25% mỏ khai thác kẽm trên toàn cầu đối mặt nguy cơ đóng cửa

Việc giá kẽm giảm mạnh do nhu cầu sụt giảm khi đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến nhiều mỏ khai thác kẽm trên thế giới rơi vào thua lỗ. Tập đoàn tài chính Citi ước tính 25% số mỏ khai thác kẽm trên toàn cầu sẽ đứng trước nguy cơ tạm dừng khai thác.
Khai thác mỏ
 Nhu cầu sử dụng kẽm giảm mạnh vì sự bùng phát của đại dịch Covid-19 cùng tình trạng dư cung tăng cao đang khiến nhiều mỏ khai thác kẽm trên thế giới đứng trước nguy cơ đóng cửa (Ảnh: Business-standard)

Đại dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu sử dụng kẽm, nguyên liệu chính trong sản xuất thép không gỉ, sụp đổ khiến thị trường kim loại kẽm rơi vào tình trạng dư cung và buộc các nhà khai thác kẽm lớn tại Peru và Ấn Độ phải cắt giảm sản lượng khai thác.

Sự lây lan của dịch bệnh trên toàn cầu đã khiến các ngành công nghiệp vốn sử dụng kẽm như xây dựng và vận tải bị đình trệ. Nhu cầu sử dụng thép sụt giảm đã khiến giá kẽm trên thị trường quốc tế, tính từ đầu năm đến nay, giảm khoảng 18% xuống còn khoảng 1.920 USD/tấn.

Hãng phân tích tài chính BMO Capital Markets dự báo thị trường kẽm sẽ đối mặt với mức dư cung lên tới 335.000 tấn; tăng mạnh so với mức dư cung 150.000 tấn được dự báo trước đó. Tổng mức tiêu thụ kẽm hàng năm trên toàn cầu hiện đạt 14 triệu tấn.

Hãng BMO Capital Markets cũng dự báo nhu cầu sử dụng kẽm trên toàn cầu trong năm 2020 sẽ giảm 6% so với hồi năm 2019 với kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi trở lại vào nửa cuối năm nay.

Chuyên gia phân tích Colin Hamilton tại hãng BMO Capital Markets cho biết với mức giá hiện tại thì sẽ có thêm nhiều hãng sản xuất kẽm buộc phải cắt giảm sản lượng sản xuất. Các mỏ khai thác kẽm lớn tại Peru và Mexico của các tập đoàn khai khoáng hàng đầu thế giới như BHP, Teck Resource và Newmont-Goldcorp đã buộc phải tạm thời đóng cửa. Nguồn cung kẽm từ Peru và Mexico hiện chiếm khoảng 16% tổng nguồn cung kẽm trên toàn cầu.

Theo đánh giá của tập đoàn tài chính Citi, khoảng 25% mỏ khai thác kẽm trên toàn cầu đang rơi vào thua lỗ với mức giá thép như hiện nay; giá thấp khiến các mỏ khai thác với tổng công suất khai thác lên tới 800.000 tấn/năm đứng trước nguy cơ phải dừng khai thác.

Việc nguồn cung kẽm giảm xuống đã buộc các nhà máy luyện kim phải giảm mức giá tinh chế quặng kẽm. Tại Trung Quốc, mức giá tinh chế quặng kẽm đã giảm từ 300 USD/tấn trong năm 2019 xuống còn 255 USD/tấn tại thời điểm hiện tại, mức thấp nhất trong 1 năm trở lại đây.

Quang Đặng (Theo Reuters)