3 nhóm hàng tác động mạnh nhất đến CPI

So với tháng trước, CPI tháng 7/2021 tăng 0,62% (khu vực thành thị tăng 0,64%; khu vực nông thôn tăng 0,6%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tháng Bảy có 7 nhóm tăng giá so với tháng trước, trong đó, có 3 nhóm tác động mạnh nhất đến CPI.
giao thông
Giao thông là nhóm dịch vụ duy nhất có mức tăng vượt ngưỡng 1%

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 3 nhóm hàng hóa, dịch vụ có mức tăng giá cao nhất, tác động mạnh nhất đến chỉ số CPI, gồm:

Giao thông (+2,36%)

Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 7/2021 tăng 2,36% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,23 điểm phần trăm, chủ yếu do giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới.

Cụ thể giá xăng tăng 7,08%, dầu diezen tăng 6,97% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá vào ngày 26/6/2021, 12/7/2021 và 27/7/2021. Ở chiều ngược lại, giá vận tải hành khách bằng đường hàng không trong tháng giảm 4,87% so với tháng trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người dân hạn chế đi lại.

Nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,88%)

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 7/2021 tăng 0,88% so với tháng trước chủ yếu do các nguyên nhân sau:

– Giá điện sinh hoạt tăng 3,38% so với tháng trước (làm CPI chung tăng 0,11 điểm phần trăm) do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng cao.

– Giá dầu hỏa tăng 7,23% so với tháng 6/2021 do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá ngày 26/6/2021, 12/7/2021 và 27/7/2021 làm giá dầu hỏa tăng 340 đồng/lít so với tháng trước.

– Giá gas tăng 7,77% so với tháng trước do từ ngày 01/7/2021, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 30.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới tăng 92,5 USD/tấn (từ mức 527,5 USD/tấn lên mức 620 USD/tấn).

Ở chiều ngược lại, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,25% so với tháng trước do giá thép, giá cát, giá xi măng đã tăng cao ở các tháng trước, tháng Bảy có dấu hiệu giảm giá khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu vật liệu xây dựng và dịch vụ sửa chữa nhà ở giảm.

Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+0,67%)

Trong đó:

Lương thực (+0,36%)

Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 7/2021 tăng 0,36% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá gạo tăng 0,22% (khu vực thành thị tăng 0,12%; khu vực nông thôn tăng 0,3%).

Giá gạo tăng chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và miền Nam do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm nhu cầu tiêu dùng và dự trữ gạo của người dân tăng. Trong tháng, giá gạo tẻ thường dao động từ 11.600-12.500 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương từ 17.600-19.000 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 17.900-19.500 đồng/kg; giá gạo nếp từ 24.700-34.500 đồng/kg.

Bên cạnh đó, giá bột mỳ và ngũ cốc khác tháng Bảy tăng 2,56% so với tháng trước, giá lương thực chế biến tăng 0,36%.

Thực phẩm (+0,95%)

Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn cách xã hội, người dân hạn chế tối đa ra ngoài, nhu cầu dự trữ hàng hóa và ăn uống tại nhà nhiều hơn nên nhu cầu thực phẩm thiết yếu, rau tươi, sữa, các thực phẩm chế biến từ sữa, thực phẩm chế biễn sẵn, thực phẩm đông lạnh tăng cao, theo đó chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 7/2021 tăng 0,95% so với tháng trước, cụ thể:

– Giá thịt gia cầm tăng 1,07% so với tháng trước do giá thức ăn chăn nuôi tăng, trong đó giá thịt gà tăng 0,96%; giá thịt gia cầm khác tăng 1,38%; giá thịt gia cầm đông lạnh tăng 1,09%.

– Giá trứng các loại tăng 6,34% so với tháng trước do nhu cầu của người dân tăng cao trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

– Giá thủy sản tươi sống tăng 1,19% so với tháng trước do các tàu thuyền khai thác thủy sản trong tháng hoạt động hạn chế, theo đó giá cá tươi hoặc ướp lạnh tăng 1,35%; thủy hải sản tươi sống khác tăng 1,48%.

– Giá rau tươi, khô và chế biến tăng 6,86% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng tăng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, một số chợ đầu mối tạm ngừng hoạt động, nguồn rau về chợ bán lẻ giảm tại một số địa phương đã đẩy giá rau tăng so với tháng trước. Trong tháng, giá rau bắp cải tăng 17,8% so với tháng trước; cà chua tăng 12,34%; đỗ quả tươi tăng 8,73%; rau dạng củ, quả tăng 11,66%; rau tươi khác tăng 4,65%…

– Giá bơ, sữa phô mai tăng 0,28% so với tháng trước; giá đồ gia vị tăng 0,28%; giá chè, cà phê, ca cao tăng 0,08% do nhu cầu tiêu dùng tăng.

Bên cạnh các mặt hàng tăng giá, một số mặt hàng giảm giá như sau:

– Giá thịt lợn giảm 1,5% so với tháng trước (làm CPI chung giảm 0,05 điểm phần trăm). Giá thịt lợn giảm do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương, nhiều nhà hàng, quán ăn, trường học phải đóng cửa làm cho mức tiêu thụ mặt hàng thịt lợn giảm trong khi nguồn cung thịt lợn tăng[2]. Theo đó, giá thịt quay, giò, chả tháng Bảy giảm 0,39% so với tháng trước; mỡ động vật giảm 4,26%.

– Giá quả tươi và chế biến giảm 0,23% so với tháng trước do nguồn cung tăng khi đang vào mùa thu hoạch, trong khi xuất khẩu trái cây và vận chuyển giữa các địa phương khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bên cạnh đó lượng khách du lịch giảm mạnh đã ảnh hưởng tới tiêu thụ trái cây thông qua du lịch. Theo đó, giá chuối tháng 7/2021 giảm 0,43% so với tháng trước; quả có múi giảm 1,3%; táo giảm 0,36%.

 Ăn uống ngoài gia đình (+0,11%)

Chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình tháng 7/2021 tăng 0,11% so với tháng trước, trong đó uống ngoài gia đình tăng 0,27% do thời tiết nắng nóng nhu cầu đồ uống tăng cao; thêm vào đó do dịch bệnh diễn biến phức tạp, các hàng ăn chủ yếu được phép bán đồ ăn mang đi nên giá đồ ăn nhanh mang đi tăng 0,15%.

Văn Giang