Ai quyết định số phận của cửa hàng tiện lợi

Việt Nam là một trong 3 thị trường bán lẻ sôi động nhất tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (sau Trung Quốc và Indonesia). Với tốc độ tăng trưởng gần 12%/năm và quy mô có thể lên tới gần 180 tỷ USD vào năm 2020.

Trong khi cửa hàng tiện lợi mọc lên như nấm thì các loại hình bán lẻ khác như cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini, cửa hàng trực tuyến (bán hàng trên mạng), thậm chí cả chợ truyền thống cũng thay đổi để thích nghi, cạnh tranh với cửa hàng tiện lợi. Rốt cuộc thì ai, lực lượng nào sẽ quyết định tốc độ phát triển của cửa hàng tiện lợi?

Lên ngôi

Báo cáo triển vọng năm 2019 của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho thấy, giai đoạn 2018 - 2025, siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi là mô hình phát triển nhanh nhất trong các loại hình bán lẻ tại Việt Nam. Tỷ lệ tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng năm của các cửa hàng tiện lợi của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2019 đang là 35,7%; giai đoạn 2017 - 2021 dự kiến đạt 37,4%, cao hơn rất nhiều so với các quốc gia còn lại trong khu vực Đông Nam Á (Philippines 24,2%; Indonesia 15,8%; Malaysia 10,5%; Thái Lan 6,6%...).

Còn theo khảo sát của Nielsen, Việt Nam là một trong 3 thị trường bán lẻ sôi động nhất tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (sau Trung Quốc và Indonesia). Với tốc độ tăng trưởng gần 12%/năm và quy mô có thể lên tới gần 180 tỷ USD vào năm 2020. Bên cạnh yếu tố cơ cấu dân số vàng thì hành vi tiêu dùng đang có sự điều chỉnh với yếu tố tiện lợi được đặt lên hàng đầu, thì đây là cơ sở để thị trường cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam lên ngôi, phát triển mạnh mẽ. Tiềm năng của khu vực này còn rất lớn, khi doanh số bình quân của cửa hàng tiện lợi chiếm khoảng 20% trong hệ thống bán lẻ của các nền kinh tế thì tại Việt Nam mới chiếm chưa tới 10%.

Sự hút của các cửa hàng tiện lợi không chỉ hấp dẫn các tập đoàn nước ngoài như Family Mart, Circle K, Bs Mart, Mini Stop, Total, 7-Eleven, GS25... mà còn lôi cuốn các doanh nghiệp trong nước vào cuộc với hàng loạt tên tuổi như VinMart, Co.op Food, Vistar, Bách Hóa Xanh, Hapro Food, Shop & Go, Fast 24h…

Trong miếng bánh hấp dẫn và đang ngày càng giãn nở, doanh nghiệp trong nước đang chiếm phần áp đảo với tỷ trọng 70%. Theo khảo sát của Deloitte Việt Nam, doanh nghiệp trong nước có khoảng gần 3.000 cửa hàng, riêng Vinmart 1.700 cửa hàng. Trong khi tổng cộng các cửa hàng tiện lợi thương hiệu nước ngoài chỉ hơn 600 cửa hàng.

Vì sao các cửa hàng tiện lợi lên ngôi? Điều đầu tiên là mô hình cửa hàng tiện lợi rất phù hợp với điều kiện nước ta. Cửa hàng tiện lợi về cơ bản chính là mô hình tạp hóa được nâng cấp lên với những điều kiện phù hợp hơn. Tiếp đến là điều kiện cơ sở vật chất, chỉ cần một diện tích vừa và nhỏ (từ 50m2 trở lên) sẽ dễ dàng thuê mặt bằng ở khắp nơi, dù là trong ngõ rộng hay mặt tiền ngoài phố. Thứ ba, vốn đầu tư không quá lớn, sử dụng nguồn vốn nhỏ trong tay cùng bản kế hoạch chi tiêu hợp lý là hoàn toàn có thể phát triển một cửa hàng tiện lợi.

Ai quyết định

Liệu con số tăng trưởng bán lẻ hàng năm của các cửa hàng tiện lợi của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2021 dự kiến đạt tốc độ 37,4% mà Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra có trở thành hiện thực hay không? Vấn đề đặt ra không thừa bởi trong khi cửa hàng tiện lợi mọc lên như nấm thì các loại hình bán lẻ khác như cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini, cửa hàng trực tuyến (bán hàng trên mạng), thậm chí cả chợ truyền thống cũng thay đổi để thích nghi, cạnh tranh với cửa hàng tiện lợi. Rốt cuộc thì ai, lực lượng nào sẽ quyết định tốc độ phát triển của cửa hàng tiện lợi?

Cửa hàng tiện lợi có 2 ưu điểm mà các loại hình bán lẻ khác không có, hoặc hiện chưa thể làm được. Thứ nhất là khung giờ phục vụ 24/24h. Thứ hai, thực sự là “tiện lợi”. Nếu bạn mua trái cây hay gói mì tôm ở siêu thị, hay chợ truyền thống, bạn sẽ phải đi về nhà gọt trái cây hay nấu nước sôi, pha chế mì tôm, sau khi ăn là rửa dao, rửa bát đũa. Nhưng ở cửa hàng tiện lợi, dao và nước sôi có sẵn, người dùng chỉ việc chế vô cốc mì và thưởng thức, ăn xong cho đồ thừa vào thùng rác là xong.

cua hang tien loi

Ai thích tính tiện lợi nhất. Đó chính là giới trẻ. Một khảo sát của Asia Plus, Hãng cung cấp dịch vụ dữ liệu thị trường thực hiện tại Việt Nam cho thấy, VinMart, Family Mart và Circle K hiện đang là 3 đơn vị dẫn đầu về mức độ nhận diện thương hiệu. Trong đó, VinMart khá thịnh hành với đối tượng người tiêu dùng trên 30 tuổi, đặc biệt là các bà nội trợ. Trong khi Family Mart và Circle K lại được lòng các bạn trẻ từ 16 - 23 tuổi nhiều hơn.

Sự phân hóa này bắt đầu từ đâu? Là do VinMart thực hiện mô hình siêu thị mini, bán nhiều mặt hàng rau củ, thịt tươi sống để tận dụng các trang trại theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao từ 15 nông trường của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Nông nghiệp VinEco - một thành viên của Tập đoàn Vingroup. Còn Family Mart và Circle K có xu hướng phát triển thành mô hình “lai” trong việc cung ứng đa dạng mặt hàng bách hóa, thực phẩm và quán cà phê thức ăn nhanh.

Trong khi đó, theo thống kê của Asia Plus, khoảng 80% số người được hỏi cho biết, họ chọn tới các cửa hàng tiện lợi để ăn uống. Các nhóm bạn trẻ thích tới cửa hàng tiện lợi bởi nơi đây có điều hòa, chỗ ngồi tiện lợi, có Wifi miễn phí và có thể ăn uống tại chỗ. Điều đó cho thấy, giới trẻ là đối tượng tiêu dùng lớn nhất của cửa hàng tiện lợi, và cũng là lực lượng quyết định tốc độ tăng trưởng của cửa hàng tiện lợi.

Biết được điều này, nhiều cửa hàng tiện lợi như Fast 24H đã chớp cơ hội đáp ứng nhu cầu của các thanh niên chuyên “ngủ ngày, cày đêm”, cung cấp những món ăn thay đổi theo ngày như bánh bao, mì trộn, xúc xích... Ngoài ra, vào buổi tối, cửa hàng còn có những vị trí ngồi tám chuyện vừa thưởng thức đồ ăn của quán vừa rôm rả tâm sự với bạn bè và ngắm phố phường Hà Nội rất thú vị.

Ngọc Châu