8 nhóm biện pháp ngăn ngừa lẩn tránh phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ

2 nhóm mục tiêu, 8 nhóm biện pháp chính sẽ ngăn chăn chặn được hành vi lẩn tránh phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ?

Gia tăng các vụ việc

Thời gian qua, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị nước ngoài điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ. Bộ Công Thương cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do các đối tác nhập khẩu nghi ngờ hàng hóa chưa đáp ứng điều kiện “chuyển đổi đáng kể” tại Việt Nam. Đặc biệt, các nghi ngờ về hàng hóa của Việt Nam “chuyển đổi đáng kể” tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các mặt hàng đang bị áp thuế phòng vệ thương mại được xuất khẩu với số lượng lớn, gia tăng đột biến sang các nước hoặc các mặt hàng bị nghi ngờ về năng lực sản xuất của Việt Nam.

8-nhom

Trong giai đoạn 2000 – 2016, đã có 15 vụ việc điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trung bình 1 vụ/năm. Tuy nhiên, trong các năm 2017 và 2018, mỗi năm đã có 3 vụ việc được tiến hành khởi xướng điều tra.

Nếu không có các biện pháp tích cực để xử lý vấn đề lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt thông qua gian lận xuất xứ, thì có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, ngành hàng cụ thể, mà lâu dài còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế nước ta đặc biệt trong bối cảnh tham gia hàng loạt FTA có yêu cầu cao về xuất xứ. Đặc biệt, trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang gia tăng, đặc biệt đối với nhiều nhóm sản phẩm như thép, nhôm, nông sản, thủy sản, v.v., để giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp PVTM cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Để ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Cụ thể, ngay từ năm 2017, Bộ Công Thương đã: (i) Xây dựng danh sách hàng hóa trong diện cảnh báo nguy cơ lẩn tránh thuế; (ii) Phối hợp, gửi thông tin tới các cơ quan có liên quan (hải quan, VCCI...) để tăng cường kiểm tra, theo dõi; (iii) Phối hợp với cơ quan điều tra nước ngoài trong quá trình điều tra các vụ việc chống lẩn tránh thuế; (iv) Tuyên truyền phổ biến các quy định về chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ; và (v) Thường xuyên nghiên cứu, thông tin cho doanh nghiệp những thay đổi pháp lý liên quan đến điều tra lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ của nước ngoài.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa đối với các vụ việc lốp ô tô, thép cán mạ phủ sơn, tôm, pin mặt trời xuất khẩu sang EU; nhôm, gỗ dán, thép cuộn cán nguội, thép chống ăn mòn, gạch men.... Trong các vụ việc này, sau khi kiểm tra các trường hợp nghi vấn, làm rõ thông tin, Bộ đã có các kiến nghị và chuyển các đơn vị liên quan xử lý; đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan điều tra của Hoa Kỳ (DOC), EU (OLAF) trong tất cả các vụ việc điều tra.

2 mục tiêu, 8 biện pháp

Mặc dù các Bộ, ngành đã nỗ lực trong cảnh báo hành vi lẩn tránh, siết chặt quản lý, giám sát nhưng cho tới nay, nguy cơ lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ vẫn đang gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang, Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04/7/2019 ban hành Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ Đề án đề ra 2 nhóm mục tiêu chính, với 8 nhóm biện pháp.  

  1. Tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài thông qua 3 nhóm biện pháp chính: (i) Cảnh báo sớm, ngăn ngừa các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ một cách có chọn lọc; (ii) Đẩy mạnh chống gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua tăng cường hiệu quả của công tác cấp và kiểm tra C/O, tăng cường kiểm tra đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa; (iii) Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước thông qua hoàn thiện quy định xem xét, giải quyết việc đăng ký đầu tư nước ngoài, quản lý các dự án đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ.
  2. Tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về chống lẩn tránh, xuất xứ, hải quan thông qua 5 nhóm biện pháp chính: (i) Nâng cao khả năng phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; (ii) Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định về quy tắc xuất xứ, chống lẩn tránh, nguy cơ bị các nước áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, tăng cường khả năng ứng phó của các ngành, cộng đồng DN; (iii) Phối hợp, hợp tác với các nước liên quan trong việc ngăn chặn các hành vi lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; (iv) Rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ; (v) Ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh, gian lận xuất xứ.
Thủy Nguyên