69 năm ngành Công Thương: Phát huy vai trò chủ chốt trong nền kinh tế, đi đầu trong hội nhập

Ngành Công Thương đã phát huy vai trò vị trí đầu tàu, chủ chốt đối với nền kinh tế, đi đầu trong hội nhập quốc tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ngày 14 tháng 5 năm 1951, Chủ tịch nước Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương.

Gần 70 năm xây dựng và phát triển, trải qua nhiều lần thay đổi tổ chức và tên gọi, bao quát nhiều lĩnh vực trong sản xuất, quản lý lưu thông hàng hóa và cân đối cung cầu, Bộ Công Thương là một bộ phận hợp thành quan trọng, động lực phát triển của nền kinh tế quốc gia.

chỉ số sản xuất công nghiệp liên tục duy trì đà tăng trưởng khá và ổn định
Chỉ số sản xuất công nghiệp liên tục duy trì đà tăng trưởng khá và ổn định

Trong suốt chặng đường 69 năm qua, mỗi giai đoạn phát triển của ngành Công Thương đều gắn liền với sự phát triển của vận mệnh đất nước.

Ngay trong giai đoạn 9 năm kháng chiến trường kỳ, Bộ Công Thương bắt tay vào xây những viên gạch đầu tiên cho ngành công nghiệp non trẻ. Mở lại các mỏ than ở Hòn Gai (Quảng Ninh), Phấn Mễ (Thái Nguyên), Quyết Thắng (Ninh Bình); tiếp tục khai thác mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng), gấp rút hồi phục nhà máy in cơ khí Trường Thi, nhà máy giấy Đáp Cầu...

Cùng với đó, cán bộ của Sở Mậu dịch đã lăn lộn cùng đồng bào trong các vùng để phá thế bao vây kinh tế và chia cắt của địch.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ngành Công Thương đã thực hiện tốt hai nhiệm vụ, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, và đẩy mạnh sản xuất chi viện cho miền Nam.

Các nhà máy xí nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp sản xuất ngày đêm, phục vụ yêu cầu của chiến trường; ngành thương mại đảm đương tốt vai trò “nội trợ xã hội”, xây dựng mạng lưới dịch vụ quốc doanh và hợp tác xã mua bán rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ hậu phương ra tiền tuyến.

Những đóng không ngừng nghỉ của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại mùa xuân năm 1975.

Sau ngày đất nước thống nhất, ngành Công Thương đã có những bước chuyển mình, cùng cả nước bước vào công cuộc đổi mới năm 1986, tạo nên bước ngoặt lịch sử trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.

Ngành Công Thương đã phát huy vai trò vị trí đầu tàu, chủ chốt đối với nền kinh tế, đi đầu trong hội nhập quốc tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hơn 30 năm đổi mới, ngành Công Thương cụ thể hóa một cách sáng tạo đường lối, chủ trương hội nhập kinh tế của Đảng, phù hợp với tình hình cụ thể của từng giai đoạn.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 13 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực, 1 FTA đã ký kết và chờ hoàn tất các thủ tục để đi vào thực thi (EVFTA) và 3 FTA đang đàm phán .

Xuất nhập khẩu đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng
Xuất nhập khẩu đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng

Các FTA này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng tiếp cận thị trường toàn cầu.

Xuất nhập khẩu đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng. 10 năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 4,6 lần, từ 57,1 tỷ USD năm 2009 lên 264,1 tỷ USD năm 2019. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến xuất khẩu trong tổng kim ngạch xuất khẩu từ 34,6%, tăng 2,5 lần, lên 84,33% trong cùng giai đoạn.

Tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ đã kích thích chỉ số sản xuất công nghiệp liên tục duy trì đà tăng trưởng khá và ổn định. Sản xuất của nhóm công nghiệp chế biến chế tạo luôn giữ vững vị trí đầu, là động lực chính thúc đẩy mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Lưu thông hàng hóa được đẩy mạnh và thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu, nhất là nhu cầu đối với hàng hóa thiết yếu cho người dân ở mọi miền đất nước và trong những giai đoạn tiêu dùng cao điểm như ngày lễ, Tết.

Có thể nói, thành tựu hơn 30 năm đổi mới, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế; tạo ra những nền tảng và nguồn lực để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, cũng như mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Nhưng quan trọng hơn, hội nhập mạnh mẽ còn giúp chúng ta giải đáp một câu hỏi trên thực tiễn rằng, hội nhập có mối quan hệ biện chứng với độc lập, tự chủ; hội nhập phải trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, phải là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp. Năng lực hội nhập cũng chính là năng lực thích ứng với dòng chảy thương mại quốc tế.

Nhờ năng lực này, khi có tình trạng khẩn cấp, như dịch Covid-19 vừa qua, ngành Công Thương đã thực hiện có hiệu quả tinh thần điều hành của chính phủ là, vừa phòng chống dịch an toàn, vừa đảm bảo phát triển kinh tế.

Phát huy truyền thống năng động, sáng tạo 69 năm qua, trong thời gian tới ngành Công Thương xây dựng kế hoạch để thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực trước những diễn biến mới của dịch bệnh.

Theo đó, Bộ Công Thương đang xây dựng Kế hoạch hành động, tập trung vào 8 nhóm nội dung chính:

Một là khẩn trương xây dựng ban hành nội dung khung hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong ngành công thương trong giai đoạn mới phòng chống dịch Covid-19.

Hai là, tiến hành cập nhật đánh giá các yếu tố ảnh hưởng trong tình hình mới để điều chỉnh nội dung và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và thương mại.

Ba là, rà soát để điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Bốn là, tái cơ cấu thị trường, khai thác hiệu quả thị trường xuất nhập khẩu và thị trường trong nước trong tình hình mới.

Năm là, nâng cao hiệu quả công tác hội nhập quốc tế về kinh tế.

Sáu là, bảo đảm trật tự thị trường, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

Bảy là, tiếp tục rà soát để đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện Chính phủ điện tử, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân.

Tám là, rà soát, cập nhật và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động của ngành công thương về nâng cao năng lực và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bắc Hà