So sánh theo vùng

Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá sinh hoạt giữa các Vùng và địa phương.

Tinh theo vùng, lấy vùng Đồng bằng sông Hồng làm chỉ số gốc (100%) thì vùng Đông Nam Bộ có vị trí đắt đỏ nhất trong cả nước. So với vùng Đồng bằng sông Hồng (bằng 100%), chỉ số “đắt đỏ” của vùng Đông Nam Bộ là 101,53%, do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống “đắt đỏ” tới gần 3%.

Vùng trung du và miền núi phía Bắc đứng thứ hai với chỉ số “đắt đỏ” bằng 100,54% so với vùng Đồng bằng sông Hồng. Mặc dù vùng này có nhiều loại hàng hóa không sản xuất tại chỗ, phải đưa từ miền xuôi lên, trong khi đó đường xá đi lại khó khăn, nên giá cước vận tải hàng hóa cao; Ngoài ra, hệ thống phân phối phân tán, chi phí cao để duy trì hệ thống phân phối, cùng với chi phí cho việc dự trữ hàng hóa trong kho bãi đã làm cho giá hàng hóa bị đẩy lên cao so với các Vùng khác. Tuy nhiên, Vùng trung du và miền núi phía Bắc không thể trở thành vùng đắt đỏ nhất do có những nhóm hàng  bình quân thấp hơn vùng Đồng bằng sông Hồng, trong đó có nhóm thuốc, dịch vụ y tế và giáo dục.

Tây Nguyên là Vùng có mức độ “đắt đỏ” đứng thứ 3 trong cả nước, trong đó, có nguyên nhân đến từ Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống là 101,57% chủ yếu do bột mỳ, bún tươi, trứng gà, mực tươi.

a
Y tế là 1 trong 3 nhóm hàng hóa dịch vụ tác động mạnh đến chỉ số giá sinh hoạt

 

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung được cho là “rẻ” với chỉ số giá sinh hoạt bằng  99,5% so với vùng Đồng bằng sông Hồng. Nguyên nhân tiếp tục đến từ  giá bình quân nhóm giáo dục của vùng này thấp hơn vùng Đồng bằng sông Hồng 3,4%.

Cuối cùng, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là Vùng “rẻ” nhất cả nước trong nhiều năm nay; chỉ bằng 98,15% so với vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong 11 nhóm hàng, 10 nhóm có mức giá bình quân thấp hơn mức giá bình quân vùng Đồng bằng sông Hồng do đây là Vùng có địa hình bằng phẳng, điều kiện khí hậu và thủy văn thuận lợi cho việc thâm canh tăng vụ trong sản xuất nông nghiệp nên các mặt hàng lương thực, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình có mức giá thấp.

Địa phương cũng tương tự

Lấy Hà Nội làm chỉ số gốc (100%) để so sánh chỉ số giá sinh hoạt giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước. TP. Hồ Chí Minh có mức giá cao nhất cả nước; bằng 101,47% so với Hà Nội. Nhìn chung giá bình quân các nhóm hàng của TP. Hồ Chí Minh tương đương với Hà Nội, tuy vậy nhóm giáo dục cao hơn 14,46% ở nhóm học phí lớp 11 trường công lập và học phí trung cấp. Đứng twhs 2 là Hà Nội. Tiếp theo là Đà Nẵng, bằng 97,81% so với Hà Nội. Hầu hết các nhóm hàng của Đà Nẵng đều tương đồng so với Hà Nội, song giá học phí mẫu giáo và học nghề kỹ thuật của Đà Nẵng có mức thấp hơn so với Hà Nội từ 25% - 30%.

Đối với các tỉnh có chỉ số giá sinh hoạt thấp cũng tương tự, có thể mang chi phí của 3 nhóm hàng hóa dịch vụ gồm y tế, giáo dục và lương thực thực phẩm ra để giải thích. Hậu Giang tiếp tục là tỉnh có chỉ số sinh hoạt thấp nhất trong cả nước; bằng 90,5% so với Hà Nội. Năm 2018, giá bình quân các nhóm hàng so với giá bình quân của Hà Nội thấp hơn khoảng từ 3% đến 27%. Nhóm vật liệu xây dựng của Hậu Giang cao hơn Hà Nội 3% chủ yếu do giá nhóm  xi măng. Xi măng tiêu dùng ở Hậu Giang chủ yếu vận chuyển từ thành phố Hồ Chi Minh về nên chi phí vận chuyển cao đẩy giá thành lên cao.

Đồng Tháp có mức giá thấp thứ hai sau Hậu Giang. Chỉ số giá sinh hoạt của Đồng Tháp bằng 90,67% so với Hà Nội. Mức giá bình quân các nhóm hàng của Đồng Tháp ở mức 74,96% đến 100,49% so với mức giá chung của Hà Nội.

Trà Vinh là tỉnh đứng sau Hậu Giang, Đồng Tháp với chỉ số giá sinh hoạt bằng 90,84% so với Hà Nội. Giá bình quân các nhóm hàng của Trà Vinh ở mức 74,64% đến 101,21% so với Hà Nội.

Nhìn chung, các tỉnh có mức giá thấp nhất trong cả nước phần lớn do giá các mặt hàng trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống và các loại dịch vụ như dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế, dịch vụ sửa chữa nhà cửa và các loại dịch vụ vui chơi, giải trí khác có mức giá thấp hơn Hà Nội.