8 tháng, xuất khẩu cao su mang về hơn 1 tỷ USD

Trong khi xuất khẩu chủng loại cao su lớn nhất là cao su tổng hợp tiếp tục giảm, thì xuất khẩu nhiều chủng loại cao su khác tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018.
xuat khau cao su
8 tháng, xuất khẩu cao su tăng cả lượng và giá trị

 

Theo ước tính, xuất khẩu cao su trong tháng 8/2019 đạt 175 nghìn tấn, trị giá 238 triệu USD, tăng 2,4% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cao su đạt 957 nghìn tấn, trị giá 1,31 tỷ USD, tăng 9,1% về lượng và tăng 7,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018; giá xuất khẩu bình quân giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2018, xuống còn 1.373 USD/tấn.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2019 và 7 tháng đầu năm 2019, trong khi xuất khẩu chủng loại cao su lớn nhất là cao su tổng hợp tiếp tục giảm, thì xuất khẩu nhiều chủng loại cao su khác tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, cao su SVR 20 là chủng loại có tốc độ tăng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2018, tăng 185,1% về lượng và tăng 188,3% về trị giá, đạt 2,76 nghìn tấn, trị giá 3,9 triệu USD; Lũy kế 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cao su SVR 20 đạt 11,2 nghìn tấn, trị giá 15,58 triệu USD, tăng 250,5% về lượng và tăng 226,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Các chủng loại có tốc độ tăng mạnh tiếp theo gồm: SVR 10, SVR 3L, Latex, RSS3, RSS1, Skim block...

Trong 7 tháng đầu năm 2019, cao su tổng hợp vẫn là chủng loại cao su xuất khẩu lớn nhất, đạt 363,41 nghìn tấn, trị giá 499,47 triệu USD, giảm 0,8% về lượng và giảm 3,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.

Dự báo thị trường cao su tự nhiên thế giới thời gian tới vẫn khó khăn, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường đang bước vào chu kỳ giảm giá. Đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu đi đến hồi kết. Cuộc chiến thuế quan giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có nguy cơ kéo kinh tế toàn cầu suy yếu, đồng nghĩa với nhu cầu hàng hóa, trong đó có các sản phẩm cao su.

 

Hà An