3 lý do khiến giá dầu thô sẽ còn neo cao, thậm chí tiếp tục tăng thời gian tới

Bất chấp việc liên minh OPEC+ đã đồng ý tăng thêm sản lượng khai thác trong tháng 7 và tháng 8 tới đây, giá dầu thô trên thị trường quốc tế vẫn tiếp tục neo trên mức 120 USD/thùng. Nhiều chuyên gia phân tích cảnh báo giá dầu thô sẽ còn tăng cao và biến động mạnh hơn trong thời gian tới.
 Giá dầu thô Brent
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 90 ngày trở lại đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Cuối tuần trước, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu (liên minh OPEC+) đã đạt đồng thuận về việc nâng đáng kể sảng lượng khai thác thêm trong 2 tháng tới đây.

Nhiều nước phương Tây, vốn đã liên tục kêu gọi liên minh OPEC+ tăng sản lương khai thác thêm trong thời gian dài, đã hoan nghênh quyết định trên với kỳ vọng giá nhiên liệu sẽ điều chỉnh giảm khi nguồn cung được bổ sung.

Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng trên, giá dầu thô vẫn tiếp tục duy trì đà tăng. Giá dầu thô Brent hiện được giao dịch quanh ngưỡng 124 USD/thùng, tăng 6% so với trước khi liên minh OPEC+ đồng ý tăng sản lượng khai thác thêm. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô Brent đã tăng gần 60%. Nhiều tổ chức kinh tế và chuyên gia phân tích cảnh báo giá dầu thô có thể còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Ông Matt Smith, chuyên gia phân tích của hãng phân tích thị trường Kpler (Singapore), cho rằng thế giới nên làm quen với việc “giá dầu thô ở mức ba con số” trong thời gian dài tới đây.

“Nếu nhu cầu của Trung Quốc tăng mạnh trở lại sau đợt phong toả vừa rồi và sản lượng dầu thô của Nga tiếp tục giảm thì giá dầu thô có khả năng sẽ tái lập mức đỉnh 139 USD/thùng hồi đầu năm nay”, ông Matt Smith nhận định.

Trong khi đó, ông Jeremy Weir, Giám đốc điều hành hãng giao dịch dầu hàng đầu thế giới Trafigura (Singapore), nhận định giá dầu thô có thể sớm đạt mức 150 USD/thùng trong năm nay. Trong khi đó, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Hoa Kỳ) vừa nâng dự báo giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 135 USD/thùng trong nửa cuối năm nay và nửa đầu năm 2023, tăng 10 USD so với dự báo gần nhất do tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ còn kéo dài.

Theo các tổ chức tài chính và chuyên gia phân tích có ba lý do chính khiến giá dầu thô có thể sẽ neo ở mức cao trong thời gian tới.

Phương Tây xa rời dầu thô của Nga

Một số chuyên gia phân tích cho rằng ngay cả khi lạm phát tăng mạnh trên toàn cầu như hiện nay và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc, thậm chí đối mặt với nguy cơ suy thoái, thì nhu cầu sử dụng dầu thô lần này khó có thể giảm mạnh tới mức để khiến giá dầu thô sụt giảm như đã xảy ra vào cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.  

Vấn đề chính đối với thị trường dầu mỏ hiện nay là xuất phát từ nguồn cung nên ngay cả khi suy thoái kinh tế xảy ra thì chưa chắc giá bán lẻ nhiên liệu có thể giảm xuống nhiều. Liên minh châu Âu (EU) vừa qua đã chính thức cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm tinh chế từ dầu mỏ của Nga qua đường biển, tiến tới giảm 90% lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay. Điều này buộc các quốc gia EU phải tìm kiếm các nguồn cung dầu ngoài Nga.

Dữ liệu của Kpler cho thấy, nhập khẩu dầu thô từ Angola vào châu Âu đã tăng 300% kể từ khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2 vừa qua. Tương tự, lượng dầu thô được châu Âu nhập khẩu từ Brazil và Iraq cũng tăng tương ứng 50% và 40%. Việc nhập khẩu dầu và các sản phẩm tinh chế từ dầu từ những nguồn cung xa sẽ khiến giá dầu khó có thể giảm xuống.

Ông Roslan Khasawneh, chuyên gia phân tích tại hãng dữ liệu năng lượng Vortexa (Anh), nhận định “Chi phí vận tải sẽ gia tăng do những chuyến tàu chở dầu phải di chuyển quãng đường dài hơn, kéo theo đó là giá dầu cao hơn”.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, (IEA) Nga chiếm 14% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu trong năm 2021. Nga cung cấp hơn 25% tổng lượng dầu thô được EU nhập khẩu trong năm ngoái. IEA ước tính các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga khiến sản lượng khai thác dầu thô của Nga giảm gần 1 triệu thùng/ngày trong tháng 4 vừa qua và có thể lên tới 3 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm nay.

Mặc dù còn nhiều tranh luận về sự sụt giảm sản lượng khai thác cũng như sản lượng dầu thô xuất khẩu của Nga, tất cả các chuyên gian đều đồng ý rằng thị trường đối mặt với rủi ro lớn về việc thiếu hụt nguồn cung dầu thô từ Nga và điều này sẽ khiến giá dầu thô neo ở mức cao.

Thiếu hụt nguồn cung

Giám đốc điều hành Saudi Aramco Amin Nasser
Giám đốc điều hành tập đoàn Saudi Aramco ông Amin Nasser cho biết công suất khai thác dầu dự phòng trên toàn cầu chỉ còn dưới 2% (Ảnh: Asia Newsday)

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng mục tiêu tăng sản lượng khai thác thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8 của liên minh OPEC+ sẽ khó có thể đạt được.

Về mặt lý thuyết, theo kế hoạch khai thác mới của OPEC+, Nga sẽ phải tăng sản lượng khai thác thêm 170.000 thùng/ngày kể từ tháng sau. Tuy nhiên, sản lượng khai thác dầu của Nga đang giảm xuống trong những tháng gần đây. Một số quan chức khối OPEC cho rằng Nga sẽ khó có thể nâng sản lượng khai thác sau khi EU cấm nhập khẩu dầu thô của nước này.

Đồng thời, phần công suất dự phòng của các quốc gia thành viên liên minh OPEC+ ngày càng cạn kiệt và hiệu quả khai thác suy giảm. Công suất dự phòng là phần công suất khai thác có thể đưa vào sử dụng ngay trong vòng 90 ngày và duy trì trong thời gian dài để đáp ứng các nhu cầu thị trường gia tăng đột biến.

Ông Amin Nasser, Giám đốc điều hành tập đoàn Saudi Aramco, cho biết công suất khai thác dầu dự phòng trên toàn cầu chỉ còn dưới 2%. Sự sụt giảm công suất khai thác dầu dự phòng cho thấy thị trường dầu mỏ toàn cầu không còn bộ đỡ “đủ dày” để chống đỡ các rủi ro về nguồn cung và giá dầu thô sẽ biến động mạnh hơn nhiều so với trước đây nếu xảy ra bất kỳ cú sốc cung nào. Saudi Aramco là tập đoàn khai thác dầu thô lớn nhất thế giới và thuộc sự chi phối của Chính phủ Saudi Arabia.

Trong liên minh OPEC+, những quốc gia thực sự còn công suất dự phòng đủ dùng là Saudi Arabia và UAE. Tổng công suất dự phòng của cả hai quốc gia này hiện là 3 triệu thùng/ngày trong tháng 5/2022.

Chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ Giovanni Staunovo thuộc ngân hàng đầu tư UBS (Thuỵ Sĩ) cho biết hầu hết các quốc gia thành viên của liên minh OPEC+ đều đã hoạt động hết công suất và không thể tăng thêm sản lượng hơn nữa. Do đó, mức tăng sản lượng thực tế của OPEC+ có thể chỉ đạt 50% so với mục tiêu đề ra, ông Giovanni Staunovo nhận định.

Nhu cầu sử dụng dầu trên toàn cầu ở mức cao

Dữ liệu cho thấy bất chấp việc giá nhiên liệu tại nhiều quốc gia đang ở mức cao nhất trong hàng chục năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng nhiên liệu vẫn không giảm xuống, thậm chí còn tăng lên khi mùa Hè – mùa cao điểm du lịch đang đến.

Tại Hoa Kỳ - quốc gia sử dụng dầu thô lớn nhất thế giới, dữ liệu của hãng OPIS (Hoa Kỳ) cho thấy nhu cầu mua xăng tại các trạm bán lẻ xăng dầu ở Hoa Kỳ trong tuần trước chỉ giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm rất thấp so với việc giá bán lẻ xăng trung bình tại Hoa Kỳ đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2021.

Đối với Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, sau hơn hai tháng áp dụng các biện pháp phong toả nghiêm ngặt để phòng chống dịch Covid-19, thủ đô Bắc Kinh và trung tâm kinh tế Thượng Hải đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng dầu thô của nước này phục hồi trở lại, kéo theo đó là giá dầu thô tăng lên.

Mặc dù Trung Quốc có thể đẩy mạnh việc nhập khẩu dầu thô từ Nga do giá dầu thô Urals của Nga đang thấp hơn tới 34 USD/thùng so với giá dầu thô Brent nhưng giới phân tích cho rằng giá dầu thô toàn cầu sẽ vẫn được nâng đỡ bởi việc Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế.

Ông Matt Smith nhận định “Nhân tố lớn nhất cản trở sự tăng giá của dầu đã được gỡ, nên sẽ có thêm lý do để giá dầu được hỗ trợ ở ngưỡng hiện tại trong thời gian tới”.

Tường Vy