Số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2021 dù giảm 3,2% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 27,2%, đóng góp 21,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, tới nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức trung bình cao.

Đăc biệt, Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; dệt may, da giày..., tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng chỉ rõ 5 thách thức, khó khăn lớn đặt ra trong quá trình phát triển công nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, thách thức đầu tiên và lớn nhất là sản xuất công nghiệp nội tại nhìn chung vẫn đang tập trung chủ yếu vào các hoạt động sản xuất ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp.

“Công nghiệp còn có sự phát triển thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa các mắt xích trong nội ngành và giữa các ngành công nghiệp dẫn tới sự phát triển thiếu tính bền vững”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ.

Khó khăn thách thức tiếp theo được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra chính là động lực trong sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghiệp. Bởi các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam hiện nay vẫn đang chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực FDI, chiếm xấp xỉ 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

“Đây là hệ quả của mối liên kết yếu giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước trong chuỗi cung ứng, cho thấy năng lực cạnh tranh còn hạn chế của các doanh nghiệp trong nước để có thể tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề cập.

phat trien cong nghiep
Các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam có sức cạnh tranh thấp, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu hạn chế

Phân tích sâu hơn về điều này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, thực chất đây là biểu hiện của tăng trưởng năng suất thấp và khả năng cạnh tranh yếu của khu vực kinh tế trong nước. Các doanh nghiệp trong nước đa phần quy mô nhỏ và siêu nhỏ (chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế), có trình độ công nghệ không cao, năng lực tài chính hạn chế, khả năng tích tụ và đầu tư đổi mới công nghệ thấp, hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng cao...

Do vậy đã dẫn đến việc các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam có sức cạnh tranh thấp, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu hạn chế. Các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn của Việt Nam chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng 2%), chưa thực sự đóng vai trò dẫn dắt cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong việc liên kết chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Tính bền vững trong phát triển sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh thế giới ngày càng có những diễn biến phức tạp hơn, nhanh hơn và khó đoán định hơn trước. Đây chính là khó khăn thách thức thứ tư mà người đứng đầu ngành Công Thương đề cập. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với độ mở của nền kinh tế cao hơn, đồng nghĩa với việc chịu tác động trực tiếp hơn, nhanh hơn và mạnh mẽ hơn khi tình hình thế giới gặp biến động.

Trong khi đó, Việt Nam sẽ không chỉ chịu tác động từ phía cầu (thị trường đầu ra), mà còn cả từ phía cung (là kênh cung ứng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước). “Tác động của dịch Covid-19 trong năm 2020 vừa qua là một minh chứng điển hình cho tác động đa chiều này đối với nền kinh tế Việt Nam, khi Việt Nam cùng lúc gặp cả khó khăn, đứt gãy về thị trường đầu ra cho xuất khẩu, vừa bị đứt gãy nguồn cung phục vụ cho sản xuất trong nước”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ.

Thách thức thứ tư được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý là chi phí thương mại của Việt Nam vẫn đang còn ở mức cao, cao hơn mức trung bình của ASEAN về chi phí logistics, chi phí tuân thủ các quy định tại cửa khẩu và sau khi thông quan. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp tác động tới chi phí giá thành của sản phẩm và ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

“Khó khăn quan trọng tiếp theo cần phải kể đến là việc tổ chức, phân bổ không gian phát triển các ngành công nghiệp chưa khai thác tốt lợi thế cạnh tranh của các vùng. Việt Nam chưa hình thành được nhiều cụm ngành công nghiệp chuyên môn hóa để liên kết phát triển theo chuỗi, cũng như nâng cao khả năng tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ.