm cơ sở phát triển đa dạng hóa hoạt động và phát triển hội viên.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng chia sẻ thêm: Bộ Công Thương đã tích cực thực hiện cải cách thủ tục, hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dệt may nói riêng, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu, quảng bá sản phẩm sang các thị trường xuất khẩu, nâng cao hiệu quả  kết nối của hệ thống thương vụ tại nước ngoài.

Đồng thời Bộ cũng đã triển khai kết nối các doanh nghiệp FDI với DN trong nước để tham gia vào chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu. Để tháo gỡ khó khăn cho DN, sẵn sàng chia sẻ cùng với VITAS tìm ra giải pháp đúng đắn để giải quyết các vướng mắc, kết nối với Chính phủ Đồng hành cùng doanh nghiệp để thúc đẩy ngành Dệt May Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa.

Thu Hoài