90 ngàn hồ sơ gửi tới Cơ chế một cửa quốc gia có ý nghĩa gì?

Năm 2016, số lượng hồ sơ Bộ Công Thương xử lý trên môi trường mạng đạt hơn 700.000 hồ sơ/năm với nhiều loại dịch vụ công trực tuyến, đồng thời gửi hơn 90.000 bộ hồ sơ điện tử tới Cơ chế một cửa quốc g

So với tổng số 213 ngàn bộ hồ sơ hành chính mà 10 bộ ngành đã xử lý trên Cơ chế một cửa quốc gia thì hơn 90 ngàn bộ hồ sơ điện tử của Bộ Công Thương chiếm tới gần một nửa.

Cơ chế một cửa quốc gia là một hệ thống tích hợp bao gồm: Cổng thông tin một cửa quốc gia; hệ thống thông quan của Hải quan; và hệ thống cấp phép của các bộ, ngành.

Lợi ích thực tế mà doanh nghiệp được hưởng từ một cửa quốc gia là gì? Thay cho việc chạy đi chạy lại nộp hồ sơ ở các bộ, ngành, đợi sự kiểm tra, chấp thuận rồi “ôm” bộ hồ sơ ấy về nộp cho Hải quan, thì doanh nghiệp chỉ việc gửi hồ sơ trực tuyến là xong. Các bộ, ngành có trách nhiệm xử lý hồ sơ và gửi tới Cơ chế một cửa quốc gia. Tiếp đến, cơ quan Hải quan lấy trực tiếp kết quả hồ sơ trên mạng, rồi làm thủ tục thông quan ngay cho doanh nghiệp.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu, lợi ích còn nhiều hơn vì Việt Nam đã kết nối kỹ thuật thành công với 4 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore) để trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D cho hàng hóa có xuất xứ ASEAN.

Nói một cách hình ảnh, trên Cơ chế một cửa quốc gia, hàng hóa (hồ sơ trực tuyến) của Bộ Công Thương dồi dào nhất. Cho đến nay,dịch vụ công trực tuyến của một số đơn vị thuộc Bộ như Cục Hóa chất, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đã đạt tỷ lệ 100% số lượng hồ sơ nộp qua hình thức trực tuyến, bao gồm: Cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu Vật liệu nổ công nghiệp; Đăng ký thông báo website thương mại điện tử; Cấp phép nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn; Cấp phép nhập khẩu tự động xe môtô phân khối lớn; Cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) ưu đãi.

Việc gửi hơn 90 ngàn hồ sơ điện tử lên Cơ chế một cửa quốc gia đã giúp đơn giản hóa thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; nâng cao chất lượng, tính chính xác của thông tin, chứng từ do cộng đồng doanh nghiệp và các chủ thế kinh tế cung cấp; đồng thời tạo cơ sở cho việc sẵn sàng kết nối với Cơ chế một cửa ASEAN nhằm trao đổi thông tin thương mại với các đối tác thương mại khác trên toàn cầu.

Nhờ Cơ chế một cửa quốc gia này, theo Báo cáo đánh giá trên ấn phẩm Môi trường kinh doanh 2017 của Ngân hàng thế giới, xếp hạng chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới của Việt Nam năm 2016 thăng 15 hạng so với năm 2015 (từ 108 lên 93/190 nền kinh tế được khảo sát) và là một trong 4 nước hàng đầu của khu vực (cùng với Singapore, Malaysia và Thái Lan).

Thời gian chuẩn bị hồ sơ nhập khẩu giảm 30 giờ (từ 106 giờ xuống còn 76 giờ); thời gian chuẩn bị hồ sơ xuất khẩu giảm 33 giờ (từ 83 giờ xuống còn 50 giờ). Chi phí trung bình để chuẩn bị hồ sơ (cho nhập khẩu và xuất khẩu) tại Việt Nam ước khoảng 2,5 USD/giờ. Theo đó, với mỗi lô hàng việc rút ngắn khoảng 30 giờ so với năm 2015 ước tiết kiệm được 75 USD chi phí chuẩn bị hồ sơ.

Theo ước tính, với hơn 10 triệu lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu trong năm 2016, chỉ riêng chi phí chuẩn bị hồ sơ đã tiết kiệm được khoảng gần 800 triệu USD.

Rất khó bóc tách các con số, nhưng với việc gửi hơn 90 ngàn hồ sơ điện tử lên Cơ chế một cửa quốc gia, chiếm gần một nửa tổng số hồ sơ hành chính mà 10 bộ ngành đã xử lý, thì chắc chắn, con số tiết kiệm gần 800 triệu USD nói trên có sự đóng góp khá lớn của dịch vụ công trực tuyến Bộ Công Thương.


Nguyễn Văn