4 biện pháp sử dụng trong Phòng vệ thương mại

Phòng vệ thương mại là biện pháp mà một nước sử dụng để tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hoá nhập khẩu với hàng hoá sản xuất trong nước thông qua hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng hoá nhập khẩu bị bán phá giá, được trợ cấp tăng nhanh đột biến, gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.

Điều cần lưu ý là biện pháp tự vệ chỉ được áp dụng đối với hàng hoá, không áp dụng đối với dịch vụ, đầu tư hay sở hữu trí tuệ.

Phòng vệ thương mại có 4 biện pháp: Chống bán phá giá, Chống trợ cấp, Biện pháp tự vệ, và Chống lẩn tránh phòng vệ thương mại.

Chống bán phá giá

Đây là biện pháp mà nước nhập khẩu có quyền áp dụng để đối phó với hành vi bán sản phẩm với giá thấp nhằm chiếm lĩnh thị trường và tiến tới loại bỏ dần các đối thủ cạnh tranh ở trong nước.

Khi hàng hoá nhập khẩu được chứng minh là bán phá giá thì chúng có thể bị áp đặt các biện pháp: thuế chống phá giá, đặt cọc hoặc thế chấp, hạn chế định lượng hoặc điều chỉnh mức giá của nhà xuất khẩu nhằm triệt tiêu nguy cơ gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước nhập khẩu, trong đó thuế chống bán pháp giá và biện pháp phổ biến nhất hiện nay.

Biện pháp chống trợ cấp

Là biện pháp được áp dụng để loại bỏ tác động tiêu cực gây ra cho ngành sản xuất hàng hóa trong nước xuất phát từ các chính sách trợ cấp của Chính phủ nước xuất khẩu.

Trợ cấp Chính phủ có thể tồn tại dưới hình thức trực tiếp như chuyển trực tiếp các khoản vốn  (cho vay ưu đãi, góp cổ phần…), chuyển hoặc nhận nợ trực tiếp (bảo lãnh tiền vay, bảo đảm tín dụng…).

Hoặc trợ cấp gián tiếp như bỏ qua hoặc không thu các khoản thu phải nộp (miễn thuế, giảm thuế); cung cấp hàng hóa hay dịch vụ không phải là hạ tầng cơ sở cho doanh nghiệp.

Biện pháp tự vệ

Là một công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp trong nước trong trường hợp khẩn cấp khi hàng nhập khẩu gia tăng bất thường.

Nếu như để áp dụng biện pháp chống phá giá và chống trợ cấp, cơ quan điều tra phải chứng minh có tình trạng bán phá giá hay trợ cấp, tức là việc điều tra liên quan nhiều đến doanh nghiệp nước ngoài thì trong các cuộc điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ, cơ quan điều tra phải chứng minh được tình trạng thiệt hại “nghiêm trọng” mà ngành sản xuất hàng hóa “tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp” trong nước phải hứng chịu do việc gia tăng “bất thường” của luồng hàng hóa nhập khẩu, tức là việc điều tra liên quan nhiều đến doanh nghiệp và thị trường trong nước.

Mỗi nước thành viên WTO đều có quyền áp dụng phòng vệ thương mại, nhưng khi áp dụng thì họ phải bảo đảm tuân theo các quy định của WTO (về điều kiện, thủ tục, cách thức áp dụng biện pháp tự vệ

Chống lẩn tránh biện pháp PVTM

Là hành vi thay đổi nguồn gốc hoặc loại hàng hóa để tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng, từ đó làm giảm hiệu quả các biện pháp này.

Đối với Việt Nam, các vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra “lẩn tránh thuế” đối với hàng hóa xuất khẩu thường thuộc các trường hợp: (i) hàng hóa của nước đang bị áp dụng biện pháp PVTM chuyển tải sang Việt Nam để lấy xuất xứ Việt Nam nhằm lẩn tránh thuế PVTM; (ii) hàng hóa của nước ngoài lấy xuất xứ Việt Nam để hưởng thuế suất ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) hoặc các quy định ưu đãi thuế quan.

Điều kiện để áp dụng biện pháp phòng vệ

Nước nhập khẩu chỉ có thể áp dụng biện pháp tự vệ sau khi đã tiến hành điều tra và chứng minh được sự tồn tại đồng thời của 3 điều kiện sau:

Hàng hoá liên quan được nhập khẩu tăng đột biến về số lượng;

Ngành sản xuất sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp với hàng hoá đó bị thiệt hại hoặc đe doạ bị thiệt hại nghiêm trọng; và

Có mối quan hệ nhân quả giữa hiện tượng nhập khẩu tăng đột biến và thiệt hại hoặc đe doạ thiệt hại nói trên.

Thủ tục áp dụng biện pháp phòng vệ

Đối với các vụ kiện chống bán phá giá hay chống trợ cấp,không có quy định chi tiết về trình tự, thủ tục kiện áp dụng.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng không quy định cụ thể về hành vi lẩn tránh. Bên cạnh đó, pháp luật về các hành vi lẩn tránh “bất hợp pháp” của các nước cũng rất khác nhau và thường xuyên thay đổi, gây khó khăn cho việc tuân thủ của các doanh nghiệp.

Riêng Biện pháp tự vệ, có một số các nguyên tắc cơ bản mà tất cả các thành viên WTO phải tuân thủ:

Đảm bảo tính minh bạch (Quyết định khởi xướng vụ điều tra tự vệ phải được thông báo công khai; Báo cáo kết luận điều tra phải được công khai vào cuối cuộc điều tra…)

Đảm bảo quyền tố tụng của các bên (các bên liên quan phải được đảm bảo cơ hội trình bày các chứng cứ, lập luận của mình và trả lời các chứng cứ, lập luận của đối phương);

Đảm bảo bí mật thông tin (đối với thông tin có bản chất là mật hoặc được các bên trình với tính chất là thông tin mật không thể được công khai nếu không có sự đồng ý của bên đã trình thông tin);

Các điều kiện về biện pháp tạm thời (phải là biện pháp tăng thuế, và nếu kết luận cuối cùng của vụ việc là phủ định thì khoản chênh lệch do tăng thuế phải được hoàn trả lại cho bên đã nộp; không được kéo dài quá 200 ngày…)

QV

Kiến An