3 sản phẩm nông sản tỉnh Sơn La được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

3 sản phẩm chanh leo, mận và bơ Sơn La được cấp cấp giấy chứng nhận, góp phần nâng tổng số sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận lên 24 sản phẩm, mở ra cơ hội tiêu thụ và xuất khẩu nâng cao giá trị các sản phẩm.
giay chung nhan
 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho 3 sản phẩm: Chanh leo, mận, bơ Sơn La

Trong khuôn khổ hội nghị kết nối xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu xoài và nông sản Sơn La năm 2022, ông Ngô Việt Thắng- Giám đốc Trung tâm chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố quyết định và trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho 3 sản phẩm gồm chanh leo, mận, bơ Sơn La.

Hiện nay, Sơn La trở thành vựa trái cây lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích cây ăn quả các loại 82.805 ha, sản lượng hàng năm trên 450.000 tấn/năm. Trong đó, sản phẩm mận có diện tích 8.160 ha, sản lượng 66.100 tấn, thời gian thu hoạch mận bắt đầu từ tháng 5 đến hết tháng 6 dương lịch; chanh leo 2.240 ha, sản lượng ước đạt 28.200 tấn, thu hoạch 3 vụ/năm; hơn 1.120 ha bơ, sản lượng ước đạt gần 4.000 tấn, bơ bắt đầu thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 8 dương lịch. Tập trung trên địa bàn các huyện: Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu.

Những năm qua, tỉnh Sơn La đã tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chú trọng xây dựng vùng chuyên canh trồng chanh leo, mận hậu và bơ đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu, cụ thể: Sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP); sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân bón vô cơ; thực hiện tỉa cành tạo tán, tỉa quả, thực hiện trồng rải vụ, giảm áp lực thời vụ, nâng cao mẫu mã, chất lượng, giá trị cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La đã tập trung xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xác nhận cấp mã vùng để xuất khẩu, liên kết sản xuất với tiêu thụ, ứng dụng công nghệ xử lý sau thu hoạch, chế biến... Hiện, toàn tỉnh có 220 mã số vùng trồng với diện tích trên 4.847 ha; 33 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.

 

T,H