Thất nghiệp tại Châu Âu
 Hàng dài người chờ xin việc tại thủ đô Madrid (Tây Ban Nha), tỷ lệ thất nghiệp tại Tây Ban Nha trong tháng 2/2020 đạt 25,6% (Ảnh: Andres Kudacki/Associated Press)

Trong ngày 20/4, hãng tư vấn McKinsey cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể khiến gần 60 triệu việc làm tại khu vực Liên minh Châu Âu (EU)Vương quốc Anh biến mất. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực EU sẽ tăng vọt từ mức 6% lên hơn 11% và tình trạng thất nghiệp cao sẽ còn duy trì trong nhiều năm nếu như dịch bệnh không sớm được kiểm soát, hãng McKinsey cho biết.

Theo hãng McKinsey, cứ một trong bốn công việc tại khu vực EU và Vương quốc Anh có nguy cơ bị cắt giảm số giờ làm, giảm tiền lương, các khoản trở cấp tạm thời hoặc bị sa thải vĩnh viễn. Hãng McKinsey đánh giá các ngành nghề không yêu cầu phải tiếp xúc với nhiều người khác như kế toán hoặc kiến trúc sư cùng với các ngành dịch vụ thiết yếu như cảnh sát sẽ ít chịu rủi ro mất việc hơn

Khoảng 55 triệu người đang làm việc trong các ngành nghề có rủi ro mất việc cao như nhân viên thu ngân khối bán lẻ, đầu bếp, công nhân xây dựng và nhân viên khách sạn. Trong đó, 80% số công việc có rủi ro mất việc cao là những công việc không yêu cầu cần có bằng đại học và nhân viên làm việc tại các công ty nhỏ đứng trước nguy cơ mất việc cao.

Theo kịch bản dự báo của hãng McKinsey với giả định các quốc gia Châu Âu thất bại trong việc khống chế dịch bệnh trong vòng 3 tháng tới và buộc phải tiếp tục các biện pháp cách ly xã hội trong suốt mùa hè năm 2020 thì tỷ lệ thất nghiệp của khu vực EU sẽ đạt mức kỷ lục 11,2% trong năm 2021 và thị trường lao động tại đây sẽ chỉ phục hồi hoàn toàn vào năm 2024.

Hãng McKinsey cho biết các doanh nghiệp và chính phủ các nước Châu Âu cần nhanh chóng có hành động để bảo vệ việc làm của người dân. Một số nước lớn tại Châu Âu đã bắt đầu cung cấp các khoản bảo lãnh vay và giảm thuế cho doanh nghiệp để đảm bảo giữ việc làm cho người lao động, thậm chí chi trả tiền lương cho người lao động thay cho doanh nghiệp.

Vương quốc Anh đang chi trả 80% tiền lương cho người lao động trong ít nhất ba tháng với mức chi trả tối đa 2.500 bảng Anh (2.900 USD)/tháng; Chính phủ Đức và Pháp cũng tung ra các chương trình hỗ trợ thu nhập cho người lao động tương tự.  EU cũng tung ra các khoản trợ cấp thu nhập cho người lao động với tổng trị giá lên tới 100 tỷ EUR (110 tỷ USD) nhằm ngăn chặn tình trạng sa thải hàng loạt, cũng như tung ra các gói cứu trợ chính phủ và doanh nghiệp Châu Âu với tổng trị giá lên tới hàng trăm tỷ EUR.

Tại Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng đang chứng kiến sự sụp đổ của thị trường lao động với khoảng 22 triệu người, tương đương 13,5% lực lượng lao động nước này, nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp kể từ ngày 14/3/2020. Tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ đã tăng mạnh từ mức thấp lịch sử 3,5% trong tháng 2/2020 lên 4,4% trong tháng 3/2020 và được dự báo sẽ đạt hai chữ số trong tháng 4/2020 trước các tác động của đại dịch Covid-19.

Một số tổ chức kinh tế dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ có thể đạt trên 15%; thậm chí tập đoàn ngân hàng đầu tư JPMorgan dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại đây sẽ đạt 20%. Hãng McKinsey cho biết, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nổ ra, số người mất việc làm tại Hoa Kỳ nhiều hơn và diễn ra nhanh hơn so với khu vực Châu Âu, có thể do các quy định lao động tại Hoa Kỳ linh hoạt hơn khu vực Châu Âu. Tuy nhiên, thị trường lao động Hoa Kỳ lại phục hồi nhanh hơn khu vực Châu Âu; vào năm 2014, số việc làm đã trở lại mức trước khủng hoảng xảy ra. Trong khi đó, số việc làm tại Châu Âu phải đến năm 2016 mới đạt trở lại mức trước khủng hoảng.