Theo quy định của pháp luật Việt Nam, chỉ hàng hóa mới là đối tượng kinh doanh theo phương thức đa cấp. Dịch vụ và một số hàng hóa nhất định không được kinh doanh theo hình thức này.

Cụ thể, theo Điều 4 Nghị định 40/2018/NĐ-CP thì mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (nghĩa là trường hợp ngoại lệ phải do pháp luật quy định).

Những hàng hóa sau không được kinh doanh theo phương thức đa cấp: thuốc; trang thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản); thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và các loại hóa chất nguy hiểm; sản phẩm nội dung thông tin số - là sản phẩm nội dung, thông tin bao gồm văn bản, dữ liệu, hình ảnh, âm thanh được thể hiện dưới dạng số, được lưu giữ, truyền đưa trên môi trường mạng.

Đa cấp
 Cung cấp các thông tin sai lệch về lợi ích tham gia mạng lưới và hàng hóa để dụ dỗ người khác bán hàng đa cấp là dấu hiệu kinh doanh đa cấp bất hợp pháp

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp (DN BHĐC) chỉ được kinh doanh đối với mặt hàng hàng hóa, phải đăng ký hợp pháp (đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động) với Bộ Công Thương và chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng trong quá trình hoạt động.

Các hoạt động kinh doanh đa cấp bị cấm bao gồm: dịch vụ, hàng hóa nhưng không có giấy chứng nhận do Bộ Công Thương cấp; các hình thức lợi dụng mô hình đa cấp khác không phải là mua bán hàng hóa như tiền ảo, huy động vốn dự án, thương mại điện tử…

Những trường hợp bán hàng theo phương thức đa cấp mà đối tượng thuộc một trong các trường hợp không được kinh doanh đa cấp như nêu trên đều là dấu hiệu của kinh doanh đa cấp bất hợp pháp.

Đa cấp
Người tiêu dùng nên tỉnh táo trước những dấu hiệu lừa đảo của hoạt động kinh doanh đa cấp bất hợp pháp

Qua thực tiễn và theo khuyến cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có thể rút ra 9 dấu hiệu để nhận diện kinh doanh đa cấp bất hợp pháp, có dấu hiệu lừa đảo tại Việt Nam như sau:

Một là, doanh nghiệp, người bán hàng thường yêu cầu người tham gia đặt cọc và phải mua lượng hàng hóa ban đầu hoặc đóng 01 khoản tiền để tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Hai là, không có hàng hóa để giao hoặc sau khi giao hàng không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật định và không cam kết mua lại với giá tối thiểu 90% mức đã bán.

Ba là, cho hưởng hoa hồng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới và đóng tiền cho doanh nghiệp đa cấp mà không dựa trên cơ sở doanh thu hàng hóa, sản phẩm bán ra.

Bốn là, cung cấp các thông tin sai lệch về lợi ích tham gia mạng lưới và hàng hóa để dụ dỗ người khác bán hàng đa cấp.

Năm là, doanh thu và lợi nhuận không phát sinh từ việc bán hàng mà chủ yếu từ việc tuyển dụng người tham gia.

Sáu là, khuyến khích, dạy người khác tuyển người bằng việc hứa trả tiền thưởng.

Bảy là, không quan tâm tới chất lượng sản phẩm, hàng hóa, chỉ để tượng trưng, giá trị sử dụng không đáng kể, bị thổi phồng về công dụng, chức năng của sản phẩm và khó tìm thấy để so sánh trên thị trường.

Tám là, buộc và hối thúc người tham gia mua hàng mặc dù biết hàng có nhiều khả năng không bán được.

Chín là, doanh nghiệp không có giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp; hoặc tuy có nhưng không tuân thủ đúng pháp luật như không thực hiện đăng ký hoạt động tại sở công thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định, hoạt động công khai với người dân nhưng lại che giấu với cơ quan quản lý.